Mùa hè từ lâu đã là khoảng thời gian được học sinh mong đợi nhất trong năm. Sau những tháng ngày học tập căng thẳng, đây là dịp để các em nghỉ ngơi, thư giãn và theo đuổi sở thích cá nhân. Tuy nhiên, thay vì chỉ tham gia các hoạt động vui chơi hay học thêm kỹ năng, ngày càng nhiều học sinh, đặc biệt ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông đang lựa chọn đi làm thêm trong kỳ nghỉ hè.
Xu hướng này xuất phát từ nhiều động lực: mong muốn kiếm thêm thu nhập, tích lũy kinh nghiệm thực tế, rèn luyện kỹ năng sống hoặc đơn giản là tìm cách tránh khỏi sự nhàm chán của kỳ nghỉ kéo dài.
"Chán" nghỉ hè, học sinh tìm kiếm nơi làm thêm
Nhu cầu tìm việc làm thêm trong dịp hè của học sinh đang gia tăng rõ rệt. Không chỉ tìm kiếm công việc tại địa phương, nhiều em còn chủ động tìm việc ở các thành phố lớn như Hà Nội hoặc Bắc Ninh - nơi được cho là có nhiều cơ hội việc làm hơn, mức lương hấp dẫn và môi trường năng động hơn.
Trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là trong các hội nhóm như “Việc làm thêm Hà Nội”, "Hội tìm việc làm khu vực Hà Đông", “Tuyển CTV online không cần kinh nghiệm”, hay “Tuyển dụng việc làm Hà Nội”, "Việc làm thời vụ Bắc Ninh", "Việc làm thời vụ Quế Võ Bắc Ninh", số lượng thành viên tham gia nhóm lên tới hàng trăm nghìn người. Trong đó, các bài đăng tuyển dụng được cập nhật liên tục mỗi ngày, thu hút hàng trăm bình luận và chia sẻ.
Đáng chú ý, nhiều bài viết công khai tuyển cộng tác viên, nhân viên ở nhiều độ tuổi, đặc biệt mở rộng độ tuổi tuyển dụng xuống 15 - 16. Những công việc được đề cập thường là bán hàng online, nhập liệu, hỗ trợ livestream, bưng bê, chạy bàn, nhân viên kinh doanh bán thời gian...Bên cạnh đó, cũng trong các hội nhóm việc làm, không khó để bắt gặp những bài đăng từ chính các em học sinh sinh năm 2008 đến 2010 chủ động tìm việc. Nhiều em chia sẻ lý do muốn đi làm là để kiếm thêm tiền, học hỏi kinh nghiệm hoặc đơn giản vì “nghỉ hè ở nhà quá chán”.

Em Nguyễn Quốc Hải (sinh năm 2008, tỉnh Khánh Hoà) chia sẻ: “Em muốn đi làm hè để có tiền mua những món đồ em thích. Em có thử xin làm phục vụ quán trà sữa gần nhà, nhưng ở đó chỉ tuyển từ 18 tuổi. Em thấy nhiều bạn tìm được việc làm qua mạng, kiếm được mấy trăm nghìn mỗi tuần nên cũng thử đăng bài tìm việc".
Em Kiều Thanh Ngọc (sinh năm 2007, Hà Nội) đã có kinh nghiệm đi làm thêm tại các quán ăn. Nữ sinh bày tỏ: "Trong hè năm trước, em đã làm thêm tại một quán ăn ở Hà Nội. Em thường tìm những công việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập và tăng cường kỹ năng sống. Em chọn tìm việc qua mạng xã hội vì số lượng bài đăng rất nhiều, đặc biệt trong các hội nhóm tuyển dụng.
Đến hè năm lớp 12 thì em dành nhiều thời gian hơn để ôn thi. Hiện nay khi đã thi xong và chờ kết quả trúng tuyển vào các trường đại học, em dự định sẽ tiếp tục tìm việc làm thêm. Em thấy nếu có kỹ năng tìm kiếm, học sinh sẽ tìm được các địa chỉ làm việc uy tín. Bên cạnh đó, một 'mẹo' để các bạn không bị lừa đảo khi làm thêm là đừng tin vào những việc làm online thu nhập cao, hay những bài tuyển dụng không có địa chỉ, tên công ty/doanh nghiệp rõ ràng".

Sau thời gian ngắn trải nghiệm hoạt động làm việc bán thời gian, Thanh Ngọc cho hay, em cảm thấy bản thân trưởng thành hơn, các kỹ năng như giao tiếp, tính toán, sự cẩn thận cũng được bồi dưỡng. Đặc biệt, việc đi làm thêm khiến mùa hè của nữ sinh không còn nhàm chán.
Em Hà Quang Linh (sinh năm 2009, học sinh lớp 10, Trường Trung học phổ thông Quan hoá, tỉnh Thanh Hoá) cũng có những trải nghiệm "mới lạ" khi lựa chọn đi làm thêm vào dịp hè. Nam sinh thử sức với nhiều công việc như bán hàng tạp hoá, bê vác hàng và thậm chí nhận sơn nhà thuê. Linh chia sẻ, những trải nghiệm này giúp em rèn luyện thể lực, tính kiên nhẫn và trân trọng giá trị lao động.
Quang Linh cho biết, các công việc làm thêm em nhận đều nằm trong địa bàn xã, gần nhà nên bố mẹ dễ theo dõi, quản lý. Em cũng cảm thấy an tâm hơn so với việc đi làm xa. Ngoài ra, vì kỳ nghỉ hè chỉ kéo dài khoảng 3 tháng nên Linh không lựa chọn làm cố định tại doanh nghiệp, mà ưu tiên những công việc linh hoạt, ngắn hạn.

Bên cạnh mặt tích cực như tăng trải nghiệm, rèn kỹ năng sống, việc học sinh đi làm thêm trong dịp hè cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro - đặc biệt khi các em lựa chọn làm việc xa nhà mà thiếu sự giám sát của gia đình.
T.H.P (15 tuổi, học sinh lớp 10, tỉnh Thanh Hoá) chia sẻ: “Em có đăng ký làm khảo sát online, lúc đầu thấy cũng dễ, nhưng sau lại bị yêu cầu tải ứng dụng lạ, nhập số tài khoản. Em thấy nghi ngờ nên dừng lại. Em đã thấy nhiều trường hợp tải ứng dụng rồi bị chiếm quyền điều khiển thiết bị nên rất cảnh giác với những chiêu trò này".
Theo khảo sát, hiện nay, trên các trang mạng xã hội, không ít các bài đăng trên mạng xã hội tuyển dụng nhân viên "trẻ tuổi", là học sinh từ còn ngồi trên ghế nhà trường. Hầu hết những bài tuyển dụng đều không yêu cầu học sinh cung cấp thông tin xác nhận từ phụ huynh, thậm chí những việc làm online không cần gặp mặt trực tiếp. Chính sự đơn giản này lại tiềm ẩn vô vàn rủi ro.
Điển hình như vụ việc của hai em Nguyễn Thị H. (15 tuổi) và Nguyễn Thị Ng. (13 tuổi) tại Nghệ An. Được biết, hai em bắt xe khách ra Hà Nội, nhưng sau khi đến nơi thì bất ngờ mất liên lạc hoàn toàn. Gia đình lo ngại các em gặp nguy hiểm nên trình báo công an. Qua xác minh, lực lượng chức năng phát hiện hai em đang ở tỉnh Hưng Yên (tỉnh Thái Bình cũ). Rất may, cả hai an toàn và đã được đưa về nơi người quen để ổn định tinh thần. [1]
Hay trước đó, tháng 5/2025, Công an tỉnh Lào Cai cũng kịp thời ngăn chặn 4 học sinh bị dụ dỗ bỏ học đi làm thuê. Qua khai thác nhanh, 4 học sinh cho biết bị một đối tượng lạ trên mạng xã hội dụ dỗ đi làm thuê với lời hứa “công việc nhẹ, lương cao”. [2]
Sự tò mò, ham kiếm tiền cùng với tâm lý "ai cũng làm được thì mình cũng làm được" có thể khiến nhiều học sinh đánh mất cảnh giác, dễ sa vào bẫy lừa đảo hoặc môi trường lao động không an toàn.
Học sinh có thể làm thêm dịp hè, nhưng phụ huynh phải tăng cường quản lý
Chị Nguyễn Thu Trang (phụ huynh của một học sinh lớp 10 tại Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy con muốn đi làm thêm là điều tích cực. Cháu muốn tự lập, không phụ thuộc bố mẹ và biết quý trọng đồng tiền. Nhưng tôi cũng rất lo vì cháu còn non nớt, dễ tin người. Tôi chỉ đồng ý nếu công việc rõ ràng, môi trường an toàn và có sự giám sát của người lớn".
Tương tự, anh Đỗ Văn Hoàn (phụ huynh học sinh lớp 10 tại Thanh Hoá) cũng bày tỏ: “Tôi từng thử liên hệ với một vài bài đăng tuyển dụng mà con tôi muốn ứng tuyển, nhưng gần như không có gì minh bạch. Ví dụ các công việc nhập liệu online, họ bảo con tôi chỉ cần nhập dữ liệu bằng máy tính là sẽ kiếm được 300.000 đồng/ngày. Nhưng khi tôi đặt vấn đề rằng lấy gì để đảm bảo con tôi được trả công sau khi hoàn thành, họ liên tục né tránh, hứa hẹn 'làm xong sẽ trả tiền luôn'. Rõ ràng có nhiều khúc mắc, không thể để con tự ý làm việc qua mạng xã hội mà không kiểm soát".

Anh Hoàn cho biết, nếu con em muốn đi làm thêm để rèn kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm thì gia đình không phản đối, nhưng cần có những tiêu chí rõ ràng để đảm bảo an toàn. Trước hết, công việc phải minh bạch, có người tuyển dụng uy tín. Thứ hai, địa điểm làm việc nên gần nhà để thuận tiện theo dõi.
Cuối cùng, phụ huynh cần được trực tiếp gặp gỡ đơn vị tuyển dụng để trao đổi, cam kết trách nhiệm và nắm rõ tính chất công việc trước khi để con tham gia. Anh cũng nhận định rằng việc đi làm thêm có thể mang lại nhiều lợi ích về mặt tâm lý và kỹ năng, nhưng chỉ khi đó là những công việc uy tín, phù hợp độ tuổi và có thời gian hợp lý, không ảnh hưởng đến sức khỏe hay việc học.
Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, học sinh có thể tiếp cận rất nhiều cơ hội, nhưng cũng đồng thời phải đối diện với nhiều rủi ro. Điều quan trọng nhất là cần có sự đồng hành của phụ huynh và nhà trường trong việc định hướng, giám sát và trang bị kỹ năng nhận diện nguy cơ cho học sinh.
Anh Hoàn nói thêm: "Cũng cần có vai trò quản lý chặt chẽ hơn từ phía các nền tảng mạng xã hội, nhằm kiểm soát và loại bỏ những nội dung tuyển dụng lừa đảo, sai quy định hoặc nhắm vào đối tượng vị thành niên mà không qua xác minh".
Tài liệu tham khảo:
[1] https://laodong.vn/xa-hoi/tim-thay-hai-chi-em-gai-mat-tich-khi-ra-ha-noi-tim-viec-1536119.ldo
[2] https://baolaocai.vn/kip-thoi-ngan-chan-4-hoc-sinh-bi-du-do-bo-hoc-di-lam-thue-post401718.html