Năm 2025, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông lần đầu tuyển sinh chương trình Công nghệ vi mạch bán dẫn (mã: 7510301_MBD), thuộc ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện, điện tử.
Các tổ hợp xét tuyển gồm A00 (Toán, Vật lí, Hóa học), A01 (Toán, Vật lí, tiếng Anh), X06 (Toán, Vật lí, Tin học), X26 (Toán, Tin, tiếng Anh). Tổng điểm các môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt tối thiểu 80% thang điểm xét, tức 24 điểm trở lên. Điểm Toán yêu cầu tối thiểu 8/10.
Đào tạo kỹ sư vi mạch bán dẫn chất lượng cao
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu – Trưởng khoa, Khoa Kỹ thuật Điện tử 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ: “Quyết định số 1018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, trong đó đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Đến năm 2030, quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.[1]
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng có nội dung: Phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học đủ năng lực, trình độ đáp ứng việc giảng dạy lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ chip bán dẫn, vi mạch, kỹ thuật và công nghệ then chốt.[2]
Là một trong 5 trường đại học trọng điểm quốc gia về kỹ thuật – công nghệ, đồng thời là thành viên của Liên minh các cơ sở giáo dục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp chip bán dẫn, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xác định việc thực hiện các mục tiêu này là nhiệm vụ trọng tâm.
Chính vì lẽ đó, Khoa Kỹ thuật Điện tử 1 đã xây dựng chương trình Công nghệ vi mạch bán dẫn với kỳ vọng góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Là đơn vị chuyên môn sâu trong các lĩnh vực điện tử, mạch tích hợp, robot và tự động hóa, Khoa Kỹ thuật Điện tử 1 luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Học viện tin tưởng giao phó”.

Theo thầy Hiếu, vào năm 2024, sinh viên khóa 2021-2025 của ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện, điện tử đã được đăng ký theo học chuyên ngành Thiết kế vi mạch. Dựa theo những kinh nghiệm trong đào tạo Thiết kế vi mạch, Khoa xây dựng chương trình Công nghệ vi mạch bán dẫn với nội dung mở rộng hơn.
Chương trình đào tạo Công nghệ vi mạch bán dẫn tập trung vào nền tảng thế mạnh của Khoa, với 70% khối lượng kiến thức về kỹ thuật điện tử, mạch tích hợp điện tử, đặc biệt là về khâu thiết kế vi mạch, 30% là kiến thức công nghệ chip bán dẫn như sản xuất, đóng gói, kiểm thử.
Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng mở rộng chiều ngang để trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức rộng và vững chắc; đồng thời phát triển theo chiều sâu với các chuyên ngành như thiết kế vi mạch, đóng gói và kiểm thử.
Bên cạnh đó, chương trình còn tích hợp các học phần mang tính dự báo, chuẩn bị cho những xu hướng công nghệ quan trọng trong vài năm tới. Ngoài tiếng Anh là môn học bắt buộc, sinh viên còn được lựa chọn học thêm một ngoại ngữ khác nhằm tăng cường khả năng hội nhập quốc tế.
Học viện đã đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm chuyên sâu như: Lab Công nghệ Bán dẫn (SEMIT), Lab Hệ thống Nhúng và Công nghệ IoT, Lab Thiết kế Điện tử Tự động (EDA), Lab Điện tử và Điều khiển Thông minh (EIC), Lab Tự động hóa và Robot (ARL).
Các phòng lab này được trang bị thiết bị hiện đại từ các hãng công nghệ hàng đầu như ARM, Cadence, Synopsys, Intel, Xilinx (AMD), Siemens, Dobot, đồng thời duy trì mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, bao gồm cả doanh nghiệp nội địa và các tập đoàn FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Học viện và Khoa đồng thời thiết lập mối quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu uy tín tại Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) nhằm xây dựng các chương trình thực tập quốc tế, mở rộng cơ hội việc làm sau tốt nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn cho sinh viên, từng bước định hướng phát triển nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Bên cạnh đó, Học viện còn có các chương trình học bổng tài năng với mức học bổng lên đến 500 triệu đồng để sinh viên được chuyên tâm học tập.

Cơ hội nghề nghiệp rộng mở cả trong nước và quốc tế
Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu cho biết, cơ hội nghề nghiệp dành cho sinh viên theo học chương trình Công nghệ vi mạch bán dẫn rất rộng mở.
Tại Việt Nam, công nghệ vi mạch bán dẫn đã được xác định là một trong những chiến lược phát triển quốc gia. Chính phủ đang có những bước đi quyết liệt nhằm thu hút các tập đoàn hàng đầu thế giới đặt trụ sở, xây dựng nhà máy và mở rộng đầu tư vào lĩnh vực này, qua đó tạo ra nhu cầu nhân lực rất lớn.
Trong thời điểm hiện tại, các vị trí liên quan đến thiết kế và đóng gói vi mạch đang có nhu cầu tuyển dụng cao. Đồng thời, các công ty nội địa trong lĩnh vực điện tử, viễn thông và phần mềm cũng đang tích cực phát triển những hướng chuyên sâu, nhằm từng bước hình thành hệ sinh thái vi mạch nội địa hóa và hướng tới khả năng tự chủ trong sản xuất.

Sinh viên tốt nghiệp chương trình Công nghệ vi mạch bán dẫn có thể đảm nhiệm hơn 20 vị trí công việc khác nhau, phân bố trong nhiều lĩnh vực như: kỹ sư thiết kế vi mạch (IC Design Engineer) - phụ trách thiết kế chip số, chip tương tự hoặc hỗn hợp, thiết kế IP lõi, thiết kế vật lý và xác minh thiết kế; kỹ sư kiểm thử và xác minh vi mạch (IC Testing and Verification Engineer) - đảm bảo chất lượng chip thông qua quá trình kiểm thử nghiêm ngặt; kỹ sư thiết kế vật lý và sản xuất - phụ trách vận hành, bảo trì thiết bị, quản lý năng suất, thiết kế vật lý, đóng gói và tối ưu hóa quy trình sản xuất; kỹ sư tích hợp và tối ưu hóa - thực hiện tích hợp chức năng trên chip SoC, lập trình FPGA và phát triển hệ thống nhúng; kỹ sư thuộc các chuyên ngành liên quan - bao gồm hỗ trợ kỹ thuật, bảo mật phần cứng, phát triển phần mềm EDA, kỹ sư firmware, kỹ sư DFT, hoặc nghiên cứu viên phát triển các thế hệ vi mạch mới.
Họ có thể làm việc tại các công ty thiết kế vi mạch như Qualcomm, ARM, Dolphin, Qorvo, Marvell, Infineon, Synopsys; các nhà máy sản xuất chip như TSMC, Samsung; các công ty đóng gói, kiểm thử và lắp ráp như Intel, Amkor, Hana Micron, WNC, Foxconn, Wistron, Qisda; các tập đoàn điện tử lớn như Samsung, Apple, LG; các viện nghiên cứu và trường đại học; cũng như các tập đoàn công nghệ trong nước như FPT, Viettel, VNPT, CMC…
Với nền tảng kiến thức vững vàng và kỹ năng toàn diện, sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể tự tin bước vào thị trường lao động toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Em Đoàn Long Vũ, lớp DTVM02, sinh viên năm cuối chuyên ngành Thiết kế vi mạch cho biết: “Em có niềm đam mê đặc biệt với lĩnh vực thiết kế vi mạch và đã xác định rõ định hướng theo đuổi ngành này ngay từ năm nhất. Bên cạnh sự yêu thích, em nhận thấy đây là một lĩnh vực giàu tiềm năng với cơ hội nghề nghiệp rộng mở, mức thu nhập ổn định và khả năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Trong quá trình học tập, em cảm nhận rõ sự tận tâm và chuyên môn sâu rộng của các thầy cô giảng dạy chuyên ngành. Cơ sở vật chất được đầu tư bài bản với các phòng lab chuyên về vi mạch, trang bị đầy đủ công cụ như kit FPGA, phần mềm thiết kế, giúp em rất nhiều trong quá trình học và nghiên cứu.
Chương trình đào tạo khá toàn diện, bao quát từ thiết kế số đến thiết kế tương tự. Trong số các học phần, em đặc biệt ấn tượng với môn Thiết kế vi mạch số. Ở môn học này, em không chỉ được tiếp cận quy trình thiết kế vi mạch bài bản, mà còn trực tiếp sử dụng các công cụ mã nguồn mở để thực hiện thiết kế vật lý một lõi chip với tiến trình 130 nm - một trải nghiệm vô cùng thực tế và thú vị.
Ngoài ra, cuộc thi “Thiết kế điện tử” với chủ đề thiết kế vi mạch cũng là một sân chơi bổ ích, tạo điều kiện cho em và các bạn vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, rèn luyện tư duy sáng tạo và kỹ năng làm việc nhóm”.
Sau khi tốt nghiệp, Long Vũ mong muốn được làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch số, với các vị trí như kỹ sư thiết kế số hoặc kỹ sư kiểm tra thiết kế.
Cùng là sinh viên năm cuối, Nguyễn Duy Việt Hưng, lớp DTVM01, định hướng theo đuổi lĩnh vực vi mạch trong xử lý tín hiệu siêu cao tần, ứng dụng trong các hệ thống di động vô tuyến như 5G, 6G hoặc các mảng liên quan đến xử lý tín hiệu số. Bên cạnh đó, em cũng có kế hoạch học tiếp lên bậc thạc sĩ để củng cố kiến thức chuyên sâu và nâng cao năng lực phục vụ cho công việc sau này.
Hưng bày tỏ: “Theo em, ở thời điểm hiện tại, ngành thiết kế vi mạch đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam - đặc biệt là về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu. Trường em cũng là một trong những cơ sở hàng đầu trong nước đào tạo bài bản và chất lượng về lĩnh vực này.
Vi mạch hiện diện ở khắp nơi trong cuộc sống, từ các thiết bị điện tử dân dụng cho đến những hệ thống công nghệ phức tạp như chip xử lý. Vì vậy, em tin rằng lựa chọn ngành thiết kế vi mạch sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cũng như môi trường phát triển đa dạng trong tương lai.
Theo đuổi ngành này, em được trang bị đầy đủ cả kiến thức phần cứng điện tử lẫn kỹ năng phần mềm, đồng thời phải hiểu rõ bản chất để có thể ứng dụng vào thực tiễn. Trong năm cuối, em trực tiếp thực hiện các bài tập lớn, qua đó tự đánh giá được mình còn thiếu kỹ năng hay kiến thức nào để tiếp tục hoàn thiện. Khi đã có nền tảng vững chắc như vậy, em tin rằng sinh viên hoàn toàn có thể đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước trong lĩnh vực vi mạch”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://baochinhphu.vn/chien-luoc-phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-viet-nam-den-nam-2030-va-tam-nhin-2050-10224092208021662.htm
[2] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-ve-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-quoc-gia-119241224180048642.htm