GS Nguyễn Bửu Triều - cây đại thụ ngành Ngoại khoa VN, tấm gương người thầy mẫu mực

18/07/2025 13:26
Quỳnh Giao

GDVN - GS.TS Nguyễn Bửu Triều là một trong những nhà khoa học – bác sĩ ngoại khoa hàng đầu Việt Nam, người đặt nền móng cho phẫu thuật nội soi tiết niệu.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bửu Triều (sinh năm 1923), nguyên Trưởng Bộ môn Ngoại Trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nguyên Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, Đội trưởng đầu tiên của Đội Điều trị 3 (nay là Bệnh viện Quân Y 103), Chủ tịch đầu tiên của Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam (2000–2010) đã từ trần tối ngày 16/7 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hưởng thọ 102 tuổi.

Lễ viếng Giáo sư Nguyễn Bửu Triều sẽ được tổ chức từ 7h00 đến 8h30 ngày 21/7 tại Nhà tang lễ số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Cây đại thụ của lĩnh vực ngoại tiết niệu Việt Nam

Trong lĩnh vực phẫu thuật tiết niệu, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bửu Triều là một trong những người đặt nền móng cho kỹ thuật nội soi tại Việt Nam. Những đóng góp quan trọng của ông bao gồm:

Ứng dụng sớm các kỹ thuật nội soi bàng quang qua đường niệu đạo, tán sỏi qua da, và phẫu thuật tạo hình đường tiết niệu.

Phát triển các phương pháp điều trị ung thư thận, phì đại tuyến tiền liệt, và nhiều bệnh lý tiết niệu bằng các kỹ thuật tiên tiến, ít xâm lấn.

Đào tạo đội ngũ bác sĩ chuyên sâu để phổ cập các kỹ thuật hiện đại đến các tuyến bệnh viện trong cả nước.

Dưới sự dẫn dắt của ông, Khoa Phẫu thuật Tiết niệu – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã trở thành đơn vị tiên phong trong áp dụng và đào tạo các kỹ thuật tiết niệu hiện đại, tiệm cận trình độ khu vực và quốc tế.

nbt.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bửu Triều - cây đại thụ ngành Ngoại khoa Việt Nam từ trần. Ảnh: Bộ Y tế

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, từng là học trò của thầy Triều xúc động chia sẻ: "Giáo sư Bửu Triều có thể nói là người cuối cùng của thế hệ ngoại khoa đầu tiên của Việt Nam. Thầy đã đi qua cả 2 cuộc kháng chiến. Thầy Triều là đội trưởng Đội điều trị 3 từ thời kháng chiến năm 1946. Đội điều trị 3 sau này được xây dựng lên thành Bệnh viện Quân Y 103. Sau đó thầy Bửu Triều về công tác tại Trường Đại học Y Hà Nội đồng thời là Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Khi thầy đã trở thành một nhà khoa học lớn thì tôi mới bắt đầu bước chân vào nghề và được học Giáo sư Bửu Triều. Có thể nói rằng, thầy là một tấm gương hết sức mẫu mực cả về tư cách của một người thầy giáo và một người thầy thuốc. Học trò chúng tôi rất ấn tượng vì thầy Triều là một người thầy rất hiền từ, nói năng nhỏ nhẹ, khiêm tốn. Mặc dù thầy tuổi đã cao nhưng khi nghe tin thầy mất đối với các thế hệ học trò chúng tôi đó vẫn là sự mất mát rất lớn".

Theo nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, thầy Triều là một trong những người đầu tiên xây dựng nên ngành Ngoại khoa của Việt Nam. Rất nhiều học trò của thầy Triều là các giáo sư tài năng đã tỏa đi làm việc khắp đất nước, có nhiều người là các giáo sư, lãnh đạo bệnh viện tuyến trung ương, thầy được mệnh danh là "người thầy của những người thầy".

Ngoài ra, giáo sư cũng là người hết sức chỉn chu trong công tác khoa học và chuyên môn. Thầy là người đầu tiên đưa kỹ thuật về phẫu thuật nội soi tiết niệu vào Việt Nam cũng như rất nhiều kỹ thuật khó khác và dạy cho các học trò sau này. Rất nhiều người bệnh đã vượt qua nguy hiểm tính mạng sau khi được thầy cứu chữa.

Chia sẻ về kỷ niệm với Giáo sư Bửu Triều, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang nhớ lại: "Về ấn tượng cá nhân, tôi cũng từng nhờ thầy mổ cho người nhà. Ngay từ thời tôi còn là sinh viên thầy đã nhiệt tình giúp đỡ mà không phân biệt gì cả. Khi thầy ốm, tôi cũng từng được mổ ruột thừa cho thầy khi thầy đã 98 tuổi. Tôi rất ấn tượng với một cụ già dù đã 98 tuổi nhưng lúc nào cũng nhẹ nhàng. Ngay hôm sau khi mổ xong lên phòng hồi sức kiểm tra thầy đã ngồi dậy rồi. Mặc dù tôi là học trò của thầy nhưng lúc nào thầy gặp tôi cũng bảo 'đây là ân nhân của tôi' khiến tôi vô cùng khâm phục sự giản dị và khiêm nhường của thầy.

Bên cạnh đó, Giáo sư Bửu Triều rất quan tâm đến việc đào tạo, ngay cả khi đã gần 100 tuổi, thầy vẫn tích cực tham gia các sự kiện, hội thảo, cố vấn cho bệnh viện và đào tạo thế hệ y bác sĩ trẻ. Khi có việc gì liên quan đến chuyên môn chỉ cần bệnh viện mời mà thầy vẫn còn sức khỏe là thầy đều đến từ rất sớm, rất chỉn chu. Có lẽ chỉ trong khoảng 2 năm cuối đời do tuổi cao, sức yếu nên thầy không tham gia được nhiều như trước".

Một nhà giáo mẫu mực, cả cuộc đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục và y học

Giáo sư Nguyễn Bửu Triều cũng góp phần cùng các giáo sư đầu ngành Ngoại khoa như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Nguyễn Trinh Cơ, Giáo sư Nguyễn Dương Quang, Giáo sư Nguyễn Đình Hối, Giáo sư Đỗ Đức Vân... xây dựng ngành Ngoại khoa Việt Nam. Họ đều là những tên tuổi nổi bật không chỉ trong nước mà còn được thế giới biết đến, ghi nhận.

Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc từ tập thể lãnh đạo, đội ngũ giảng viên, học viên, sinh viên nhà trường trước sự ra đi của một cây đại thụ ngành Ngoại khoa.

"Thầy Nguyễn Bửu Triều là nhà giáo nhân dân, từng là giảng viên cao cấp của Trường Đại học Y Hà Nội. Thầy là nguyên Trưởng bộ môn Ngoại của trường và Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Thầy đã gắn bó với nhà trường mấy chục năm qua. Thầy Triều sinh ra trong gia đình hoàng tộc nhà Nguyễn. Thầy yêu khoa học, yêu nghề y nên đã theo học Trường Đại học Y Hà Nội, trở thành bác sĩ nội trú. Thầy từng phục vụ trong quân đội, tham gia cứu chữa thương binh, bệnh binh trong các chiến trường ở Tây Bắc, Điện Biên Phủ...".

b-trieu1.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng đoàn của Bộ Y tế đến thăm, tri ân Giáo sư Nguyễn Bửu Triều nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2025. Ảnh: Bộ Y tế

Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cũng cho biết thêm, trong lĩnh vực giáo dục, thầy Triều là nhà giáo mẫu mực, hết lòng yêu thương, tận tình vì học trò. Học trò rất yêu quý, kính trọng thầy. Đặc biệt, Giáo sư Bửu Triều đã đào tạo rất nhiều thế hệ y bác sĩ của đất nước, nhất là trong lĩnh vực phẫu thuật tiết niệu. Ngoài ra, thầy cũng là người đưa kỹ thuật phẫu thuật nội soi tiết niệu về Việt Nam, được áp dụng rộng rãi và hiện nay rất phổ biến trong phẫu thuật tiết niệu.

"Tôi là bác sĩ gây mê hồi sức từng làm việc rất nhiều năm với thầy tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cùng thầy thực hiện rất nhiều ca phẫu thuật, đặc biệt là những ca phẫu thuật khó, phức tạp. Khi thầy áp dụng những kỹ thuật mới, tôi cũng đều có mặt cùng với ekip phẫu thuật của thầy. Thầy cũng là phẫu thuật viên rất kiên trì, tỉ mỉ, chu đáo hết lòng với người bệnh, luôn luôn đặt quyền lợi của người bệnh lên cao nhất.

Ấn tượng của tôi là thầy rất bình tĩnh, sáng suốt khi có những khó khăn trong phẫu thuật. Thầy cũng là một trong những người hướng dẫn luận án tiến sĩ của tôi. Những kiến thức của thầy đã bồi đắp cho biết bao thế hệ học trò ngành y thêm yêu nghề. Với học trò, thầy lúc nào cũng hết lòng, dù là nhà khoa học lớn, có kiến thức uyên bác nhưng thầy rất giản dị, gần gũi.

Khi nghe tin thầy qua đời, tôi và đội ngũ giảng viên, sinh viên nhà trường rất buồn vì thầy là thế hệ cây đại thụ của nhà trường còn lại. Đội ngũ lãnh đạo nhà trường cũng thường xuyên tới thăm thầy vào các dịp đặc biệt như ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày Nhà giáo Việt Nam.

Khi nghe tin thầy qua đời, cán bộ giảng viên, học viên, sinh viên đều rất thương tiếc thầy - người thầy cả cuộc đời thầy cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và y học nước nhà. Những năm tháng cuối đời thầy vẫn tích cực tham gia giảng dạy cho các bác sĩ trẻ, hướng dẫn luận văn, luận án. Những đóng góp của thầy sẽ để lại giá trị mãi mãi cho ngành y Việt Nam", Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Tú bày tỏ.

Quỳnh Giao