Những ngày giữa tháng 7, thời tiết Hà Nội oi bức. Trên con đường dẫn vào làng làm lụa Vạn Phúc (phường Hà Đông, Hà Nội) ngay từ đầu cổng làng, nhiều chiếc ô rực rỡ sắc màu được treo trên dọc trên phố Lụa, thu hút ánh nhìn của du khách.
Tại phố Lụa, nhiều cửa hàng cũng đa dạng sắc màu vải lụa. Bên cạnh đó, nơi đây còn có 2 cơ sở sản xuất vải lụa tơ tằm để cho du khách tham quan, hiểu về nghề dệt lụa.


Điểm dừng chân đầu tiên của nhóm chị Phạm Hồng Thúy (trú tại phường Hoàn Kiếm, Hà Nội) là tại Công ty cổ phần phát triển lụa Vạn Phúc. Nơi đây có quang cảnh thoáng đãng, nhà thờ tổ nghề dệt lụa, mô hình trưng bày dệt lụa bằng tay khi xưa, cơ sở sản xuất vải lụa bằng máy, và bày bán các sản phẩm làm từ vải lụa.
Chị Thúy cho hay, nhân dịp một người bạn của chị ở nước ngoài về Việt Nam, mọi người đã rủ nhau đến làng lụa Vạn Phúc tham quan, mua sắm.
"Chúng tôi bắt tuyến BRT từ Bến xe Kim Mã đi đến trước cổng làng lụa Vạn Phúc. Đường đi khá thuận tiện", chị Thúy nói.
Theo chị Thúy, sau hai năm quay trở lại nơi đây, chị nhận thấy quang cảnh, mô hình kinh doanh trở nên đẹp hơn. Theo đó, việc tổ chức sắp xếp các gian hàng kinh doanh được khoa học hơn.
Khi đến nơi đây, chị Thúy rất ưng những chiếc nón bọc vải lụa, vì lần trước chị đến chưa có bán. Với bản thân chị Thúy, những ngày hè oi bức, chị thích mặc những sản phẩm được làm từ lụa, bởi nó mát, thoáng mồ hôi.

Cùng trong đoàn với chị Phạm Hồng Thúy, chị Bùi Ánh Nguyệt (Hoàn Kiếm) cho hay, đây là lần thứ tư, chị ghé thăm làng lụa Vạn Phúc. Lần gần đây nhất là chị đến đúng dịp lễ hội truyền thống làng lụa Vạn Phúc (ngày 8 đến ngày 17/11 âm lịch). Khi đó, chị được chứng kiến khung cảnh tái hiện mô hình dệt lụa thủ công khi xưa.
Cũng giống như nhiều người, chị Nguyệt yêu thích quần, áo may từ tơ lụa bởi nó mềm mượt, mát mẻ. Nếu mua một chiếc áo dài được may từ 100% tơ lụa, có giá tới vài triệu đồng.
"Tôi mua chiếc khăn lụa này với hơn 200 nghìn đồng, chất liệu vải rất mát, trơn. Hôm nay, thời tiết nắng nóng, tôi chùm đầu bằng chiếc khăn này bớt nóng bức khá nhiều", chị Nguyệt nói.

Theo chia sẻ của chị Nguyệt, chị cũng đã cho các con đến đây để được trải nghiệm hoạt động sản xuất lụa.
Theo một nhân viên Công ty cổ phần phát triển lụa Vạn Phúc, trước năm 2016, nơi đây cho một số hộ dân thuê để sản xuất dệt lụa. Kể từ năm 2016, chính quyền địa phương tổ chức sắp xếp để công ty trở thành nơi để sản xuất, triển lãm và bán sản phẩm cho khách du lịch tham quan.
Tại đây có nhiều mẫu mã sản phẩm từ khăn, cà vạt, mũ, váy, áo... để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Ở phía bên trái gian nhà trưng bày, bán các sản phẩm vải lụa, là gian nhà sản xuất dệt lụa. Mở cửa vào bên trong, là nhiều chiếc máy đang đập liên hoàn, rộn ràng.
Bà Nguyễn Thị Hằng (68 tuổi) - thợ dệt cho hay, bà đang làm công đoạn dệt lụa, để dệt nên tấm vải lụa phải xâu 4.800 sợi tơ lụa vào số sợi go tương ứng.
"Dệt 4.800 sợi lụa mới được một tấm vải khổ rộng 90 cm, thời gian dệt trong khoảng một tiếng, nếu máy không bị lỗi", bà Hằng chia sẻ.


Theo người thợ dệt này, công ty mua sợi tơ ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) để phục vụ sản xuất. Nếu làm ra một chiếc áo, phải trải qua nhiều công đoạn như guồng tơ, mắc cửi...
Nhớ về thuở xưa dệt lụa thủ công, bà Hằng cho hay, các công đoạn dệt khi xưa phải có sự kết hợp cả tay và chân, khá vất vả. Sau này, khi máy móc được áp dụng vào công đoạn dệt, đã giúp người thợ đẩy nhanh thời gian sản xuất, giảm sức lao động.
Bà Nguyễn Thị Hằng cho biết, có những ngày công ty đón hàng trăm khách du lịch đến tham quan. Họ rất thích thú khi được tận mắt nhìn thấy các công đoạn sản xuất vải lụa.
"Việc kết hợp mô hình du lịch trải nghiệm với làng nghề, tôi nhận thấy hiệu quả song song. Theo đó, khách du lịch được tận mắt chứng kiến công đoạn sản xuất vải lụa, tạo lòng tin khi mua sản phẩm ở nơi đây, và cơ sở sản xuất có thêm cả khách du lịch tham quan, mua sắm", bà Hằng nói.
Nhiều chính sách giúp làng lụa phát triển du lịch
Cũng tương tự như mô hình kinh doanh của Công ty cổ phần lụa phát triển lụa Vạn Phúc, tại gian hàng của gia đình nhà bà Nguyễn Thị Tâm (chủ cơ sở dệt lụa Triệu Văn Mão), cũng có xưởng sản xuất vải lụa phục vụ du khách tham quan.
Khu vực xưởng của gia đình bà Tâm khá rộng, có hai nhân viên đang tham gia sản xuất. Bà Nguyễn Thị Tâm cho hay, nhắc đến vải lụa là nhắc đến mặt hàng nổi tiếng của làng Vạn Phúc. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết làm cách nào để sản xuất ra được tấm vải lụa.

"Khi du khách đến đây, họ được chứng kiến các công đoạn sản xuất vải lụa được cải tiến từ làm thủ công sang làm bằng máy móc. Qua đó, họ hiểu thêm về mặt hàng lụa, sự sáng tạo của người thợ", bà Tâm chia sẻ.
Theo chia sẻ của bà Tâm, chính sách gắn phát triển du lịch với làng nghề đã có từ nhiều năm nay, khởi đầu là sự kiện du lịch làng nghề lụa Vạn Phúc từ những năm 2000. Thành phố Hà Nội, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm, tạo thuận lợi để gắn sản xuất gắn với du lịch. Vì vậy, làng lụa Vạn Phúc đã có những mô hình sản xuất để du khách tham quan.

Bên cạnh đó, việc kết nối giao thông phương tiện công cộng là xe buýt đến trước cổng làng, tuyên truyền về việc sản xuất lụa của làng Vạn Phúc... là những chính sách thúc đẩy phát triển du lịch gắn với làng nghề Vạn Phúc.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, bà Tâm cũng nêu những hạn chế của nơi đây, đó là khu vực đỗ xe ô tô cỡ lớn (xe 45 chỗ) hạn chế. Điều này khiến tour cho những đoàn khách đông khi đến tham quan cũng ít nhiều bất tiện với bên công ty du lịch.
"Cơ sở chúng tôi sản xuất nhiều loại mặt hàng từ vải lụa, qua đó cũng là điểm đến để du khách tham quan, tạo sự tin tưởng cho khách hàng", bà Tâm chia sẻ. Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, nếu khách có nhu cầu may thì cơ sở sẽ giới thiệu cho khách cơ sở may.