Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) đề xuất chuyển hướng quản lý từ điều kiện mở ngành hiện nay sang quản lý theo chương trình đào tạo, tăng quyền tự chủ cho các trường trong khuôn khổ đã đăng ký. Tuy nhiên, riêng với đào tạo tiến sĩ, dự thảo Luật yêu cầu: chương trình đào tạo tiến sĩ phải được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Liên quan đến nội dung này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) để làm rõ lý do và kỳ vọng ở đề xuất trên.

Phóng viên: Thưa Vụ trưởng, dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) dự kiến sẽ chuyển từ quản lý theo điều kiện mở ngành sang quản lý theo chương trình đào tạo, trao quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo trong khuôn khổ đã đăng ký. Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đề xuất điều chỉnh hướng quản lý này?
Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo: Trước hết, cần hiểu rõ sự khác biệt giữa ngành và chương trình đào tạo. Thực tế hiện nay, chúng ta thường nhầm giữa việc mở ngành và mở chương trình đào tạo.
Ngành đào tạo thường được hiểu là đơn vị phân loại các chương trình đào tạo có cùng mục tiêu, nội dung kiến thức, kỹ năng chuyên môn và nghề nghiệp, được quy định trong danh mục thống kê ngành đào tạo. Trong khi đó, chương trình đào tạo có phạm vi hẹp hơn. Một ngành có thể có nhiều chương trình đào tạo khác nhau, ví dụ: trong ngành Công nghệ thông tin có thể có các chương trình đào tạo chuẩn, chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế…
Thời gian qua, không ít cơ sở đào tạo đăng ký mở ngành nhưng bản chất đó lại là chương trình đào tạo. Ví dụ, ngành Hóa học có cử nhân Hóa học, cử nhân khoa học tài năng Hóa học. Đây là 2 chương trình đào tạo trong một ngành Hóa học.
Như vậy, dự thảo Luật Giáo dục đại học sẽ quản lý ngành Hóa học có 2 chương trình đào tạo đó. Điều này sẽ giúp phân biệt số lượng ngành đào tạo đăng ký mở. Nếu có sự nhầm lẫn giữa ngành và chương trình đào tạo, số ngành của cả nước có thể lên tới 1.000, nhưng thực tế không phải như vậy (thực tế số ngành đào tạo bậc đại học cả nước ta hiện khoảng gần 400 ngành). Các trường đại học dễ dàng triển khai mở chương trình đào tạo thuộc một ngành đã có để tăng tính chủ động, miễn sao đảm bảo các yêu cầu về chuẩn chương trình đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng và đăng ký hoạt động chương trình đào tạo mới mở.
Phóng viên: Dự thảo Luật yêu cầu, chương trình đào tạo tiến sĩ phải được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Vì sao việc đào tạo tiến sĩ lại cần được quản lý chặt hơn, thưa Vụ trưởng?
Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo: Riêng đối với đào tạo trình độ tiến sĩ, chúng tôi nhận được nhiều đề xuất từ cả phía các cơ sở đào tạo lẫn tổ chức giám sát. Tất cả đều nhận định đào tạo tiến sĩ là đào tạo tầng lớp tinh hoa của đất nước, quy mô đào tạo tiến sĩ không nhiều, do vậy cần có sự quản lý thống nhất và đảm bảo chất lượng. Thực vậy, quy mô nghiên cứu sinh ở nước ta hiện nay khoảng gần 10.000 người, đây không phải là con số lớn nếu so với quy mô đào tạo bậc đại học (gần 2 triệu sinh viên) hay thạc sĩ (khoảng hơn 100.000 học viên cao học).
Quy mô đào tạo tiến sĩ không lớn, và không phải cơ sở giáo dục đại học nào cũng đảm bảo điều kiện chất lượng, đội ngũ. Nếu cơ sở đào tạo (gồm các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục khác có hoạt động đào tạo tiến sĩ) không đáp ứng được về đội ngũ nhân lực, trình độ, cơ sở vật chất,... đào tạo tiến sĩ thì không thể triển khai. Chúng ta đều mong muốn các tiến sĩ được đào tạo ra phải đảm bảo chất lượng ngang tầm khu vực và thế giới về chất lượng.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng việc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chương trình đào tạo tiến sĩ có thể ảnh hưởng đến quyền tự chủ học thuật của các trường, bên cạnh đó có thể phát sinh phiền hà về thủ tục hành chính, thậm chí khiến quá trình triển khai bị chậm trễ. Vụ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo: Thực tế, hiện nay đối với các cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang quản lý việc mở ngành của các trường, tức là các trường phải đăng ký mở ngành dựa theo các điều kiện quy định và chờ Bộ phê duyệt.
Trước đây, việc này được thực hiện trên hồ sơ, giấy tờ, khá phức tạp. Tiến tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý giáo dục. Các trường sẽ khai báo các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng (giảng viên, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm,...) lên hệ thống. Thủ tục hành chính sẽ tối giản và rút gọn về cả thời gian và hồ sơ giấy tờ, đồng thời tăng tính minh bạch và chủ động cho cả nhà trường lẫn cơ quan quản lý. Khi cần, Bộ có thể tra cứu dữ liệu mà không cần yêu cầu trường báo cáo lại từ đầu.
Phóng viên: Thưa Vụ trưởng, để đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ, bên cạnh các quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng, nhiều ý kiến cho rằng cần cá nhân hóa trách nhiệm của các chủ thể tham gia quá trình đào tạo. Cụ thể, cần siết chặt tiêu chuẩn và tăng cường trách nhiệm đối với người hướng dẫn, phản biện và các thành viên hội đồng đánh giá luận án. Quan điểm của ông về đề xuất này như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo: Đây là điều hoàn toàn đúng và cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt rõ giữa quản lý nhà nước và quản lý chuyên môn. Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể quản lý hành chính, chuyên môn của từng nghiên cứu sinh. Trách nhiệm đó thuộc về cơ sở đào tạo và người hướng dẫn, hội đồng chấm luận án.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý chương trình đó có đạt chuẩn hay không, có đủ điều kiện để đào tạo tiến sĩ hay không. Chất lượng cụ thể của từng luận án, từng nghiên cứu sinh là trách nhiệm của cơ sở đào tạo và các cá nhân liên quan.
Trong quy định hiện hành, cụ thể là Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT đã nêu rất rõ trách nhiệm của người hướng dẫn, hội đồng đánh giá, và các bên liên quan. Việc tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện các quy định này thuộc về các cơ sở đào tạo. Với đào tạo trình độ tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt nhấn mạnh việc siết chặt quản lý chương trình đào tạo. Việc này nhằm bảo đảm rằng chỉ những cơ sở thực sự đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, năng lực nghiên cứu,… mới được phép triển khai chương trình đào tạo tiến sĩ.

Phóng viên: Thưa Vụ trưởng, có một thực tế là dù hàng năm đều có thêm một số ngành đào tạo tiến sĩ được mở mới, nhưng số lượng nghiên cứu sinh tuyển được đạt chưa tới 50% so với chỉ tiêu. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?

Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo: Trước hết, phải nhìn nhận rằng mục tiêu của người học tiến sĩ hiện nay đã thay đổi. Việc đào tạo tiến sĩ không còn đơn thuần là đáp ứng nhu cầu cá nhân, mà cần hướng tới những người có năng lực học thuật thực sự và có đóng góp về mặt nghiên cứu, sáng tạo tri thức.
Hiện nay, với các yêu cầu ngày càng tiệm cận chuẩn quốc tế như trình độ ngoại ngữ, công bố quốc tế… người học sẽ cân nhắc kỹ càng hơn trước khi quyết định đầu tư thời gian, công sức và tài chính để theo học. Họ sẽ tự đặt câu hỏi: "Vị trí công việc của mình có thực sự cần bằng tiến sĩ không?"
Các điều kiện về năng lực ngoại ngữ, yêu cầu công bố hội thảo, công bố quốc tế... được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và bảo đảm rằng tiến sĩ Việt Nam có thể tiệm cận chuẩn khu vực và thế giới. Ngoài ra, thời gian học tập và tài chính cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của người học.
Do đó, trong dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), chúng tôi đề xuất nhiều chính sách ưu đãi hơn cho nghiên cứu sinh, như cấp học bổng, hỗ trợ tài chính, tài trợ nghiên cứu cho nghiên cứu sinh; tạo điều kiện tiếp cận các chương trình đào tạo trình độ cao trong và ngoài nước, đặc biệt với giảng viên trẻ, giảng viên tiềm năng.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn Vụ trưởng!