Điều chỉnh tiêu chuẩn chủ nhiệm chương trình KHCN gắn với công bố Q1, Q2 là phù hợp

27/07/2025 06:32
Thi Thi

GDVN - Hiện nay yêu cầu nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong các chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ, đang được đặt ra mạnh mẽ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2018/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về quản lý Chương trình khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đáng chú ý có nội dung đề xuất: Chủ nhiệm chương trình cần đáp ứng yêu cầu là tác giả của ít nhất 05 công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, trong đó có ít nhất 03 công bố trong danh mục WoS/Scopus xếp hạng Q1 hoặc Q2 đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; danh mục WoS xếp hạng Q1 hoặc Q2 đối với các lĩnh vực khoa học khác.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hưng (hiện đang công tác tại Đại học Gustave Eiffel, Pháp) đánh giá, đề xuất nêu trên phù hợp với tình hình thực tiễn trong phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ và tiến trình hội nhập quốc tế.

"Đặc biệt, trong bối cảnh Nghị quyết số 57-NQ/TW vừa ban hành cuối năm 2024 và được triển khai mạnh mẽ ở các cấp, bộ ban ngành từ trung ương đến địa phương, với các chỉ tiêu về số lượng công bố được chỉ rõ thì những sửa đổi ở dự thảo là hoàn toàn kịp thời. Không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học ở các nhà nghiên cứu trong nước mà còn đảm bảo năng lực khoa học của chủ nhiệm đề tài, hay nói cách khác là đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

Thậm chí, chúng ta cũng cân nhắc bổ sung thêm tiêu chí là “tác giả đứng đầu” hay “tác giả liên hệ” trong số lượng công bố quốc tế xếp hạng Q1/Q2. Đồng thời, những bài báo này cũng phải được công bố trong vòng 3 năm gần nhất, có nội dung phù hợp với đề xuất của chương trình nghiên cứu. Bởi chủ nhiệm chương trình không chỉ cần có chuyên môn sâu mà còn cần có những cập nhật liên tục, trải nghiệm và thành tựu được ghi nhận trên trường quốc tế, phù hợp với các chương trình nghiên cứu mang tính liên ngành và hội nhập; hạn chế tình trạng người chưa đủ năng lực nhưng vẫn được đứng tên “hộ” trong các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hưng bày tỏ.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Hưng cũng lưu ý thêm cần cân nhắc một số điểm, đặc biệt với ngành khoa học xã hội và nhân văn khi việc có công bố quốc tế xếp hạng Q1 và Q2 là điều khó khăn với quy trình phản biện khắt khe, yêu cầu cao về ngôn ngữ học thuật và sự phù hợp bối cảnh, đặc thù nghiên cứu chuyên ngành sâu (ví dụ như về ngôn ngữ học).

Bên cạnh đó cũng có nguy cơ “chạy theo công bố” với các hiện tượng “mua bán công bố” để đăng trên các tạp chí “săn mồi” (predatory journal), làm mất đi ý nghĩa thực chất của các công bố khoa học.

Ngoài ra, các yêu cầu, tiêu chí cũng cần nên cân nhắc về sự chênh lệch giữa các lĩnh vực khoa học khi một số ngành, chuyên ngành có thể có những công bố xếp hạng cao dễ dàng hơn do nhiều yếu tố như: hệ thống tạp chí phát triển mạnh, vấn đề nghiên cứu theo xu hướng… trong khi các ngành giáo dục, lịch sử, ngôn ngữ gặp nhiều rào cản hơn khi tham gia xuất bản quốc tế.

Chuyển dịch mô hình từ “số lượng nghiên cứu” sang “chất lượng và giá trị học thuật”

Có ý kiến cho rằng, hiện nay yêu cầu nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong các chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ, đang được đặt ra mạnh mẽ. Do đó, việc điều chỉnh tiêu chuẩn chủ nhiệm chương trình theo hướng gắn với công bố quốc tế có chất lượng là phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hưng nhìn nhận, việc bổ sung thêm xếp hạng công bố quốc tế Q1 hoặc Q2 đã cho thấy rõ yêu cầu nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các đề tài, chương trình nghiên cứu cấp Bộ trong giai đoạn mới và hoàn toàn có cơ sở, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, đổi mới giáo dục đại học.

519667180-10161768862686588-5285045136841530813-n.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hưng (hiện đang công tác tại Đại học Gustave Eiffel, Pháp. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hưng lý giải: "Trong bối cảnh hiện nay, khoa học ở nước ta đã có những bước tiến triển, chuyển đổi và hội nhập quốc tế. Song, thực tế cho thấy, số lượng công bố quốc tế có chất lượng cao chưa được như kỳ vọng và còn thấp so với các nước trong khu vực. Hơn thế, các nghiên cứu mang tính ứng dụng vào cuộc sống còn hạn chế, cụ thể được chỉ ra trong chỉ số Total Factor Productivity (TFP - năng suất nhân tố tổng hợp là chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất) ở nước ta còn thấp.

Vì vậy, việc đặt ra các tiêu chí này là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính ứng dụng của các nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc đặt ra các yêu cầu công bố chất lượng WoS/Scopus xếp hạng Q1 và Q2 đã trở thành thước đo phổ biến để đánh giá chất lượng và tầm ảnh hưởng của công trình nghiên cứu.

"Việc sửa đổi Thông tư 09 đã cho thấy sự chuyển dịch mô hình từ “số lượng nghiên cứu” sang “chất lượng và giá trị học thuật”, phù hợp với xu thế toàn cầu. Hơn nữa, công bố quốc tế được xếp hạng còn là minh chứng, chỉ dấu rõ ràng, minh bạch và khách quan về năng lực chuyên môn, tư duy nghiên cứu, khả năng viết học thuật và năng lực làm trong môi trường học thuật toàn cầu. Từ đó, góp phần tạo ra các sản phẩm khoa học có chất lượng cao, tăng giá trị ứng dụng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta vào bước vào kỷ nguyên vươn mình nhanh và bền vững", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hưng đánh giá.

Tiêu chí công bố quốc bố uy tín tạo ra tín hiệu tích cực cho môi trường nghiên cứu khoa học trong nước

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hưng, việc đặt ra tiêu chí công bố quốc tế uy tín có thể tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực cho môi trường nghiên cứu khoa học trong nước, đặc biệt là với đội ngũ nhà khoa học trẻ. Ngoài ra, điều này có thể giúp nâng cao vị thế và uy tín của các chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ.

Đầu tiên, khi tiêu chí công bố quốc tế trở thành điều kiện bắt buộc thì các trí thức trẻ sẽ sớm hình thành tư duy tiếp cận chuẩn mực quốc tế, đầu tư nghiêm túc cho học thuật, viết bài, phản biện và công bố.

Điều này còn góp phần hình thành, tạo ra một thế hệ trẻ có năng lực nghiên cứu, tư duy toàn cầu và không chỉ phục vụ cho mục đích cá nhân mà còn góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu liên ngành, đa ngành. Từ đó tạo động lực nâng cao năng lực nghiên cứu, khuyến khích giới học thuật trẻ Việt Nam chủ động vươn ra quốc tế và nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng, uy tín và bộ mặt của nghiên cứu quốc gia.

Bên cạnh đó, thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu trẻ, năng động. Bởi việc xác định rõ ràng và gắn với chất lượng quốc tế sẽ là động lực để các nhóm nghiên cứu trẻ tự động liên kết, hình thành, phát triển thay vì phụ thuộc vào các mối quan hệ, người hướng dẫn, tạo ra không gian phát triển riêng cho mỗi nhà khoa học trẻ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hưng khẳng định, những công bố quốc tế còn được coi là “hộ chiếu học thuật". Do đó, việc thay đổi này cũng tăng cơ hội hội nhập và hợp tác quốc tế khi các nhà nghiên cứu trẻ người Việt sẽ chủ động kết nối với quốc tế, lan tỏa năng lực hợp tác quốc tế cho cơ sở trong nước, giúp thế hệ trẻ có thể dễ dàng tiếp cận các cơ hội hợp tác, học bổng, dự án và diễn đàn quốc tế. Ở ngược lại, các cơ sở trong nước cũng có phần dễ dàng thu hút các nhà nghiên cứu nước ngoài, trong đó có cả người Việt Nam ở nước nước ngoài, đến sinh sống, làm việc, nghiên cứu ở Việt Nam.

gdvn-minh-hoa-khcn.gif
Ảnh minh họa: Thi Thi.

Đối với các chương trình nghiên cứu cấp Bộ, việc thay đổi này sẽ nâng cao chất lượng khoa học và tính thực tiễn của chương trình khi người chủ nhiệm sẽ có tư duy nghiên cứu bài bản, tầm nhìn dài hạn và khả năng thành lập nhóm nghiên cứu mạnh, xác lập mục tiêu khoa học rõ ràng với cam kết sản phẩm khoa học được quốc tế công nhận, khả năng ứng dụng cao và tạo ảnh hưởng sâu rộng.

Bên cạnh đó cũng góp phần minh bạch hóa và chuyên nghiệp hóa quản lý khoa học khi những tiêu chí được nâng cao thì cơ chế “xin-cho” sẽ được giảm thiểu. Đồng thời, bớt tính hình thức và cảm tính trong việc lựa chọn chủ nhiệm đề tài. Từ đó tạo ra môi trường khoa học minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao hình ảnh, uy tín khoa học quốc gia và là nền tảng xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu bền vững.

Thúc đẩy trách nhiệm học thuật, liêm chính nghiên cứu

Bên cạnh giá trị khoa học, có ý kiến cho rằng yêu cầu đề xuất này góp phần thúc đẩy trách nhiệm học thuật, liêm chính nghiên cứu và tính hệ thống trong đề xuất các chương trình cấp Bộ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hưng bày tỏ, đầu tiên là thúc đẩy trách nhiệm học thuật cá nhân và tập thể khi trách nhiệm học thuật phải được gắn liền với sản phẩm công bố, tức là người chủ nhiệm chương trình phải trực tiếp tham gia, đóng góp thực chất chứ không chỉ đứng tên hình thức. Điều này buộc các nhà khoa học phải chịu trách nhiệm với cam kết của mình.

Bên cạnh đó là nâng cao ý thức xây dựng đề cương nghiên cứu chương trình có chiều sâu và hàm lượng khoa học chất lượng cao. Xây dựng văn hóa “liêm chính khoa học” trong nghiên cứu.

"Việc sửa đổi trên ngăn ngừa gian lận và hình thức hóa trong nghiên cứu bởi việc công bố trên các tạp chí uy tín đòi hỏi quy trình phản biện nghiêm ngặt, chống đạo văn, minh bạch dữ liệu, tạo ra chuẩn đạo đức học thuật khách quan. Việc nâng cao chất lượng của chủ nhiệm chương trình, đề tài cũng góp phần xây dựng nhóm nghiên cứu học thuật với tính “liêm chính” cao.

Một khi những nghiên cứu được nâng cao về chất lượng, tính liêm chính khoa học, tính ứng dụng thì sẽ tạo sức hút lớn với các học giả nước ngoài, các quỹ đầu tư nghiên cứu, thiết lập hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực ngoài ngân sách, từ đó giúp các nhà nghiên cứu sẽ có những đề tài, dự án có sức sống vượt ra ngoài khuôn khổ hành chính, bền vững và hòa nhập quốc tế", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hưng nhấn mạnh.

Nên có sự phân loại linh hoạt về tiêu chuẩn công bố quốc tế theo đặc thù ngành, lĩnh vực

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hưng chia sẻ thêm, WoS và Scopus là hai cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế lớn và được cho là uy tín nhất hiện nay, chuyên lập chỉ mục các tạp chí học thuật và được đánh giá nghiêm ngặt qua từng năm.

"Trong các tạp chí của WoS và Scopus thì được phân thành 4 nhóm (quartiles): Q1, Q2, Q3 và Q4, dựa trên các tiêu chí như: Impact Factor (chỉ số ảnh hưởng), Cite Score (chỉ số trích dẫn) và các tiêu chí chất lượng khác. Q1 là nhóm 25% các tạp chí đứng đầu mỗi lĩnh vực (tức là có chỉ số ảnh hưởng và chất lượng cao nhất), Q2 là nhóm tạp chí tiếp theo (tức từ 25%-50% đứng đầu). Do đó, số tạp chí Q1 và Q2 trong mỗi lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào hệ thống tạp chí.

Các tạp chí Q1 và Q2 thường có yêu cầu cao và rất cao với quy trình phản biện nghiêm, chặt chẽ về nội dung, phương pháp nghiên cứu, viết học thuật và trình bày và đạo đức, liêm chính học thuật.

minh-hoa-h.gif

Chẳng hạn, về chất lượng nội dung thì vấn đề nghiên cứu phải có tính mới, cấp thiết và học thuật rõ ràng; kết quả phải đóng góp thực chất cho lý thuyết hoặc thực tiễn chuyên ngành, không mang tính lặp lại, ứng dụng kiến thức đã biết. Các nghiên cứu cần có cơ sở lý thuyết và quy trình khoa học chặt chẽ đối với các mô hình tính toán, đối với nghiên cứu định lượng thì đòi hỏi mẫu khảo sát đủ lớn, kỹ thuật phân tích thống kê và mô hình xây dựng phù hợp, đối với nghiên cứu định tính thì yêu cầu có logic phân tích, đối sánh lý thuyết/thực tiễn, mang tính phản biện cao.

Đặc biệt các nghiên cứu không được sao chép, tự trích dẫn quá mức, không giả mạo số liệu; đáng chú ý là một số tạp chí còn yêu cầu nộp dữ liệu gốc hoặc tài liệu hỗ trợ để đảm bảo tính minh bạch, khách quan trước khi công bố", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hưng chia sẻ.

Việc được đăng trên các tạp chí Q1 hoặc Q2 không thể làm trong thời gian ngắn bởi quá trình phản biện kéo dài (từ 6 tháng đến 1 năm, đôi khi lâu hơn) do yêu cầu phản biện, chỉnh sửa qua nhiều vòng; đòi hỏi nhà nghiên cứu đầu tư thời gian, công sức và kiến thức chuyên sâu. Do đó, các nhà nghiên cứu cần dành nhiều thời gian, tâm trí, sức lực, trí tuệ vào mỗi bản thảo để đạt chất lượng cao nhất và tăng khả năng được chấp nhận.

Do đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hưng cho rằng, việc nâng cao chất lượng về công bố nghiên cứu không là “rào cản” mà là “mục tiêu phấn đấu” tích cực cho mỗi học giả Việt Nam.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hưng, chúng ta nên có sự phân loại linh hoạt về tiêu chuẩn công bố quốc tế theo đặc thù ngành, lĩnh vực. Bởi lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ thường dễ dàng có công bố quốc tế hơn so với các ngành khoa học xã hội và nhân văn, vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ ngôn ngữ, bối cảnh văn hóa - lịch sử.

Do đó cần xem xét tỷ lệ công bố chất lượng trong nước (đối với các tạp chí chuyên ngành đạt chuẩn quốc gia) đối với ngành khoa học xã hội và nhân văn. Ngoài ra, cần có phương án xây dựng các tạp chí khoa học Việt Nam đạt chuẩn quốc tế, các hội nghị khoa học quốc tế Việt Nam được xuất bản kỷ yếu,... với quy trình phản biện khoa học minh bạch, liêm chính cao. Điều này cũng thu hút, nâng tầm giới học thuật trong nước, thu hút các nhà nghiên cứu nước ngoài công bố ở các tạp chí Việt Nam.

Xây dựng cơ chế chuyển tiếp, hỗ trợ và đào tạo bài bản, lộ trình chuyển giao đối với các nhà khoa học. Đối với các nhà “khoa học trẻ” thì cần đào tạo, hướng dẫn các khoa học về kỹ năng viết bài công bố quốc tế. Điều này càng cần được chú trọng một cách đặc biệt với các nhà khoa học “trung niên” khi vốn quen với những công bố trong nước. Bên cạnh đó cần có cơ chế hỗ trợ tài chính để chi trả phí công bố (APC) cho các bài báo được nhận tại các tạp chí uy tín bởi các tạp chí hiện nay đang chạy theo xu hướng truy cập miễn phí (open access).

Đồng thời, khuyến khích công bố theo nhóm và liên ngành với việc có các đề tài và chương trình cấp Bộ có nhóm đồng chủ nhiệm từ nhiều đơn vị (đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, công ty, tập đoàn) để đảm bảo tính đa dạng, liên ngành, đa lĩnh vực. Song song, ưu tiên và chú trọng các nhóm nghiên cứu theo định hướng quốc gia, tránh đầu tư dàn trải. Có các chương trình nghiên cứu hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu “trẻ” dám độc lập, tự chủ, chịu trách nhiệm khi chủ nhiệm đề tài lớn.

"Việc điều chỉnh tiêu chuẩn chủ nhiệm chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ theo hướng nâng cao chất lượng công bố là bước tiến tích cực và phù hợp với xu thế hội nhập. Tuy nhiên, để chính sách thực sự hiệu quả và có tính bền vững, cần đi kèm với lộ trình chuyển tiếp rõ ràng, hỗ trợ cụ thể, phân loại hợp lý và cơ chế giám sát nghiêm túc. Do đó, cần tạo hành lang pháp lý để kiểm soát chất lượng, chống gian lận, tăng tính liêm chính học thuật như cơ chế giám sát độc lập (có thể phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học lớn, Viện hàn lâm, …) để kiểm định minh bạch, khách quan", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hưng lưu ý thêm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một trong 135 nhà khoa học được tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024.

Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh đánh giá, đề xuất "chủ nhiệm chương trình cần đáp ứng yêu cầu là tác giả của ít nhất 05 công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, trong đó có ít nhất 03 công bố trong danh mục WoS/Scopus xếp hạng Q1 hoặc Q2 đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; danh mục WoS xếp hạng Q1 hoặc Q2 đối với các lĩnh vực khoa học khác" là hoàn toàn hợp lý.

pgs-manh.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh - Viện trưởng, Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: NVCC.

"Việc nâng cao chất lượng nghiên cứu là nhiệm vụ không ngừng trong công tác khoa học nói chung và nghiên cứu nói riêng, nhất là trong bối cảnh hiện nay chúng ta đã được Đảng và Nhà nước quan tâm. Điều này đã thể hiện rõ trong những Nghị quyết lớn gần đây như Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, vì thế tiêu chuẩn chủ nhiệm chương trình nên có tiêu chuẩn phù hợp với định hướng lớn", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh bày tỏ.

Cũng theo Phó Giáo sư Mạnh, công bố quốc tế uy tín luôn là một trong những thước đo công bằng cho cộng đồng các nhà khoa học, chỉ có kết quả tốt, có tính mới, tính khoa học mới có đủ điều kiện công bố trên những tạp chí quốc tế chuyên ngành uy tín. Liêm chính nghiên cứu và giá trị của học thuật sẽ được định lượng thông qua các tiêu chuẩn khắt khe đã được thế giới quy định.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Mạnh chia sẻ thêm: "Scopus và Web of Science (WoS) là hai cơ sở dữ liệu trích dẫn khoa học lớn, nhưng chúng không thuộc cùng một hệ thống. Scopus là một cơ sở dữ liệu riêng biệt, thuộc sở hữu của Elsevier, trong khi WoS là của Clarivate Analytics. Scopus chứa các trích dẫn và tóm tắt của các bài báo khoa học, trong khi WoS cũng bao gồm các nguồn thông tin khác như sách, hội nghị, bằng sáng chế.

Trong hệ thống Web of Science, Q1, Q2, Q3, và Q4 là các phân vị (quartiles) được sử dụng để xếp hạng các tạp chí khoa học dựa trên các chỉ số như Impact Factor (IF), CiteScore, hoặc SJR (SCImago Journal Rank). Q1 là phân vị cao nhất, bao gồm 25% tạp chí có chỉ số cao nhất, và Q4 là phân vị thấp nhất, bao gồm 25% tạp chí có chỉ số thấp nhất".

Thi Thi