Sáng nay (26/7), Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản và Hội người Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức khai mạc Chương trình tập huấn giáo viên dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài dưới hình thức trực tuyến.
Tham dự buổi khai mạc có ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao); ông Đặng Thanh Phương - Phó Trưởng ban Đối ngoại và Kiều bào cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ; Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Cẩm Lan - Nguyên trưởng khoa Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội…
Tại đầu cầu Nhật Bản có bà Vũ Chi Mai - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản; ông Nguyễn Duy Anh -Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản.
Bên cạnh đó là sự tham dự của hơn 500 đại biểu là đại diện các hội đoàn, lớp học tiếng Việt, các thầy, cô giáo người Việt đang công tác ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Phát biểu khai mạc, bà Vũ Chi Mai – Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản nhấn mạnh việc đưa tiếng Việt đến với thế hệ trẻ xa xứ là một sứ mệnh cao quý nhưng đầy thách thức, đòi hỏi không chỉ tình yêu với tiếng Việt mà còn cần sự kiên trì, lòng nhiệt huyết và niềm tin vào giá trị của ngôn ngữ mẹ đẻ.
Do đó, Chương trình tập huấn giáo viên dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở nước ngoài có sự tham gia của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia ngôn ngữ nhằm trang bị cho người dạy kiến thức và phương pháp giảng dạy hiệu quả, dễ tiếp cận. Đồng thời, đây cũng là dịp quý báu để các học viên chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Việt, góp phần tiếp tục hành trình gìn giữ và lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Kiên – Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) khẳng định việc duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam, đặc biệt là gìn giữ và phát triển tiếng Việt không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam, dù đang sinh sống trong nước hay ở nước ngoài.
Theo thống kê, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, với hơn 6 triệu kiều bào hiện đang sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia. Chính vì thế, việc định hướng, tổ chức các khóa tập huấn, và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng có thể hội nhập tốt với xã hội sở tại mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc là điều vô cùng cần thiết và cấp bách.
Tại buổi khai mạc, ông Đặng Thanh Phương - Phó Trưởng ban Đối ngoại và Kiều bào cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông tin: Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện để hoạt động dạy và học tiếng Việt tại nước ngoài duy trì hiệu quả.
Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về việc gìn giữ tiếng Việt, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng đến công tác ghi nhận, tôn vinh kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt, văn hóa Việt. Góp phần tạo nên những hình ảnh tích cực, lan tỏa trong cộng đồng.
Về phương hướng triển khai thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, cùng các cơ quan truyền thông để thúc đẩy việc dạy và học tiếng Việt theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy.
Trong năm 2026, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ cùng các cơ quan đại diện tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm khảo sát, đánh giá thực trạng việc gìn giữ tiếng Việt và bản sắc văn hóa Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hướng tới việc xây dựng một đề án phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng kiều bào.
Những khó khăn trong công tác dạy tiếng Việt ở nước ngoài
Trong phần trình bày chuyên đề của chương trình tập huấn, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Tổng Chủ biên kiêm chủ biên sách giáo khoa Cánh Diều nhấn mạnh rằng nhu cầu dạy và học tiếng Việt cho trẻ em người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay là rất lớn và ngày càng tăng cao.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có hơn 6 triệu người, sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, khoảng 80% đang định cư tại các quốc gia phát triển. Vì vậy, nhu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, cũng như niềm tự hào về văn hóa Việt Nam trong các thế hệ trẻ là một nhu cầu rất chính đáng và cấp thiết của cộng đồng.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ rằng, tại nhiều quốc gia, cộng đồng người Việt đã chủ động tổ chức các lớp học tiếng Việt cho con em mình, không chờ đến sự kêu gọi hay hỗ trợ từ bên ngoài. Đơn cử, ông từng có cơ hội đến thăm cộng đồng người Việt tại Lào và Thái Lan, và rất xúc động trước tinh thần tự nguyện, đầy tâm huyết của những người tham gia giảng dạy tiếng Việt. Họ là những người lao động bình thường, công chức, bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân, thợ thủ công... nhưng vẫn sẵn sàng dành thời gian, công sức để dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ. Điều đó thể hiện tình yêu sâu sắc đối với tiếng mẹ đẻ và trách nhiệm với tương lai văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng thẳng thắn nêu ra ba khó khăn lớn mà cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiện đang gặp phải trong việc duy trì và phát triển việc dạy – học tiếng Việt. Thứ nhất là việc thiếu tài liệu giảng dạy phù hợp khi nhiều nơi vẫn còn thiếu giáo trình, tài liệu, công cụ học tập được thiết kế riêng cho đối tượng là học sinh là con em người Việt ở nước ngoài, với trình độ và bối cảnh học tập rất khác biệt so với học sinh trong nước.
Theo chia sẻ của giáo sư, trước đây, khi chưa có nhiều sách dành riêng cho đối tượng học sinh Việt kiều, chúng ta thường mang sách giáo khoa phổ thông trong nước sang để sử dụng trong các lớp học tiếng Việt ở nước ngoài.
Tuy nhiên, đây là giải pháp không thực sự phù hợp. Lý do là sách giáo khoa trong nước được biên soạn cho trẻ em Việt Nam đã có nền tảng ngôn ngữ tiếng Việt – tức là các em đã biết nghe, biết nói khá thành thạo trước khi vào lớp 1. Trong khi đó, nhiều trẻ em Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ sinh ra và lớn lên tại xứ người lại chưa thông thạo tiếng Việt, thậm chí có em gần như chưa nói hoặc nghe được tiếng mẹ đẻ. Thời lượng học tiếng Việt của các em cũng rất hạn chế, thường chỉ là 1–2 buổi mỗi tuần, nên việc sử dụng sách trong nước là không hiệu quả, dẫn đến tâm lý chán nản.
Cũng đã có một giai đoạn, một số nơi sử dụng sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài để dạy con em kiều bào. Tuy nhiên, đây lại là tài liệu được thiết kế cho người lớn – những đối tượng đã có khả năng đọc viết và kỹ năng giao tiếp nhất định. Việc áp dụng những giáo trình này cho trẻ em là không phù hợp cả về nội dung, cách tiếp cận lẫn ngôn ngữ sử dụng.
Hiện nay, mặc dù đã có nhiều bộ tài liệu được biên soạn riêng cho trẻ em người Việt ở nước ngoài, bao gồm cả trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, mỗi bộ sách lại được xây dựng với mục tiêu, phương pháp và nhóm đối tượng cụ thể khác nhau. Chính vì vậy, việc lựa chọn tài liệu phù hợp với trình độ, độ tuổi, hoàn cảnh học tập của từng nhóm học sinh vẫn là một thách thức lớn đối với giáo viên.
Thứ hai là thiếu đội ngũ giáo viên chuyên môn bởi những người đứng lớp phần lớn là tình nguyện viên, chưa qua đào tạo bài bản về sư phạm tiếng Việt, dù có tinh thần trách nhiệm và tâm huyết.
Ở trong nước, giáo viên dạy tiếng Việt đều được đào tạo bài bản tại các trường sư phạm, có nền tảng chuyên môn về ngôn ngữ học và phương pháp giảng dạy. Trong khi đó, giáo viên ở nước ngoài chủ yếu những người làm trong nhiều ngành nghề khác nhau như bác sĩ, kỹ sư, công chức, doanh nhân… đến lớp với lòng nhiệt huyết và trách nhiệm, chứ không phải là nhà giáo được đào tạo chính quy.
Do thiếu chuyên môn sư phạm và phương pháp giảng dạy phù hợp, các thầy cô thường gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng bài giảng, lựa chọn tài liệu, tổ chức lớp học và truyền đạt kiến thức cho học sinh – đặc biệt là những em chưa biết tiếng Việt.
Cuối cùng, việc tổ chức các lớp học tiếng Việt còn mang tính tự phát, thiếu cơ chế hỗ trợ ổn định và lâu dài từ cơ quan chức năng cũng như sự công nhận chính thức từ hệ thống giáo dục sở tại. Các phương tiện hỗ trợ học tập tiếng Việt như sách, truyện, chương trình truyền hình, phim ảnh dành riêng cho đối tượng trẻ em Việt kiều hiện vẫn còn rất hạn chế.
Từ những khó khăn trong công tác dạy tiếng Việt ở nước ngoài, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết đề xuất một số phương pháp giảng dạy hiệu quả, phù hợp với đối tượng học sinh là người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.
Theo ông, cần có sự đổi mới trong phương pháp dạy học, tránh lối dạy theo kiểu cấu trúc thuần túy, vốn chỉ tập trung truyền đạt các kiến thức ngôn ngữ tường minh như ngữ âm, chữ viết, từ vựng và ngữ pháp – những nội dung có thể hữu ích với giáo viên nhưng chưa thực sự phù hợp với học sinh.
Các nhà nghiên cứu về phương pháp giảng dạy ngôn ngữ cũng đã chỉ ra rằng, chính những kiến thức ngôn ngữ tiềm ẩn – tức là những gì học sinh tiếp thu một cách tự nhiên, vô thức thông qua việc sử dụng ngôn ngữ mới là yếu tố giúp học sinh sử dụng thành thạo tiếng Việt.
Vì vậy, Giáo sư Thuyết nhấn mạnh nên áp dụng phương pháp giao tiếp, mô phỏng theo con đường hình thành ngôn ngữ tự nhiên. Theo đó, giờ học cần được triển khai bằng tiếng Việt, ưu tiên dạy bằng lời nói (khẩu ngữ) trước khi chuyển sang dạng viết. Bắt đầu từ những câu có nghĩa cụ thể, dễ hiểu, minh họa bằng hình ảnh trước khi tiếp cận những khái niệm trừu tượng. Học sinh cần được đặt vào các tình huống giao tiếp thực tế để tiếp nhận ngôn ngữ và luyện tập một cách chủ động.
Đặc biệt, việc phân loại học sinh thành các nhóm phù hợp với trình độ và khả năng tiếp nhận ngôn ngữ là điều cần thiết để việc giảng dạy đạt hiệu quả cao.
Cụ thể, nhóm 1 là những học sinh đã biết tiếng Việt và biết chữ. Với nhóm này, cần tăng cường vốn từ, phát triển kỹ năng nói và nghe, đồng thời dạy ghép vần và nâng cao khả năng đọc hiểu, không cần quá chú trọng luyện viết.
Nhóm 2 là các em biết nói tiếng Việt nhưng chưa biết viết. Giáo viên nên tập trung phát triển kỹ năng nghe – nói, đồng thời dạy ghép vần, đọc và viết chữ.
Nhóm 3 gồm những học sinh chưa biết nói tiếng Việt nhưng đã biết chữ (tiếng bản địa). Với nhóm này, cần hình thành vốn từ và năng lực nghe – nói trước, sau đó mới dạy đọc và ghép vần, không nên ưu tiên việc luyện viết ngay từ đầu.
Nhóm 4 là những em nhỏ chưa biết tiếng Việt và cũng chưa biết chữ. Với các em từ 5 tuổi trở lên, năm học đầu tiên nên tập trung dạy kỹ năng nghe – nói, sang năm tiếp theo mới bắt đầu học chữ.
Riêng đối với trẻ em dưới 5 tuổi, việc dạy tiếng Việt nên lồng ghép thông qua các hoạt động vui chơi, hát múa, nhận diện mặt chữ và làm quen với ngôn ngữ một cách tự nhiên, sinh động.
“Có thể nói rằng, chương trình tập huấn lần này sẽ là cơ hội quý báu để các thầy, cô giáo bồi dưỡng thêm kỹ năng, đặc biệt là trong việc tổ chức các hoạt động dạy học tiếng Việt sao cho phù hợp và hiệu quả hơn với đối tượng học sinh là con em người Việt ở nước ngoài,” Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết kỳ vọng.