Tại Olympic Vật lí Quốc tế lần thứ 55 (IPhO 2025) tổ chức ở Paris, Pháp từ ngày 17/7/2025 đến hết ngày 25/7/2025, em Trần Lê Thiện Nhân, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Chuyên Quốc Học Huế, đã xuất sắc giành Huy chương Bạc và đặc biệt là trở thành một trong năm thí sinh toàn cầu được vinh danh với giải thưởng “STEM for All” do Tập đoàn Thales (Pháp) trao tặng.
Từ một giải thưởng cá nhân đến tầm nhìn giáo dục quốc gia
Giải thưởng “STEM for All” được trao cho những học sinh có đam mê và năng lực nổi bật trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), nhưng gặp khó khăn về tài chính hoặc hoàn cảnh xã hội. Mỗi đoàn quốc gia tham dự IPhO chỉ được đề cử một thí sinh duy nhất. Hồ sơ gồm một video tự giới thiệu và thư đề cử từ trưởng đoàn. Hội đồng chuyên môn của IPhO và Thales sẽ chọn tối đa 5 học sinh toàn cầu để trao giải.
Mỗi giải thưởng bao gồm: khoản hỗ trợ trị giá 5.000 euro; một năm cố vấn cá nhân từ các chuyên gia công nghệ của Thales, nhằm định hướng phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM.

Dưới sự chỉ đạo của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đoàn Việt Nam đã đề cử em Thiện Nhân. Trong video dự thi, em chia sẻ chân thành về hành trình học tập, đam mê khoa học và khát vọng đóng góp cho một thế giới an toàn hơn, xanh hơn và hòa nhập hơn bằng ứng dụng công nghệ. Hồ sơ của em được đánh giá cao cả về học lực, tư duy khoa học lẫn tinh thần vượt khó.
Giải thưởng “STEM for All” không chỉ là sự công nhận cá nhân, mà còn là minh chứng cho tiềm năng và khát vọng vươn lên của học sinh Việt Nam. Đây cũng là bước đệm quan trọng giúp em Thiện Nhân có thêm cơ hội tiếp cận môi trường học thuật và công nghệ quốc tế, cũng như theo đuổi con đường phát triển bền vững trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số toàn cầu, giáo dục STEM không còn là lựa chọn, mà là chiến lược sống còn để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và xây dựng một xã hội học tập bền vững.
“STEM for All” không chỉ là một giải thưởng – mà là lời nhắc về trách nhiệm giáo dục toàn diện, công bằng và khai phóng, để mỗi học sinh – dù ở đâu – đều có thể mơ ước, nỗ lực và toả sáng.
“STEM for All” – Một sáng kiến giáo dục mang tính nhân văn toàn cầu
Không giống các giải thưởng dựa vào điểm số, “STEM for All” được thiết kế như một chương trình trao cơ hội công bằng cho học sinh thiệt thòi, khuyến khích các em theo đuổi ước mơ khoa học bất chấp hoàn cảnh. Qua đó, Thales và IPhO gửi đi thông điệp rõ ràng: “Giáo dục không chỉ là thành tích mà còn là niềm tin, cơ hội và sự hỗ trợ đúng lúc.”
Sự kiện một học sinh Việt Nam được trao giải thưởng danh giá này là thành quả của tầm nhìn giáo dục đổi mới, nhân văn và hội nhập. Đây cũng là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng: để đào tạo thế hệ công dân toàn cầu, bên cạnh chương trình và phương pháp, giáo dục cần trao quyền tiếp cận công bằng, đặc biệt cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
STEM – Nền tảng của công dân toàn cầu và động lực phát triển quốc gia
STEM là viết tắt của Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học). Giáo dục STEM không chỉ trang bị kiến thức chuyên môn, mà còn phát triển tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, hợp tác, sáng tạo và khả năng thích ứng – những yếu tố cốt lõi để thành công trong thế kỷ 21.
Tổ chức UNESCO và nhiều quốc gia tiên tiến đều khẳng định vai trò chiến lược của STEM trong giáo dục phổ thông, nhằm giúp thế hệ trẻ làm chủ công nghệ, thích ứng với chuyển đổi số và đóng góp vào phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, giáo dục STEM đã được tích hợp vào Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt trong các môn Toán, Khoa học tự nhiên, Tin học và Công nghệ. Hàng loạt hoạt động như Câu lạc bộ STEM, ngày hội STEM, cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp trường và quốc gia đã góp phần khơi dậy hứng thú học tập, rèn luyện kỹ năng thực hành và khơi mở đam mê khám phá.
Đặc biệt, ngày 24/5/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký ban hành Quyết định số 1002/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2035 và định hướng đến năm 2045. Đây là định hướng chiến lược nhằm xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển công nghiệp công nghệ cao của đất nước. Trong đó, giáo dục STEM được xác định là nền tảng quan trọng để Việt Nam từng bước làm chủ các lĩnh vực khoa học – công nghệ mũi nhọn.
Việc tổ chức dạy học theo định hướng STEM, phù hợp với xu thế toàn cầu, chính là bước đi chiến lược để giáo dục Việt Nam hình thành nên một thế hệ công dân trẻ có năng lực, trách nhiệm và khát vọng cống hiến cho một tương lai bền vững và nhân văn.
Được biết, tại Kỳ thi Olympic Vật lí Quốc tế 2025, đội tuyển quốc gia Việt Nam có 5 học sinh dự thi và tất cả học sinh đều đoạt Huy chương với 01 Huy chương Vàng, 04 Huy chương Bạc. Bên cạnh em Trần Lê Thiện Nhân, học sinh đạt Huy chương Bạc và là một trong năm thí sinh toàn cầu được trao Giải thưởng đặc biệt “STEM for All”, em Nguyễn Thế Quân – học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An cũng xuất sắc giành Huy chương Vàng và có điểm thi thực hành cao thứ 2 toàn cuộc thi.