Vi mạch bán dẫn đang được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, được Chính phủ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đưa Việt Nam trở thành một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Cơ hội lớn từ ngành công nghiệp trọng điểm

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Ngô Thị Thu Tình - Phó Trưởng Bộ môn, Phụ trách Bộ môn Điện tử viễn thông, Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (UTT) cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu đào tạo từ 30.000 đến 50.000 kỹ sư và chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Đây được xem là cơ hội lớn cho những sinh viên đang và sẽ theo học chuyên ngành này trong giai đoạn tới.
Theo cô Tình, vi mạch bán dẫn là lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao, đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển của các thiết bị điện tử hiện đại, từ điện thoại thông minh, máy tính, ô tô, thiết bị y tế cho đến hệ thống tự động hóa. Không chỉ vậy, ngành còn là nền tảng cho nhiều công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và mạng 5G.
Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về nhân lực chất lượng cao, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải là một trong những cơ sở giáo dục tiên phong tại Việt Nam mở chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Vi mạch bán dẫn.
Với thế mạnh về đội ngũ giảng viên và kinh nghiệm đào tạo kỹ thuật - công nghệ, nhà trường hướng đến mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng chiến lược phát triển quốc gia về công nghiệp vi mạch.
Đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp


Tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Vi mạch bán dẫn được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của ngành công nghiệp điện tử trong nước và quốc tế.
Chương trình đào tạo được thiết kế bài bản, kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, đồng thời cập nhật theo các xu hướng phát triển công nghệ toàn cầu.
Cụ thể, chương trình học kéo dài 4,5 năm, trang bị cho sinh viên cả kiến thức nền tảng như Toán học, Vật lý, Tin học, Ngoại ngữ, kỹ năng mềm và tư duy hệ thống, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, cùng với các học phần chuyên sâu trong lĩnh vực điện tử và vi mạch.
Khối kiến thức chuyên ngành tập trung vào các môn học như Điện tử cơ bản, Hệ thống nhúng, Thiết kế vi mạch số, Thiết kế vi mạch tương tự, Công nghệ chế tạo vi điện tử, Lập trình FPGA- VHDL và Thiết kế hệ thống VLSI...
“Đặc biệt, tỉ trọng thực hành, thực tập chiếm khoảng 40% tổng chương trình, giúp sinh viên hình thành kỹ năng chuyên môn vững chắc và khả năng thích ứng cao với môi trường làm việc thực tế”, cô Tình nhấn mạnh.
Chia sẻ về điểm mạnh đào tạo của chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (UTT), cô Ngô Thị Thu Tình, cho biết:
“Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải hướng đến mô hình đào tạo tinh gọn, ứng dụng cao, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi xây dựng chương trình với định hướng gắn liền thực tiễn, bám sát nhu cầu doanh nghiệp và xu hướng phát triển của ngành công nghệ vi mạch tại Việt Nam và thế giới”.

Theo cô Tình, đây là một trong những chuyên ngành được thiết kế bài bản, chú trọng kết hợp giữa lý thuyết chuyên sâu và thực hành ứng dụng. Sinh viên được tiếp cận với công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch ngay từ những năm đầu, đồng thời có cơ hội tham gia vào các dự án nghiên cứu, thực tập tại doanh nghiệp nhờ mối liên kết chặt chẽ giữa UTT và các công ty trong lĩnh vực công nghệ cao.
Một điểm cộng khác của ngành học này tại UTT là đội ngũ giảng viên chất lượng cao, được đào tạo từ các trường đại học uy tín trong và ngoài nước, nhiều người có bằng tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành vi mạch, điện tử và công nghệ nano.
Ngoài ra, trường còn thường xuyên mời chuyên gia từ doanh nghiệp lớn và viện nghiên cứu tham gia giảng dạy, chia sẻ thực tiễn và cập nhật công nghệ mới nhất cho sinh viên. Các hội thảo chuyên đề, chương trình hợp tác và trao đổi học thuật quốc tế cũng góp phần mở rộng tầm nhìn và nâng cao năng lực chuyên môn cho cả giảng viên lẫn sinh viên.

Lương khởi điểm từ 15-25 triệu đồng/tháng
Cô Ngô Thị Thu Tình cho biết, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật Vi mạch bán dẫn có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn trong lĩnh vực công nghệ cao, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.
Cụ thể, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí kỹ sư thiết kế vi mạch số hoặc tương tự; kỹ sư kiểm thử vi mạch trong quy trình đánh giá và kiểm tra chất lượng sản phẩm; kỹ sư nghiên cứu và phát triển (R&D) chuyên về công nghệ mới và ứng dụng vi mạch vào các sản phẩm thông minh. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp còn có thể làm kỹ sư sản xuất - vận hành và giám sát quy trình sản xuất, đóng gói, kiểm chuẩn vi mạch tại nhà máy; chuyên gia tư vấn kỹ thuật hỗ trợ các dự án sản xuất, thương mại hóa sản phẩm và giải pháp công nghệ.
Với nền tảng học thuật vững chắc, sinh viên chuyên ngành này cũng có thể theo đuổi con đường nghiên cứu hoặc giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu. Trong bối cảnh khởi nghiệp công nghệ đang phát triển mạnh, không ít sinh viên lựa chọn khởi nghiệp trong các lĩnh vực thiết kế, sản xuất hoặc ứng dụng vi mạch.

Cô Tình cũng chia sẻ, sinh viên UTT sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại nhiều công ty trong nước như FPT Semiconductor, Viettel, VinAI, cũng như các tập đoàn công nghệ đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam như Samsung, Intel, NVIDIA, Foxconn, Amkor Technology, Marvel, Realtek, Synopsys, Uniquify, ADTechnology, SemiFive, CoAsia… cùng nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo cô Tình, mức thu nhập của kỹ sư về Công nghệ Kỹ thuật Vi mạch bán dẫn hiện nằm trong nhóm cao so với mặt bằng chung của khối ngành kỹ thuật:
“Theo khảo sát của một số trang tuyển dụng uy tín và báo cáo thị trường lao động công nghệ, sinh viên mới ra trường có thể nhận mức lương khởi điểm từ 15 đến 25 triệu đồng/tháng, đặc biệt nếu làm việc tại các doanh nghiệp lớn hoặc tập đoàn đa quốc gia như Intel, Samsung, FPT Semiconductor.
Với kỹ sư đã có kinh nghiệm từ 3 đến 5 năm, mức thu nhập trung bình có thể đạt từ 30 đến 50 triệu đồng/tháng. Ở những vị trí chuyên gia cao cấp hoặc quản lý, con số này có thể tăng lên tới 80-100 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn nếu làm việc tại các thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc)”.
Phó Trưởng Bộ môn Ngô Thị Thu Tình nhận định, đây là một ngành học có triển vọng rõ ràng cả về nghề nghiệp lẫn thu nhập, nếu sinh viên chịu khó đầu tư vào kiến thức nền tảng, kỹ năng chuyên môn và khả năng ngoại ngữ.