Vấn đề bạn đọc quan tâm:

"Quá tải bệnh viện, dẫn đến tai biến nhiều hơn"

07/12/2011 07:28
Phan Sơn/SGTT

Đại diện sở Y tế TP.HCM thừa nhận: “Quá tải bệnh viện đã làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, đặc biệt làm tăng tai biến y khoa".

Sự thừa nhận này không có gì mới, chỉ đáng nói là mặc dù được công luận lên tiếng nhiều lần, nhưng vấn nạn tai biến y khoa ở nước ta vẫn chưa được xem xét nghiêm túc.

"Quá tải bệnh viện, dẫn đến tai biến nhiều hơn" ảnh 1

Bệnh nhân nằm điều trị ngoài hành lang của một bệnh viện tại TP.HCM, ngày 30.11.2011. Ảnh: Thanh Hảo

Khám nhanh, bỏ sót triệu chứng

Tháng qua bé C.M., ba tuổi, bị sốt, ói hai ngày được khám ở một bệnh viện nhi TP.HCM. Người nhà cho biết sau khi khám qua loa, bác sĩ cho đi siêu âm bụng, nhưng không cho thử máu. Thấy kết quả siêu âm bình thường, bác sĩ cho bệnh nhân về với chẩn đoán viêm họng.

Tuy nhiên ngay tối hôm đó, bé trở nặng, ói ra máu và qua đời. Anh T.Q.T., cha bé C.M. cho biết: trước khi đến bệnh viện thành phố, con anh đã khám ở một bệnh viện quận, nhưng không hết bệnh. Anh đã nói bác sĩ chuyện này, nhưng do bệnh nhân quá đông, dường như bác sĩ không lưu ý.

May mắn hơn trường hợp trên, nhưng chị T.Q. 45 tuổi, cũng một phen sợ hãi vì chuyện khám nhanh, qua loa của bác sĩ. Có tiền căn sỏi thận 20 năm, nên tháng qua, khi bị sốt, đau bụng, chị đi khám tại một bệnh viện chuyên khoa có tiếng của thành phố. Nhìn kết quả siêu âm niệu quản có sỏi, thận ứ nước của chị, bác sĩ nói không sao, cho toa thuốc về nhà. Hôm sau chị bị nặng hơn, quay lại cấp cứu, bác sĩ cũng nói không sao, chỉ chích thuốc giảm đau và kêu chị về.

Không tin lời bác sĩ, chị qua một bệnh viện khác, ở đây bác sĩ phát hiện chị sốt 390C, thử máu có dấu hiệu nhiễm trùng, hội chẩn và chẩn đoán chị bị viêm đài bể thận cấp do sỏi niệu quản. Chị đã nằm viện 16 ngày, trong đó mười ngày trị nhiễm trùng thận trước khi tán sỏi. Nếu nghe lời bác sĩ của bệnh viện chuyên khoa, không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho chị!

Ngày nay, giở báo ra, cứ vài ngày người ta lại đọc được những câu chuyện về tai biến y khoa. Nào là bác sĩ quên gạc trong đầu bệnh nhân sau mổ, hút mỡ bụng bị thuyên tắc phổi, mổ mắt xong tưởng sáng lại bị mù, đau một đàng bác sĩ chẩn đoán một nẻo.

Bác sĩ Phạm Việt Thanh, giám đốc sở Y tế TP.HCM, thừa nhận tình trạng quá tải ở khu vực nội trú lẫn ngoại trú của các bệnh viện chuyên khoa hiện nay đã làm giảm chất lượng điều trị (như khám quá nhanh, bỏ sót triệu chứng) và điều này rất dễ dẫn đến tai biến y khoa.

Ngại công khai vì sợ mất uy tín

Trên thế giới, tai biến y khoa ngày càng được mọi người quan tâm. Theo một nghiên cứu của Health Grades, một công ty về lĩnh vực chất lượng chăm sóc sức khoẻ, từ năm 2000 – 2002, thiệt hại do tai biến y khoa ở Mỹ lên đến 6 tỉ đôla/năm và trong mỗi năm này nước Mỹ có trung bình 195.000 người chết do những tai biến y khoa trong bệnh viện có thể phòng tránh được.

Tại nước ta, theo chúng tôi tìm hiểu, các bệnh viện cũng thường mang những sai sót chuyên môn nghiêm trọng ra bàn luận, rút kinh nghiệm. Ở một vài bệnh viện lớn, tai biến y khoa cũng được tổng kết hàng năm, nhưng đáng tiếc là các tổng kết này chỉ được phổ biến nội bộ, không bao giờ công khai vì bệnh viện sợ mất uy tín. Trên bình diện cả nước, cho đến nay cũng không có một nghiên cứu nào về tai biến y khoa, thiệt hại về con người và vật chất do chuyện này mang lại. Đơn giản nhất là nhiễm trùng bệnh viện, thường do bệnh nhân phải nằm điều trị trong không gian chật chội, đông người, nhưng các bệnh viện cũng không dám công bố tỷ lệ nhiễm trùng bệnh viện ở đơn vị của mình.

Bác sĩ P.Q.N., một cựu giám đốc bệnh viện, nói: “Người ta rất ngại nói ra sai sót vì điều này sẽ ảnh hưởng đến thành tích, thi đua chung của đơn vị”. Ngay cả sở Y tế TP.HCM, nơi phân xử nhiều ca tử vong do tai biến y khoa cũng chưa có phân tích nào về chuyện này, hoặc có làm nhưng không công bố. Bác sĩ N. có ý kiến: “Các tai biến phải được công khai cho các bệnh viện biết để họ rút kinh nghiệm và không lặp lại sai sót”.

Thật ra, minh bạch về tai biến y khoa chỉ làm mọi chuyện tốt hơn. Qua những trường hợp này, rõ ràng không chỉ bệnh viện và nhân viên y tế có thể rút ra bài học chuyên môn, mà cả bệnh nhân cũng rút kinh nghiệm cho bản thân mỗi khi vào bệnh viện.

Những điều cần hỏi khi vào bệnh viện

Để giảm thiểu rủi ro cho bệnh nhân khi đến bệnh viện, cơ quan Chất lượng và nghiên cứu chăm sóc sức khoẻ (AHRQ: Agency for Healthcare Research and Quality) đã đưa ra năm lời khuyên đơn giản sau:

1. Đừng ngần ngại hỏi bác sĩ nếu bạn nghi ngờ hay lo lắng. Bảo đảm rằng bạn hiểu hết những gì bác sĩ trả lời. Có thể nhờ một người thân hay người bạn đi với mình để cùng hỏi và hiểu rõ câu trả lời của bác sĩ.

2. Mang theo tất cả những loại thuốc bạn đã dùng cho bác sĩ xem từ thuốc kê toa cho đến thuốc thông thường.

3. Đặt câu hỏi với bác sĩ về những kết quả cận lâm sàng (xét nghiệm, siêu âm, chụp CT…), chúng có ý nghĩa gì đối với sức khoẻ và việc điều trị của bạn.

4. Hỏi bác sĩ bệnh viện nào là nơi điều trị tốt nhất cho căn bệnh của bạn.

5. Nếu cần phẫu thuật, bạn phải hỏi bác sĩ tất cả những gì liên quan đến cuộc phẫu thuật: tôi sẽ được phẫu thuật ra sao? Nó kéo dài bao lâu? Sau phẫu thuật xảy ra chuyện gì? Trong thời gian bình phục, tôi như thế nào?

Phan Sơn/SGTT