Nhưng xem ra câu chuyện còn lâu mới có hồi kết khi mà dường như bà Bộ trưởng vẫn chưa "bắt" đúng bệnh và chưa có "phác đồ điều trị" một cách toàn diện.
"Choáng", "ngộp thở", "sốc"... là những từ mà báo chí đã dùng để mô tả tình trạng quá tải tại các bệnh viện (BV) sau chuyến "vi hành" vào cuối tháng 11 vừa qua của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Nơi chen chúc và thiếu... nhiều thứ nữa
Quả thật, không thể dùng từ nào khác hơn khi chính bà Bộ trưởng cũng thừa nhận: "Không nơi nào BV quá tải như Việt Nam", tức là Việt Nam sẽ có nhiều khả năng đoạt giải "vô địch thế giới" nếu lấy tiêu chí này để thi thố.
Đúng là không choáng sao được khi báo Dân trí phản ánh nhiều bệnh nhân đã ... vén mùng lóp ngóp bò ra để đón chào sự hiện diện của bà Bộ trưởng. Đau xót hơn là có được vị trí dưới gầm giường đã là may mắn (!), khi nhiều bệnh nhân khác còn không có chỗ để đặt lưng ngay cả ngoài hành lang.
Tình trạng quá tải đến mức phải "choáng" này đã được lãnh đạo các BV thừa nhận. Theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung Bướu thì: "Số giường thực kê của BV chỉ có 631 giường; nhưng số bệnh nhân điều trị nội trú hiện 1.807 người và số ngoại trú 9.510 người, nên tình trạng nằm ghép, nằm hàng lang, nằm dưới gầm giường là không thể tránh khỏi".
Đáng nói hơn, đây không phải là trường hợp cá biệt.
Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 thì trung bình mỗi ngày khám khoảng 5.000 - 6.000 trẻ, có ngày đột biến tăng lên 7.000. Trong lúc BV chỉ có khoảng 700 giường nhưng thường xuyên phải đáp ứng cho 1.500 - 1.600 bệnh nhân.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân tại bệnh viện Ung bướu (TP HCM) |
Đối với BV Chấn thương chỉnh hình cũng thế. Theo bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV này thì mỗi ngày BV phải khám chữa bệnh cho khoảng 4.000 người. Đồng thời ông cũng cho biết thêm là tình trạng quá tải trong ngành chấn thương chỉnh hình xảy ra ở hầu hết các tuyến. Vì thực tế cả nước mà chỉ có 1.300 bác sĩ chấn thương chỉnh hình phục vụ cho hơn 80 triệu dân.
Như vậy, hầu hết các BV chuyên khoa tuyến trên đều hoạt động với 200 - 300% công suất. Nên không xảy ra quá tải mới là chuyện lạ.
Thực trạng này vẫn sẽ còn nhức nhối lâu dài bởi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao, trong khi môi trường sống ngày càng ô nhiếm, là cơ hội tốt cho bệnh tật sinh sôi nảy nở.
Thực ra chuyện quá tải tại các BV, nhất là các BV tuyến trên tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đã là chuyện của nhiều năm trước, và gây bức xúc xã hội không kém chuyện tai nạn và ùn tắc giao thông.
Thiết nghĩ, không cần phải chờ đến chuyến "vi hành" vừa rồi, bà Bộ trưởng chắc cũng không xa lạ gì với thực trạng này. Trước đây, khi vừa nhậm chức, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng đã từng cam kết giải quyết tình trạng này. Nhưng đến nay vẫn không có gì thay đổi, thậm chí tình trạng quá tải ngày càng trầm trọng hơn.
Nhắc lại những chuyện BV quá tải để thấy rằng đây là vấn đề không hề mới. Nhưng dường như trong một thời gian dài, ít nhất là cũng đã hai nhiệm kỳ bộ trưởng, ngành y tế vẫn đang loay hoay trong một mớ bòng bong. Lãnh đạo ngành cũng đã từng nhận biết, từng tranh luận, từng giải quyết... Nhưng kết quả thì vẫn "choáng", vẫn "sốc" như ngày nào.
Sau bao nhiêu lần kiểm tra, tìm hiểu, nghiên cứu, hội thảo... rốt cuộc cũng chẳng phát hiện được gì mới. Vẫn những nguyên nhân cũ rích như đầu tư không đúng mức, thiếu kinh phí, thiếu thốn trang thiết bị, thiếu y bác sĩ, khám chữa bệnh trái tuyến...
Chỉ không thấy ai nhắc tới khả năng chúng ta đang thiếu một vị lãnh đạo ngành đủ tâm, đủ tầm, thực sự biết quan tâm đến sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân.
Xem thực trạng BV quá tải kéo dài này và mới đây là cách xử lý lúng túng trong việc phòng chống dịch tay chân miệng ở trẻ em cũng đủ nói lên tất cả.
Nơi ế ẩm, và cũng thiếu... nhiều thứ khác
Ở tầm vĩ mô, không thể không nhắc đến một nghịch lý đã và đang tồn tại. Cụ thể là công tác quy hoạch trong quá trình phát triển xã hội.
Sau hàng chục năm, số BV được xây mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay đều quá cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó thì số lượng sân golf phát triển đến chóng mặt. Nhà cao tầng, khu nghỉ dưỡng cao cấp, resort... mọc lên như nấm. Khu công nghiệp thì xây dựng tràn lan nhưng thu hút đầu tư kém, gây lãng phí nghiêm trọng.
Sở dĩ nhiều địa phương không mặn mà với việc xây mới, nâng cấp, mở rộng BV là vì tỉ lệ sinh lợi từ các giường bệnh là chậm và không đáng kể so với các hoạt động, đầu tư, kinh doanh địa ốc, sân golf... Trong khi cánh cửa mở ra cho tư nhân vào lĩnh vực này còn hạn chế.
Nhưng vẫn có một thực tế khác tréo ngoe, đó là hầu như các BV tuyến dưới, BV địa phương đều trong tình trạng "ế ẩm". Đa số chỉ hoạt động trên dưới 50% công suất. Đây là một thực trạng yếu kém và lãng phí vô cùng lớn trong ngành y tế.
Nguyên nhân chính để lý giải cho tình trạng "ế ẩm" này là do thiếu thốn trang thiết bị và đặc biệt là tay nghề của các bác sĩ ở đây không cao, nếu không muốn nói là yếu kém.
Thời gian qua, dư luận lên tiếng về nhiều ca tử vong chỉ vì sự tắc trách của y bác sĩ. Bệnh nhân đã không còn tin tưởng để phó thác tính mạng của mình cho những bác sĩ và BV như thế ở tuyến dưới.
Thực tế là mặc dù việc di chuyển, đi lại đến các thành phố lớn để khám chữa bệnh không hề rẻ, lại phải chấp nhận nằm ghép, nằm ở hành lang với mức chi phí cao hơn, nhưng người bệnh vẫn phải chấp nhận chi trả, bởi vì đã có bệnh thì không thể không chữa.
Việc quá tải ở các BV tuyến trên không hoàn toàn phụ thuộc vào viện phí mà còn vì nhiều yếu tố khác, trong đó, chất lượng khám chữa bệnh mới là yếu tố quyết định.
Trong khi chờ đợi các BV mới với đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ y bác sĩ có tay nghề cao để giảm tải các BV tuyến trên, thì trước tiên cần cải thiện hình ảnh và chấn chỉnh tình trạng "be bét" của các BV tuyến dưới.
Chỉ bằng cách tạo dựng uy tín, các BV tuyến dưới mới mong thu hút bệnh nhân khám chữa bệnh đúng tuyến. Và quan trọng là không lãng phí một nguồn lực rất lớn của quốc gia.
Cũng như vị Bộ trưởng tiền nhiệm, lần này bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng tỏ ra rất quyết tâm để xóa sổ tình trạng BV quá tải. Nhưng xem ra câu chuyện còn lâu mới có hồi kết khi mà dường như bà Bộ trưởng vẫn chưa "bắt" đúng bệnh và chưa có "phác đồ điều trị" một cách toàn diện.
Nên xem ra, ngay cả khi có tiền, thì ước muốn mong được hưởng một dịch vụ y tế tốt hơn của Nhà nước, vẫn còn quá xa vời.
Xem ra, ngay cả khi có tiền, thì ước muốn mong được hưởng một dịch vụ y tế tốt hơn của Nhà nước, vẫn còn quá xa vời.