Báo chí Học viện hay báo chí Nhân văn?

Kỳ 4: Học ở đâu không quan trọng, quan trọng là người học

09/12/2011 06:00
Thu Hòe
(GDVN) “Học báo chí Học viện hay báo chí Nhân văn đều được, thậm chí không học báo chí cũng có thể trở thành nhà báo. Vấn đề là ở người học…”

Xung quanh chủ đề “báo chí Học viện hay báo chí Nhân văn”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Phó Chủ tịch Hội nhà báo TP Hồ Chí Minh, TBT Tạp chí Nghề báo đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Học ở đâu không quan trọng, quan trọng là người học…

“Học báo chí ở Học viện Báo chí & Tuyên truyền hay học báo chí ở khoa Báo chí & Truyền thông, ĐHQGHN đều là sự lựa chọn tốt. Mỗi cơ sở có một thế mạnh khác nhau.

Thế mạnh của Học viện là sự chia nhỏ chuyên ngành, đào tạo SV ở mức độ chuyên sâu. Còn khoa Báo chí & Truyền thông, ĐH KHXH & NV, ĐHQGHN lại cung cấp cho sinh viên một phông kiến thức sâu rộng, sự hiểu về nhiều lĩnh vực, biết được nhiều thứ với mô hình đào tạo báo chí tổng hợp.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, TBT Tạp chí Nghề báo
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh, TBT Tạp chí Nghề báo

Cả hai cơ sở đã và đang khẳng định vị thể và chất lượng đào tạo của mình. Minh chứng là điểm đầu vào ở cả hai cơ sở đào tạo đều ở ngưỡng rất cao với cả hai khối thi tuyển sinh…”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết.

“Trên thực tế, không phải ai học báo cũng trở thành nhà báo và ra trường đi làm đúng ngành nghề mình theo học, chỉ có khoảng 40% cử nhân báo chí làm đúng ngành nghề. Trong khi đó, có rất nhiều những nhà báo giỏi, họ tốt nghiệp các trường Luật, Kinh tế, Ngoại ngữ, Ngoại thương, Ngoại giao… vẫn làm báo rất giỏi và có tâm huyết với nghề.

Do đó, việc học báo chí ở đâu không hẳn đã là yếu tố quyết định nhất đến việc có theo và làm được nghề báo hay không. Vấn đề là người học. Họ có đam mê, có muốn rèn luyện… để  trở thành nhà báo hay không mà thôi…”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhấn mạnh.

“So với các ngành nghề, thu nhập của nghề báo là khá…”

Những năm gần đây, nền báo chí Việt Nam có nhiều khởi sắc. Cơ chế mở đã có những tác động tích cực với nền báo chí nước nhà. Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các đầu báo, đầu tạp chí, các kênh phát thanh, truyền hình, các diễn đàn mạng xã hội… đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các Công ty truyền thông chuyên về quảng cáo, tổ chức sự kiện, PR… đã thu hút một bộ phận rất lớn những bạn trẻ năng động. Bằng chứng là số học sinh thi vào ngành Báo chí hằng năm đều ở mức cao.

Đầu ra của sinh viên báo chí đã rộng mở hơn rất nhiều
Đầu ra của sinh viên báo chí đã rộng mở hơn rất nhiều

Nói về những xu hướng mới của nền báo chí Việt Nam, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhận định: “ Xu thế mới của nền báo chí là báo mạng lên ngôi, phát triển mạnh. Báo in gặp khó khăn. Truyền thông đa phương tiện gặp thời. Các tập đoàn báo chí ra đời dù chính thức hay chỉ là manh nha, dưới nhiều dạng khác nhau… Hiện nay, làm truyền thông đang là lối ra cho đại bộ phận sinh viên báo chí khi tốt nghiệp”

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân "Thu nhập từ nghề báo không tồi..."
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân "Thu nhập từ nghề báo không tồi..."

“Đầu ra với ngành báo chí đã rộng mở hơn rất nhiều. Tôi vẫn nói với SV của mình rằng, em nào tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm thì quay lại tìm tôi nhưng không có một SV nào quay lại than phiền. Những SV vẫn giữa mối liên hệ với tôi thì đang có chỗ làm tốt, thu nhập cao dù đúng nghề hay không đúng nghề.

Hiện nay, ngay cả những ngành không liên quan cũng muốn tuyển cử nhân báo chí vào làm việc. Vì SV báo chí năng động, hoạt bát, mặt bằng kiến thức tốt, giao tiếp khá… và xinh đẹp nữa."

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng cho biết: “So với các ngành nghề khác trong xã hội, nghề báo là nghề mang lại thu nhập tương đối khá, đảm bảo được cuộc sống. Phóng viên ở các báo mạnh mức thu nhập từ 10 – 20 triệu đồng/tháng là hết sức bình thường. Phóng viên ở những báo trung bình cùng từ 5 – 7 triệu đồng/tháng, báo yếu cũng từ 3 – 5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này chưa hẳn là cao nhưng so với nhiều ngành nghề, thu nhập của ngành báo chí là khá…”

Học báo chí thì phải “cần”

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã từng nhấn mạnh trong buổi tọa đàm thảo luận về cải thiện chương trình giảng dạy báo chí vào ngày 16/3 tại TP.HCM : "Ở các cơ quan báo chí, họ đòi hỏi kỹ năng, năng khiếu cần thiết để bước chân vào nghề báo chứ không cần đến tấm bằng cử nhân.

Viết báo và làm báo là hai khái niệm khác nhau. Đặc thù của đào tạo báo chí là đào tạo nghề. Đơn đặt hàng của cơ quan báo chí cho cơ sở đào tạo báo chí là nghề…"

Sinh viên báo chí cần trang bị kiến thức và kỹ năng sống cần thiết, cần sự tự tin, dám vượt qua thử thách để trưởng thành
Sinh viên báo chí cần trang bị kiến thức và kỹ năng sống cần thiết, cần sự tự tin, dám vượt qua thử thách để trưởng thành

Nhà báo chia sẻ thêm: “Với những bạn trẻ muốn học báo và làm báo thì cần phải xác định cho mình một sự đam mê thực thu với nghề. Trong quá trình học, SV cần trang bị cho mình những vốn kiến thức và kỹ năng sống cần thiết.

Sinh viên báo chí khi ra trường cần tìm được một cơ quan báo chí để bám trụ. Khi có nơi để làm việc sẽ có nhiều thứ hơn cả về vật chất và tinh thần để đi tiếp. Tuy nhiên, để có nơi nhận mình vào làm việc thì phải có sự tự tin, chấp nhận thử thách và lao vào công việc. Người ta sẽ nhìn thấy năng lực thông qua từng tác phẩm báo chí mà anh sáng tạo ra…”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhấn mạnh.

Thu Hòe