PHÂN TÍCH - GÓC NHÌN:

Chuyên gia Thụy Điển: 3 kịch bản "xâm lược" Baltic của Nga

09/12/2011 10:41
Trịnh Xuân Tuân (Theo VZ)
(GDVN) - Có ba kịch bản cho một cuộc tấn công của Nga vào các nước Baltic, cùng với đó Thụy Điển và NATO cần phải tăng cường khả năng phòng thủ không gian.

Đây là nghiên cứu mới nhất của Thiếu tướng Karlis Neretnieks, nguyên Tư lệnh các Lực lượng vũ trang Thụy Điển, hiện đang làm việc tại Viện Chính sách An ninh và Phát triển (ISDP) và Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển (FOI) .

Trong nghiên cứu của mình, Neretnieks chỉ ra sự cần thiết phải tăng cường tiềm lực quốc phòng, cũng như tăng cường phòng thủ không gian của Thụy Điển, để hỗ trợ “sứ mệnh” của NATO tại các quốc gia Baltic.

Karlis Neretnieks đã đánh giá phân tích một cách toàn diện và đầy đủ chiến lược quốc phòng Thụy Điển đến năm 2014, đồng thời đưa ra ba kịch bản về mối đe dọa đối với các nước Baltic từ Liên bang Nga. Các báo cáo của Karlis Neretnieks đã được công bố tại Viện Hàn lâm Khoa học quân sự Hoàng gia Thụy Điển.

Tàu chiến Thụy Điển tại căn cứ ngầm
Tàu chiến Thụy Điển tại căn cứ ngầm

Kịch bản đầu tiên được mô tả như một cuộc khủng hoảng phi quân sự tương tự như vụ “Tượng đài Hồng quân" tại Tallinn, Estonia đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa Nga và Estonia.

Theo Neretnieksa, trong trường hợp này, nguy cơ một xung đột quân sự ít có khả năng xảy ra, nhưng quan hệ Nga và Estonia sẽ trở nên “rất căng thẳng” và NATO cần phải có sự “quan tâm” nhiều hơn đến các quốc gia Baltic trước khi “kịch bản” được “chuyển thể”.

Trong kịch bản này, NATO cần phải tăng cường tuần tra vùng trời, cũng như để tăng sự hiện diện của mình trong vùng biển Baltic bằng việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự qui mô lớn.

Các chuyên gia Thụy Điển cho rằng cần thiết phải có một sự hợp tác, cũng như khả năng sử dụng các quân cảng và các căn cứ không quân tại Thụy Điển.

Kịch bản thứ hai xem xét các tình huống Nga sẽ thực hiện tấn công quân sự vào các nước Baltic, tuy nhiên cùng lúc này NATO đang cố gắng “hành động” trước khi chiến sự xảy ra.

Trong trường hợp này, theo Neretnieksa, NATO  cần sẵn sàng liên minh với các nước Baltic để ngăn chặn việc Nga sử dụng sức mạnh quân sự.

NATO cần phải có một sự hiện diện quân sự ở Baltic (Ảnh minh họa)
NATO cần phải có một sự hiện diện quân sự ở Baltic (Ảnh minh họa)

Theo kế hoạch hành động của NATO, cần phải có một sự hiện diện quân sự ngay lập tức tại các nước Baltic với sự hỗ trợ của Thụy Điển (với một tiểu đoàn chiến đấu) và Phần Lan.

Dự kiến rằng các lực lượng quân đội của Mỹ và Đức sẽ hiện diện bằng đường không, còn quân đội Ba Lan – bằng đường bộ. Kế hoạch này cũng bao gồm việc triển khai các máy bay của NATO ở các nước Bắc Âu.

Karlis Neretnieks tin rằng sự hiện diện của các lực lượng quân sự quốc tế cũng như của Thụy Điển và Phần Lan trong vùng Baltic có thể mất khoảng một tháng.

Các chuyên gia chỉ ra rằng mối đe dọa nghiêm trọng nhất đến việc triển khai quân sự của NATO chính là Kaliningrad trên biên giới với Baltic, nơi mà Nga đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa, hệ thống chống máy bay siêu hiện đại.

Nga trang bị cho Hạm đội Baltic hệ thống tên lửa S-400
Nga trang bị cho Hạm đội Baltic hệ thống tên lửa S-400

Theo Chiến lược Quốc phòng Thụy Điển, các lực lượng vũ trang nhà nước là một khối thống nhất, vì thế sẽ rất khó khăn trong việc điều động một tiểu đoàn chiến đấu đến các nước Baltic.

Một vấn đề khó khăn khác nữa là lực lượng quân sự của Thụy Điển tại đảo Gotland rất mỏng yếu.

Neretnieks cho rằng Thụy Điển cần phải chuẩn bị đầy đủ trong trường hợp cần thiết phải gửi một tiểu đoàn chiến đấu đến Baltic, đồng thời cũng phải thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận quân sự với các quốc gia thành viên NATO.

Kịch bản thứ ba – còn gọi là "Kịch bản Georgia" khi mà NATO phải đáp trả các cuộc tấn công của Nga được triển khai tại các nước Baltic. "Nếu toàn bộ lãnh thổ của các quốc gia Baltic bị Nga chiếm đóng, có khả năng Nga sẽ “sử dụng hạt nhân” để ngăn chặn các cuộc tấn công chống lại mình ", - báo cáo cho biết.

Các chuyên gia chỉ ra, nếu xảy ra cuộc "xâm lược" của Nga trước khi NATO hiện diện tại các quốc gia Baltic thì nhiều khả năng Liên bang Nga sẽ chiếm đóng Latvia, Lithuania và Estonia trong một vài ngày.

Trong trường hợp này NATO sẽ ngay lập tức sẽ bắt đầu sử dụng không quân để chống lại Nga cũng như tấn các hệ thống phòng không của Nga trong khu vực.

Dự kiến, NATO và Hoa Kỳ sẽ thông báo cho Thụy Điển về việc sử dụng trực tiếp không phận nước này cho các hoạt động quân sự tại Baltic, đồng thời đề cập đến khả năng sẽ phải sử dụng tới các căn cứ không quân và hệ thống phòng không tại Thụy Điển.

Với sự phát triển của kịch bản này và theo Neretnieksa, Gotland đóng một vai trò quan trọng bởi vì cho đến nay Nga đã không để ý đến vị trí chiến lược của hòn đảo này.

Đảo Gotland có vị trí chiến lược
Đảo Gotland có vị trí chiến lược

Gotland là hòn đảo lớn nhất ở Biển Baltic. Với diện tích 3.140 km vuông bao gồm các đảo nhỏ Faro và Gotska Sandön về phía bắc, và một số đảo nhỏ, bao gồm cả quần đảo Karlsö về phía tây.

Tuy nhiên, như trên đã nói, hiện tại lực lượng phòng vệ tại Gotland là rất mỏng yếu. Do đó, Thụy Điển và Phần Lan phải kịp thời tăng cường các lực lượng vũ trang quốc phòng tại đây để chống lại các cuộc không kích của Nga vào Gotland. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa Không quân các nước Hoa Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan.

Kết luận báo cáo, Karlis Neretnieks chỉ ra rằng, tất cả các kịch bản, Thụy Điển có thể tham gia vào việc bảo vệ các nước Baltic trong một số trường hợp nhất định, tuy nhiên cũng hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tham gia trực tiếp của các lực lượng vũ trang Thụy Điển vào chiến sự.

Trịnh Xuân Tuân (Theo VZ)