Sẽ chuyển sang chế độ cho vay với đối tượng du học bằng NSNN

11/12/2011 06:00
Xuân Trung
(GDVN) - Theo đó, phương án sẽ là thay vì cấp học bổng sẽ chuyển sang cho vay đối với người đi học để đảm bảo họ quay về phục vụ đất nước.
Theo báo cáo Đề án 322 cho thấy, trong 10 năm đã có hơn 7.000 người được đi học theo ngân sách nhà nước (NSNN). Trong số này bao gồm diện đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, thực tập sinh, đại học, (trong đó có hơn 2.000 tiến sĩ, chiếm 49,41% và hơn 1.000  đi học thạc sĩ, chiếm 25,75%) bằng NSNN. 
Bộ GD&ĐT vừa tổng kết Đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài (Đề án 322), những số liệu trên cho thấy tỉ lệ đi học theo diện NSNN ngày một tăng, cụ thể, giai đoạn một từ 2000-2005 có 2.384 người đi học, giai đoạn hai (2006-210) có 4.745 người đi học theo diện NSNN.
Số học viên trên chủ yếu học tập trên 150 trường đại học, cao đẳng của Hoa Kỳ, Anh, Canada, Đức, Pháp, Liên bang Nga, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong số các cơ sở đào tạo có người đi học có 10 đại học và trường đại học đã gửi trên 100 cán bộ đi học theo đề án, các trường gồm: ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (257 tiến sĩ  trên tổng số 365 người), ĐH Quốc  gia Hà Nội (115 tiến sĩ trên 224 người), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (89 tiến sĩ trên 214 người)…
Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết Đề án 322 cho rằng, nên có sự ràng buộc về kinh phí để đảm bảo người đi học quay về nước làm việc sau khi học xong. Ảnh minh họa Internet
Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết Đề án 322 cho rằng, nên có sự ràng buộc về kinh phí để đảm bảo người đi học quay về nước làm việc sau khi học xong. Ảnh minh họa Internet
Bộ GD&ĐT cho biết, trong thời gian thực hiện Đề án 322 (2000-2010) đã có hơn 3.000 lưu học sinh tốt nghiệp về nước, gồm 1.074 tiến sĩ, 984 thạc sĩ 233 thực tập sinh và 726 sinh viên đại học. Lưu học sinh hoàn thành kế hoạch học tập và về nước chiếm 95%, đại đa số tốt nghiệp đã trở về cơ quan cũ công tác. Tuy nhiên, theo đánh giá, còn một số tốt nghiệp đã ở lại làm việc hoặc cống hiến luôn ở nước ngoài, điều đó gây lãng phí và “thất thoát” chất xám khá lớn.
Trước thực trạng trên, nhiều đại biểu dự buổi tổng kết đề án cho rằng, cần có một ràng buộc nào đó trước khi đi học ở nước ngoài để người đi học đảm bảo quay về phục vụ đất nước sau khi đã học xong.  
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đánh giá cao đội ngũ cán bộ đi học, theo ông những cán bộ được gửi đi học khi về đều được bố trí làm nghiên cứu khoa học, đội ngũ được đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước có vai trò rất lớn trong việc phát triển chất lượng giáo dục nước nhà. 
Qua đây, ông Nghĩa cũng đề xuất với nhà nước rằng, ở một số nước chi tiêu đắt đỏ, nhà nước nên tăng hỗ trợ để sinh viên sống tốt hơn. Ông cũng cho rằng, phạm vi du học theo đề án 322 nên mở rộng đối tác các ngành xã hội, nhân văn, khí hậu, kinh tế biển.
Cùng quan điểm với nhiều đại biểu tham  dự cuộc tổng kết Đề án 322, ông Trần Trung, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên nêu ý kiến, “Bộ nên chuyển từ cấp học bổng du học sang cho vay học bổng có sự bảo lãnh của gia đình. Người học chỉ được xóa nợ khi về cơ quan cũ công tác 2-3 lần thời gian đi học và việc xóa nợ cũng được thực hiện dần dần”.
Cũng trong buổi tổng kết này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến về việc “thất thoát” chất xám: "Không có lưới nào có thể kéo người học về được ngoài nhận thức, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của họ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Theo Phó thủ tướng, trong 10 năm, có hơn 7.000 người được đào tạo ở nước ngoài, trong đó 95% về nước đúng hạn, 2% hoàn thành và tiếp tục bậc học cao hơn, 2% về chậm hoặc chưa hoàn thành, 1% không về là con số đáng mừng. 
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu xã hội chúng ta tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, trong đó nòng cốt là lực lượng cán bộ đi học nước ngoài. Phó Thủ tướng xác định, Đề án 322 sẽ kết thúc vào 2014, 2015 và yêu cầu Bộ Giáo dục, Cục đào tạo với nước ngoài xây dựng một đề án mới, tiếp tục cử người đi học ở nước ngoài. Đề án mới phải hoàn thành vào tháng 2/2012. 
Xuân Trung