Cô giáo tiểu học giúi đầu học sinh xuống bàn làm gãy răng cửa bé trai, cô giáo lớp 10 dùng cán chổi đánh 20 học sinh bầm tím mông, thầy giáo tiểu học dùng thước to đánh 7 học sinh bầm mông, là những hình ảnh xấu của ngành giáo dục thời gian qua.
Khiển trách hay cho nghỉ dạy?
Nhiều phụ huynh thắc mắc, không biết các thầy cô giáo có đọc báo về những vụ việc giáo viên đánh học sinh hay, sau mỗi vụ việc các hiệu trưởng có nhắc nhở bài học cho các giáo viên về việc trừng phạt HS không mà các vụ thầy đánh trò cứ liên tục tiếp diễn.
Cháu Long cho biết, răng của cháu bị gãy là do cô Liên dập đầu trúng bàn |
Vụ cô giáo Võ Thị Thiện Tâm, trường THPT Hóa Châu ở Huế đánh học trò từ 10 đến 20 roi "cán chổi" đến mỏi tay, phải nhờ lớp trưởng đánh hộ hồi giữa tháng 11 chưa kịp lắng xuống, thì đầu tháng 12 lại xảy ra vụ thầy giáo dạy thể dục của trường tiểu học ở Bình Phước dùng thước gỗ đánh 30 roi vào mông 7 em học sinh bé nhỏ.
Cách đây hai ngày, cô giáo Nguyễn Ngọc Thúy Liên, giáo viên biên chế nhưng ở dạng dự khuyết của Trường tiểu học Bông Sao (Q.8, TP.HCM) đã phạt em N.L.H.L lớp 2 úp mặt xuống bàn vì nói chuyện trong giờ học. Trong lúc úp mặt, vì khó chịu nên cháu hé mắt, ngẩng lên, cô giúi đầu xuống làm răng cửa cháu va vào cạnh bàn và gãy.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, cô Tr., cô ruột của em N.L.H.L cho hay, sở dĩ gia đình đưa câu chuyện này lên báo là để cảnh tỉnh các thầy cô giáo khác trong việc cư xử với HS. "Chúng tôi không muốn làm lớn chuyện vì trường Bông Sao là một trường tốt, sau vụ việc, nhà trường đã kịp thời xử lý vụ việc khiến gia đình hài lòng, không giấu giếm và bao che cho cô giáo, cô giáo cũng đã xin lỗi gia đình, tuy nhiên, giá như ngày hôm xảy ra vụ việc, cô gọi điện cho gia đình thì tốt hơn. Thật may là cháu chưa thay răng sữa, nên chiếc răng bị gãy vẫn có thể mọc lại, nếu không ảnh hưởng đến cháu cả đời", cô Tr. nói.
Điều đáng nói là vụ việc cô giáo ở Huế đánh học trò bằng cán chổi, thầy giáo ở Bình Phước đánh học sinh bầm tím mông, gây ảnh hưởng đến tâm lý học sinh trong một thời gian khá lâu thì chỉ bị khiển trách, cảnh cáo trước hội đồng trường. Trong khi đó, bà Trà Thị Kiều Loan, Hiệu trưởng trường tiểu học Bông Sao cho biết, nhà trường sẽ đình chỉ công tác của giáo viên Nguyễn Ngọc Thúy Liên.
Vi phạm Công ước quốc tế về quyền trẻ em?
Nếu tra cụm từ "đánh học sinh", "thầy đánh trò", "cô đánh trò" trên mạng Internet sẽ cho ra hàng trăm trường hợp về bạo lực mà thầy cô vẫn sử dụng trong nhà trường.
Trên nhiều diễn đàn, có những bậc phụ huynh vẫn cổ xuý cho việc trừng phạt HS như đánh vào tay, mông, cho rằng HS ngày nay bướng bỉnh, thầy cô cũng cần phải trị bằng roi vọt. Ngay bản thân cô Võ Thị Thiện Tâm cũng cho biết trên báo chí: "Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, tôi đã xin phép phụ huynh sẽ dùng bạo lực nếu các em vi phạm, phụ huynh cũng đã đồng ý". “Tôi nhận tôi sai và đồng ý với phụ huynh là đã sai khi đánh học sinh. Nhưng tôi cũng chỉ muốn tốt cho các em. Còn bây giờ nếu phụ huynh cảm thấy không được thì tùy”.
Cô ruột của em N.L.H.L chia sẻ: Lâu nay cũng đọc nhiều bài về thầy cô giáo đánh trò, nhưng cho đến khi điều này xảy ra với chính con cháu nhà mình thì tôi thấy không thể chấp nhận được việc dùng hình phạt ảnh hưởng đến thân thể của trẻ.
HS Trường tiểu học Phước Sơn (Bình Phước) bị thầy giáo thể dục dùng cây thước gỗ (chiều dài 75 cm, rộng khoảng 4 cm, dày 2 cm) đánh liên tiếp vào mông các em. Ảnh gia đình cung cấp. |
Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã phổ biến lâu nay, nhưng tại sao nó vẫn chưa thực sự thấm sâu vào mỗi trường học, phải chăng xuất phát từ việc "thương cho roi vọt" là đúng đắn?
Theo công ước này, những người dưới 18 tuổi được gọi là trẻ em, như vậy, cho dù là học sinh lớn bị đánh, thì đó vẫn là những trẻ em- đối tượng chưa biết tự bảo vệ bản thân mình.
Bà Đinh Kim Phượng, hiệu trưởng trường tiểu học Chính Nghĩa, người vừa được Sở GD-ĐT TP.HCM cử đi học ở Thuỵ Điển một tháng về Quyền trẻ em để về xây dựng mô hình trường học thân thiện cho biết:
"Bây giờ đã tới lúc chúng ta thậm chí không nên dùng những lời lẽ nặng nề, mắng mỏ, xúc phạm về tinh thần đối với trẻ em chứ đừng nói đến xâm phạm thân thể trẻ. Mỗi người cán bộ quản lý cũng phải giúp đỡ để giảm áp lực cho giáo viên, giúp họ không bị căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, biết dùng những lời động viên, khích lệ, quan tâm đến đời sống của họ. Có lẽ những người đánh học trò chủ yếu do tính cách và đời sống cá nhân ảnh hưởng chứ không phải do công việc áp lực ở trường".
Điều 19, Công ước quốc tế về quyền trẻ em:
Các Quốc gia thành viên phải thực hiện mọi biện pháp pháp chế, hành chính, xã hội và giáo dục thích hợp để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực về thể xác hoặc tinh thần, gây tổn thương hay xúc phạm, bỏ mặc hoặc xao nhãng trong việc chăm sóc, ngược đãi hoặc bóc lột, kể cả sự xâm phạm về tình dục, trong khi trẻ em vẫn nằm trong vòng chăm sóc của cha hay mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ, một hay nhiều người giám hộ pháp lý, hoặc của bất kỳ người nào khác được giao việc chăm sóc trẻ em.