Hàng chục tỷ từ V-League 2011 đã chảy vào túi ai?

14/12/2011 07:12
Nhật Thành (Báo Thể thao 24h)
Mùa giải 2011 đã qua đi song riêng chuyện tiền nong lại khiến người ta đặt dấu hỏi. Tính ra, có tới hàng chục tỷ đồng không biết chảy vào túi ai.

Những khoản tiền tỷ… mất hút

Theo báo cáo quyết toán tài chính giải V.League 2011 thì tổng thu của mùa giải là 34 tỷ đồng chẵn. Thứ nhất là từ khoản tiền tài trợ 30 từ Eximbank. Thứ hai là khoản đóng niên liễm của 14 CLB, lên tới 7 tỷ (500 triệu/1 CLB). Nghĩa là 37 tỷ, tuy nhiên, VFF và BTC giải phải nộp thuế 10% cho khoản hợp đồng với Eximbank nên thực tế chỉ nhận được là 27 tỷ, cộng vào 34 tỷ tròn.
3 tỷ tiền tài trợ biến đâu mất tiêu? Ảnh: Vũ Ngọc
3 tỷ tiền tài trợ biến đâu mất tiêu? Ảnh: Vũ Ngọc

Câu hỏi đặt ra là tại sao trong quyết toán thu chi, chỉ có từng ấy khoản chi mà ai cũng biết là còn ít nhất hai khoản khác rất “nặng đô”. Đó là khoản tiền bản quyền truyền hình từ AVG và khoản tiền phạt các loại.

Từ mùa giải 2011, AVG thâu tóm bản quyền truyền hình trong một hợp đồng kéo dài tới 30 năm với giá 6 tỷ/năm (lũy tiến 10% mỗi năm). Năm 2011, AVG chưa có hạ tầng phát sóng nên vẫn miễn phí cho các đài nhưng tiền, đương nhiên phải nộp.

Vậy mà một khoản thu lớn như vậy đã không được đưa vào bản quyết toán, thế thì nó chạy đi đâu?

Còn khoản thứ hai, không nhỏ đó là khoản tiền phạt. Một con số thống kê nho nhỏ cho thấy, V.League 2011 có gần 800 thẻ vàng, 63 thẻ đỏ. Riêng khoản thu từ “thẻ” cũng rất đáng kể khi mức thu được đưa ra là 1 triệu đồng/thẻ vàng, 3 triệu/thẻ đỏ và 5 triệu đồng/ thẻ đỏ trực tiếp thì khoản thu này cũng lên tới vài tỷ. Thế nhưng nó không nằm trong bất cứ khoản thống kê nào.

Chưa kể các khoản tiền phạt sân theo các quyết định của Ban Kỷ luật lên đến hơn 300 triệu.

Nó chạy đi đâu mà không được tính là khoản thu?

Những khoản chi “ trời ơi”

Cũng theo bản quyết toán về V.League 2011 mà VFF đưa ra, khoản thu là 34 tỷ, nhưng tổng chi là 23,69 tỷ, chênh lệch, hay còn gọi là lãi ròng lên tới hơn 10 tỷ.

Thực tế số lãi còn cao hơn nhiều nếu BTC và VFF không đưa vào danh mục những khoản chi rất “trời ơi đất hỡi”.

Một khoản chi khiến người ta tò mò là “thực hiện quyền lợi của nhà tài trợ” được tính là 3 tỷ đồng, tương đương 10% không rõ thực hiện quyền lợi là thực hiện cái gì, phải chăng là tiền làm bảng biển? Không phải, nó hoàn toàn là “khoản hoa hồng” mà VFF phải chi trả, chưa biết vào túi ai nhưng rõ ràng nó kéo theo một thực tế là dù VFF ký một hợp đồng lên tới 30 tỷ nhưng sau khi trừ thuế 10%, trừ tiền hoa hồng cắt phế, con số thực nhận chỉ là 24 tỷ.

Chưa hết, khoản chi khá trời ơi mà cũng rất lớn nữa đó là khoản tiền “chi phí cho hoạt động truyền thông” với mục các chương trình đồng hành cùng V.League 2011 lên tới 3,7 tỷ.

Thật khó giải thích về cái gọi là chương trình đồng hành này, nó thực hiện khi nào, nhưng nếu nó là khoản tiền để quảng bá hình ảnh V.L eague 2011 trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền hình thì rất ảo.

Hầu hết báo chí và cả truyền hình không ai nhìn thấy cái gọi là hợp đồng bảo trợ thông tin, nói cách khác lâu nay việc gọi đầy đủ họ tên giải đấu là Eximbank V.League từ trước tới nay là… không công.

Làm thế nào mà BTC giải ngân cho hết khoản 3,7 tỷ kia? Nó lại là những dấu hỏi lớn.

Để hợp thức hóa và vẽ cho bản quyết toán thêm mùi mẫn, nhiều người không khỏi cười thầm khi có cả mục “kiểm tra doping” tiêu tốn 100 triệu (chính xác là 113,5 triệu) trong khi cả mùa giải chưa thấy bất kỳ cầu thủ nào phải kiểm tra doping, tất nhiên cũng không phát hiện được ai dính doping.

Những chi phí trời ơi một cách vô lý nữa là tiền điện thoại di động cho thành viên BTC lên tới 80 triệu và đặc biệt khoản điện thoại cố định cho cả mùa giải cũng ngốn 50 triệu đồng. Với khoản tiền điện thoại được bao cấp nhưng không phải lúc nào cũng liên lạc được với các thành viên BTC vì “ngoài vùng phủ sóng”.

Mặc dù BTC V.League và VFF đã “vẽ” ra một bản thu chi khá chi tiết nhưng nếu nhìn sâu vào nó vẫn là những câu hỏi lớn: những khoản tiền thực sự chảy ngầm đã vào túi ai?
Nhật Thành (Báo Thể thao 24h)