Một vài năm trở lại đây, các gian hàng online mở ra trên những website như Lamchame, Muare, Vatgia… như nấm sau mưa, bày bán đủ mọi mặt hàng, đủ mọi tầm giá và thỏa mãn kể cả những nhu cầu hẹp nhất của các Thượng đế.
Không cần mặt tiền vẫn làm ăn tốt
“Trước đây, không nhiều khách hàng biết tới phim HD 1080. Nhưng sau khi online, dù cửa hàng của tôi ở một góc khuất trong ngõ nhưng khách hàng vẫn biết để tìm đến”, anh Vinh chia sẻ. Do đó, dù hiện tại đã có điều kiện mở cửa hàng ở những khu trung tâm nhưng anh Vinh vẫn quyết định là sẽ chỉ kinh doanh theo hình thức trực tuyến.
Đầu tư 500 nghìn, thu về 300 triệu/tháng
Suy nghĩ chung của nhiều người là những ai tìm đến bán hàng trực tuyến thường là kinh doanh “cò con”, ít vốn, ít lãi. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Ông Nguyễn Ngọc Giang, Giám đốc Công ty Thắng Nây chuyên kinh doanh đồ điện gia dụng trên một website về rao vặt cho biết, sau 2 năm hoạt động, doanh thu đã tăng tới 1000% nhờ vào hoạt động bán hàng trực tuyến.
“Năm 2008, tôi đã thử tạo một website riêng cho công ty nhưng không đạt hiệu quả. Doanh thu chỉ dao động ở mức 30 triệu đồng/tháng dù tôi đã thử nhiều cách để phát triển kênh bán hàng này. Theo tư vấn của bạn bè, tôi đã quyết định mở thử gian hàng trên một sàn B2C để có cơ hội nhiều người biết hơn. Hiện tại, doanh thu của chúng tôi ổn định ở mức 300 triệu/tháng”, ông Giang chia sẻ.
Theo ông, Bí quyết thành công là giá cả phải hợp lý vì trên mạng, người dùng rất dễ dàng kiểm tra, đối chiếu giá cả. Mặt hàng phải phong phú để cạnh tranh với các shop trên phố và cuối cùng, chủ gian hàng hay người tư vấn của gian hàng phải luôn tương tác với khách hàng một cách tận tình.
Có thể khẳng đinh việc kinh doanh qua mạng không đòi hỏi số vốn lớn hay đầu tư nhiều công sức và thời gian. Do đó, rất nhiều gian hàng do các bạn học sinh, sinh viên chung vốn lập ra, cũng như những gian hàng do các bà mẹ trong thời gian nghỉ sinh tranh thủ kiếm thêm, đã xuất hiện trên mạng.
Chị Thúy Hạnh, chủ gian hàng The Maternity và Baby Shop (TP.HCM) cho biết, chị từng mở cửa hàng trên phố được gần 1 năm nhưng hàng bán khá chậm. Đã có lúc chị nản lòng tới mức định sang lại shop cho người khác. “Một người bạn mách tôi mở shop trên mạng, nhưng ban đầu tôi từ chối với lý do không có tiền, cũng không đủ thời gian, nhân lực để theo đuổi. Nhưng cuối cùng, khi ở tình thế không còn gì để mất, tôi đã mạo hiểm số tiền còn lại và mở một gian hàng online”. Trước sự bất ngờ của chị Hạnh, số lượng khách đặt mua đồ qua mạng khá nhiều, công việc kinh doanh cũng dần khởi sắc.
Hiện tại, nhiều website cho phép người dùng mở shop hoàn toàn miễn phí, hoặc nếu có mất phí thì đổi lại, chủ shop sẽ được hưởng nhiều dịch vụ hỗ trợ cao cấp. Việc đăng ký cũng rất đơn giản, còn người dùng lại không phải lo về việc thiết kế website, mua và giữ tên miền, bảo trì máy chủ…
Tuy nhiên, với việc có quá nhiều gian hàng cùng mở ra tại một thời điểm và kinh doanh những mặt hàng tương tự nhau, sự cạnh tranh trên thị trường cũng ngày một gay gắt hơn. Một số doanh nghiệp than phiền về việc họ bị phá giá hoặc sử dụng trái phép hình ảnh thương hiệu của mình. Ngoài ra, cũng giống như các cửa hàng trên phố, một gian hàng online sẽ khó “sống” được nếu không có nét riêng để người dùng ghi nhớ. Đó có thể là các mặt hàng độc, là sự đa dạng về hàng hóa, là ưu thế về giá nhưng cũng có thể là ở các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, hậu mãi và bảo hành dành cho khách.