Gã thợ bạc đâm thủng tim bị hại để khẳng định là “có số má”

16/12/2011 07:48
Hồng Cơ
(GDVN) - Mẹ của bị hại đề nghị tòa phúc thẩm phạt tử hình bị cáo.
Bởi hành vi giết người quá man rợ, mặc dù mâu thuẫn không liên quan đến mình, nhưng bị cáo đã lạnh lùng đâm chết bị hại. Sau khi phạm tội “trộm cắp tài sản”, Trần Minh Cảnh lại giết chết một người để khẳng định mình là kẻ có “số má”. 

Giết người vì cái…bạt tai  

 Tòa phúc thẩm, TANDTC tại TP.Hồ Chí Minh vừa xét xử Trần Minh Cảnh (23 tuổi, ngụ thị xã Bình Long - Bình Phước) và Trần Minh Phong (19 tuổi, ngụ huyện Hớn Quản - Bình Phước) về tội “giết người”. Tại tòa, Cảnh khai, Khoảng 10h ngày 16/9/2009, Lê Đình Thức (29 tuổi, ngụ TX. Bình Long chơi Bida tại quán của bà Nga (xã Tân Lợi - Hớn Quản) thì Trần Minh Phong (em họ Cảnh) cũng vào chơi. 

Các bị cáo trước vành móng ngựa
Các bị cáo trước vành móng ngựa

Thấy Phong còn trẻ nên anh Thức khuyên đừng la cà quán xá. Nhưng Phong không nghe mà cãi lại nên bị anh Thức tát cho một cái. Phong “ôm hận” bỏ đi tìm Cảnh nhờ “nói chuyện” với anh Thức. Nghe Phong kể, Cảnh “lệnh” Phong lấy xe gắn máy chở đi tìm Thức để “tính chuyện”. Trên đường đi Phong nhặt được con dao Thái Lan bèn cất vào túi quần.

Tìm một lúc, Cảnh, Phong gặp anh Thức uống nước tại quán Đồng Dao (TX. Bình Long). Phong đứng ngoài để Cảnh vào gặp Thức. Vừa gặp nhau Cảnh liền hỏi, “Sao Thức đánh Phong?”. Anh Thức trả lời, “Em mày hỗn nên tao đánh!”, khi Cảnh đang đôi co với Thức thì Phong cầm dao bước tới. Tên Cảnh liền giật con dao từ tay Phong xông vào đâm một nhát xuyên tim anh Thức rồi bỏ chạy.

Không có lửa thì …tử hình rồi

Cũng như Cảnh, Phong luôn cúi mặt không dám nhìn Hội đồng xét xử (HĐXX), bởi Phong biết hành vi đồng phạm giết người của mình là quá sai trái. Mức án 7 năm tù mà tòa sơ thẩm phạt Phong là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, gã thợ bạc là trẻ vị thành niên này vẫn khẩn khoản xin HĐXX khoan hồng cho mình.

Ngược với lời khẩn cầu xin giảm án của bị cáo. Bà L (mẹ của Thức) đề nghị HĐXX tăng mức phạt đối với Cảnh và Phong. Người mẹ khổ đau này cho rằng: “Cảnh không mâu thuẫn với Thức, nhưng đã lạnh lùng đâm chết Thức vì muốn làm đại ca giang hồ, nên không thể giảm án!”

Nghe người mẹ bất hạnh đề nghị tăng mức án lên đến tử hình, hai bị cáo khẽ rùng mình rồi cúi mặt thở dài. Có lẽ, khi đối diện với mức án tử hình. Cảnh, Phong mới cảm nhận được tính mạng con người là vô giá. Điều này được chứng minh khi mẹ của bị hại không đồng ý nhận tiền bồi thường để ký giấy xin giảm án cho bị cáo. 

Trong phần bào chữa, vị luật sư cho rằng: “Hai bị cáo còn khả năng cải tạo được, nhất là Phong khi phạm tội mới hơn 17 tuổi. Hơn nữa, không có lửa thì làm sao có khói!. Mẫu thuẫn phát sinh từ việc anh Thức tát Phong mà ra nên đề nghị giảm án cho bị cáo!” 

Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát (VKS) tại tòa vẫn giữ quan điểm, “Không chấp nhận giảm hình phạt bởi hành vi giết người của Cảnh quá tàn nhẫn, cố ý đâm thủng tim bị hại”. 

VKS cũng bác quan điểm, “Không có lửa làm sao có khói!” và khẳng định, “Nếu vụ án này có khói mà không có lửa thì Cảnh đã phải lãnh án tử hình!”. Nghe VKS phát biểu, nhiều người cùng ồ lên bày tỏ sự đồng tình. Bà M (người dự phiên tòa) nói, “Không thể giảm án cho kẻ giết người tàn nhẫn như Cảnh!”. 

Có mặt tại tòa, chị Th (vợ Thức) chỉ biết khóc vì đau khổ mất đi người chồng thương yêu. Ngồi gần mẹ chồng, chị Th luôn vòng tay ôm lấy mẹ để xoa dịu nỗi đau cho bà L. Bởi mỗi lần hành vi giết người của Cảnh được nhắc lại là người mẹ bị “sốc”, vì căm giận kẻ sát nhân. 

“Gửi” tuổi xuân trong lao tù    

Cấp phúc thẩm nhận định: Cảnh trước đó đã phạm tội, “Trộm cắp tài sản”, nhưng không biết tu tỉnh mà lại cầm dao giết người. Do đó, cần xử phạt thật nghiêm để làm gương cho kẻ khác có ý định phạm tội. Tuy Cảnh ra đầu thú sau khi gây án, nhưng do Cảnh biết không thể trốn tránh pháp luật nên mới đầu thú, do đó không được giảm nhẹ mức án.

Từ nhận định trên, Tòa phúc thẩm, TANDTC tại TP.HCM đã y án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước. Tuyên phạt Trần Minh Cảnh, tù chung thân về tội “giết người”. Trần Minh Phong phải nhận 7 năm tù cùng về tội trên. Hai bị cáo phải bồi thường hàng chục triệu đồng cho gia đình bị hại.

Kết thúc phiên xử, Cảnh – Phong lê bước dời phòng xử không một lời than vãn. Mặc cho người thân của mình lẽo đẽo theo sau với những giọt nước mắt tiếc nuối cho gã thợ bạc có tương lai như Cảnh, nay phải “cả đời bóc lịch” trong chốn lao tù. Đang bước đi, bỗng Cảnh quay lại nhìn người thân rồi “buông” lời nhắn nhủ, “Chăm sóc đứa con duy nhất của Cảnh cho tốt nhé!”. Rồi bước vô xe chở phạm nhân về trại giam trong sự tủi nhục ê chề… 
Hồng Cơ