Cùng ngẫm "Triết lý Giáo dục" với GS Phạm Minh Hạc

19/12/2011 08:59
Xuân Trung
(GDVN) - Trong nội dung cuốn sách của mình, GS Hạc viết rất rõ những quan điểm triết lý khác nhau từ các nhà triết học lừng danh các thời cổ đại, phục hưng, cận đại…
Nhưng hơn hết, không chỉ đây là vấn đề được nhiều người quan tâm ông mới chuyên tâm nghiên cứu về Triết lý GD, cách đây khoảng hơn 30 năm trong đầu ông đã nung nấu vấn đề này. Và, chỉ cách đây hơn 6 tháng ông đã bắt đầu đặt nét bút đầu tiên để “soạn” ra những trang triết lý được in thành cuốc sách “Triết lý Giáo dục Việt Nam và Thế giới”.

Ông khiêm tốn rằng, những gì ông viết ra đây chỉ là những trang ghi chép lại quá trình ông nghiên cứu và tìm tòi trong thời gian đi học nước ngoài và công tác trong ngành giáo dục, nhưng khi đọc xong cuốn sách chúng ta sẽ có một cảm nhận hơn thế.

Vinh dự lớn hơn, ông bảo, mặc dù đã viết rất nhiều sách về Giáo dục nhưng đây là cuốn sách tâm huyết nhất từ trước tới nay, càng ý nghĩa hơn khi cuốn sách được NXB Giáo dục in thành sách đúng 50 năm ngày thành lập Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (6/12/1961 – 6/12/2011, nơi ông từng giữ Viện trưởng). 

Một công trình mang “tầm” thực tiễn.

GS Phạm Minh Hạc xúc động lắm, xúc động vì đã hoàn thành một công trình để đời, để có tài liệu cho mọi người thảo luận và hơn hết là có được cái “tầm” của một khía cạnh triết lý giáo dục nước nhà. GS nói như đinh đóng cột với tôi rằng: “Tôi còn sống thì chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng  một triết lý cho nền giáo dục nước nhà trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế”.
GS Phạm Minh Hạc đã nung nấu ý tưởng cho ra đời một quan điểm Triết lý giáo dục cách đây đã hơn 30 năm trước. Ảnh Xuân Trung
GS Phạm Minh Hạc đã nung nấu ý tưởng cho ra đời một quan điểm Triết lý giáo dục cách đây đã hơn 30 năm trước. Ảnh Xuân Trung
Đọc “Triết lý Giáo dục Việt Nam và Thế giới” chúng ta mường tượng được một triết lý rõ ràng áp dụng vào điều kiện và hoàn cảnh thực tại để định hướng cho sự phát triển nền giáo dục nước nhà.

Cuốn sách có 16 chương với 300 trang, càng thông tỏ hơn về triết lý cổ điển của các nhà tư tưởng lỗi lạc ở Việt Nam như Chu Văn An, Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn cho đến Nguyễn Trường Tộ và thời hiện đại như Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, từ góc nhìn này có thể tham khảo và hiểu rõ hơn các triết lý xây dựng nền giáo dục, con người của những nhà triết gia lỗi lạc trên Thế giới như Khổng Tử, Sôcơrat, Platon, Aristot, Các Mác, đặc biệt triết lý giáo dục của Albert Einstein.
Đề cập tới vấn đề Triết lý giáo dục Việt Nam, GS Phạm Minh Hạc cho rằng, có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cơ bản được thâu tóm ở bốn  dạng: Giáo dục nước nhà thiếu hẳn một triết lý. Nước ta có triết lý giáo dục nhưng sai, không phù hợp với thực tế. Chúng ta có minh  triết giáo dục, đã được vận dụng vào hoàn cảnh nước ta và mọi người cảm nhận được. Sau cách mạng chúng ta có một triết lý giáo dục hệ thống.

GS Hạc cũng chỉ ra,  lâu nay ở nước ta không dùng thuật ngữ “Triết lý giáo dục” hay “Triết học  giáo dục”, điều đó không có nghĩa là sự nghiệp giáo dục không có cơ sở tư tưởng hay không có lý luận chỉ đạo.
Trong cuốn sách “Triết lý giáo dục Việt Nam và Thế giới” GS Phạm Minh Hạc dành hẳn 12 trang viết để xác định mối tương quan giữa Triết học và Triết lý giáo dục, GS Hạc cho rằng Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử chính là cơ sở phương pháp luận để nghiên cứu Triết lý giáo dục Việt Nam. 
Trong nội dung cuốn sách, GS Hạc viết rất rõ những quan điểm triết lý khác nhau từ các nhà triết học lừng danh các thời cổ đại, phục hưng, cận đại…

Chẳng hạn, trong triết lý giáo dục thời cổ đại của Socrates, GS Hạc cho rằng: “Đó là triết lý giáo dục nhân văn và dân chủ thời bấy giờ, việc giáo dục đặt dấu nhấn quan trọng nhất vào con người và để tự con người đi đến chân lý, nhất là sự hiểu ra bản thân mình”.
Ở Việt Nam, GS Hạc đánh giá cao triết lý giáo dục của Chu Văn An: “Phàm học thành đạt cho mình là để thành đạt cho người, công đức tới đâu, ân huệ để lại cho đời sau đến đấy đều là phận sự của nhà nho chúng ta” GS Hạc dẫn lời Chu Văn An dạy. 

Triết lý giáo dục “Giá trị bản thân”

Ở chương cuối cùng, từ những nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm và kiến thức qua các thời kỳ ông học và làm việc, GS Phạm Minh Hạc đề xuất một phương án mới trong tầm nhìn Triết lý giáo dục, đó là “Giá trị bản thân”.
Cuốn sách "Triết lý Giáo dục Việt Nam và Thế Giới" được GS Hạc viết liền mạch trong 6 tháng, không nghỉ. GS Hạc tiết lộ, viết cuốn sách này ông không nháp, không cần dàn ý mà cứ viết, cứ viết. Ảnh Xuân Trung
Cuốn sách "Triết lý Giáo dục Việt Nam và Thế Giới" được GS Hạc viết liền mạch trong 6 tháng, không nghỉ. GS Hạc tiết lộ, viết cuốn sách này ông không nháp, không cần dàn ý mà cứ viết, cứ viết. Ảnh Xuân Trung
Theo GS Hạc, các hoạt động của con người đều nằm trong trường (vùng tác động) giá trị (cả lợi ích). Giáo dục là một hoạt động xã hội cũng vận động trong trường đó. Cùng với tính bao quát của giá trị, các nước trên thế giới cũng đưa ra những khẩu hiệu khác nhau về giá trị.

Trung Quốc đưa ra khẩu hiệu “Thế vận hội của các giá trị nhân văn”. Nước Nga có “hiện đại hóa đất nước dựa trên giá trị và thể chế dân chủ”. Nước ta trong hoạt động ngoại giao có đưa ra chính sách “ngoại giao giá trị quan”, “Liên minh giá trị quan” để xác định  mục tiêu ứng dụng.
Từ những giá trị trong giá trị học, GS Hạc có quan điểm: Giá trị trong khoa học giá trị là cái quy định mục đích của hoạt động và là động cơ thúc đẩy hoạt động của con người, cộng đồng, dân tộc…nhằm đạt được mục đích đó. 
Tác giả Phạm Minh Hạc trong cuốn “Triết lý Giáo dục Việt Nam” cũng cho rằng: Chân, Thiện, Mỹ đó là ba giá trị phổ quát nhất cho giá trị bản thân.

Theo ông, từ Cổ đại tính người, tình người đã được khái quát thành ba phẩm hạnh chung của loài người: Chân, Thiện, Mỹ. Cho đến nay vẫn là ba giá trị phổ quát lý tưởng của nhân loại, có mặt trong hầu hết các hệ giá trị của cả loài người, từng dân tộc, đến cộng đồng, cũng như từng con người, lâu nay luôn phải vật lộn với thật và giả, thiện và ác, đẹp và xấu, và tồn tại, phát triển tiến lên được từ cái thật , cái tốt, cái đẹp, vừa là sản phẩm vừa là đối tượng của trí tuệ và tình cảm của loài người. 
Giá trị bản thân tích cực, ít nhiều, nông sâu, thi thoảng hay thường trực, đều có chiều hướng phấn đấu vươn tới ba giá trị phổ quát của loài người. GS Hạc cho biết, muốn gì thì muốn, tinh thần lao động là giá trị gốc: “Lao động là giá trị gốc tạo nên các giá trị khác của bản thân con người cũng như của cộng đồng, xã hội. Con người sống chân chính thì phải lao động, muốn tồn tại đúng nghĩa thì phải có lao động, lao động là một điều kiện tối thiểu để thành người chân chính, mãi mãi đi theo cuộc sống con người và loài người”.
Còn rất nhiều luận điểm, đường lối, tư tưởng, chính sách phát triển giáo dục – đào tạo được chứa đựng trong cuốn “Triết lý giáo dục Việt Nam” sẽ giúp ích cho những người làm giáo dục, các thầy cô giáo và sinh viên sư phạm trong tương lai. 
“Để xứng đáng là dân tộc thông thái, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, xây dựng nền giáo dục nhân văn và công nghệ, thực học, thực nghiệm, giúp mỗi người học hình thành, phát triển, phát huy giá trị bản thân – nhân cách đượm tính nhân văn và năng lực, thành người, làm người và ở đời, có tay nghề và lương tâm nghề, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
GS Phạm Minh Hạc
Xuân Trung