Đổi mới GD: Xã hội hóa học tập sẽ rút ngắn quá trình

19/12/2011 09:04
Xuân Trung
(GDVN) - Xã  hội hóa học tập và học tập suốt đời để chắt lọc ra những nguồn lực cho sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
Coi trọng nguồn nhân lực chất lượng cao
Trong những mục tiêu giáo dục của Đảng và Nhà nước thì nguồn nhân lực đóng vai trò và vị trí rất quan trọng. Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có nhấn mạnh: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách xã hội hóa giáo dục, đào tạo trên cả ba phương diện: động viên các nguồn lực trong xã hội, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời”.

Rõ ràng, yếu tố học tập suốt đời và xã hội hóa học tập không thể bỏ qua, xác định được mục tiêu này sẽ giúp từng người dân nâng cao kiến thức, lối sống và đáp ứng với nhu cầu (yêu cầu) xã hội hiện tại. Một trong những yêu cầu đó là đảm bản chất lượng nguồn nhân lực.
Theo đề xuất cần cải tiến, thay đổi phương pháp thi cử để lựa chọn được người tài, đồng thời tạo điều kiện cho người học phát huy khả năng và tính tư duy sáng tạo. Ảnh Xuân Trung
Theo đề xuất cần cải tiến, thay đổi phương pháp thi cử để lựa chọn được người tài, đồng thời tạo điều kiện cho người học phát huy khả năng và tính tư duy sáng tạo. Ảnh Xuân Trung
TS Đặng Quốc Thành (Học viện Kỹ thuật Quân sự) tâm sự rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao là những người có năng lực hoạt động trí tuệ, đây là yếu tố thiết yếu nhất. Năng lực của những người này được chủ yếu phát triển thông qua quá trình đào tạo ở các bậc học và đặc biệt là hoạt động thực tiễn nghề nghiệp chuyên môn. 
TS Thành cho biết, trong điều kiện cạnh tranh với thế giới bên ngoài, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao ngoài việc có được bản lĩnh chính trị vững, phải có ý thức dân tộc cao, có năng lực chuyên môn ngang hàng với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

“Tôi cho rằng, đào tạo được nguồn nhân lực cao này phải nâng cao giáo dục toàn diện, đổi mới cơ cấu, cơ chế quản lí đào tạo, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo và thực hiện được xã hội hóa đào tạo thì mới có chất lượng được” TS Thành chia sẻ. 
Theo TS Thành, để đóng góp vào việc đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ riêng các trường công lập hay nhà nước có thể làm được, mà còn cần tới quá trình đào tạo từ nguồn các trường ngoài công lập.

TS Thành thông tin, thực tế cho thấy, nguồn nhân lực do các trường ngoài công lập đào tạo mới chiếm khoảng 20% trong tổng số nguồn nhân lực hiện có của cả nước. “Để thực hiện xã hội hóa đào tạo thì Bộ GD cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chương trình gửi sinh viên, cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài. Khuyến khích các cơ sở đào tạo liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín để nhanh chóng hòa nhập, tiếp cận với chuẩn đào tạo khu vực và thế giới, tiến tới đào tạo nguồn nhân lực cho các nước trong khu vực”TS Thành mong muốn.
TS Thành cũng đánh giá cao giải pháp kết hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: “Đây là một trong những biện pháp xã hội hóa đem lại hiệu quả rất thiết thực vì, tránh được sự đào tạo lãng phí do đào tạo tràn lan không có địa chỉ, hạn chế tỉ lệ người học ra trường không có việc làm hoặc trái ngành. Điều quan trọng hơn là cho các doanh nghiệp cảm thấy có trách nhiệm nguồn nhân lực mà họ sẽ sử dụng” TS cho biết.
Cùng nhận định về nguồn nhân lực chất lượng cao, TS Lê Hồng Thái (Học viện Hải quân) có nhận định, nguồn nhân lực sẽ quyết định chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế, là điều kiện để rút ngắn khoảng cách về tụt hậu kinh tế.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn vào thực tế hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Theo TS Thái, chúng ta đang thiếu một chiến lực phát triển nguồn nhân lực tầm quốc gia và chưa liên kết được các ngành nghề khác nhau. Hơn nữa, chính sách đãi ngộ nhân lực chưa tốt dẫn đến hiện tượng “Chảy máy chất xám”.
Hệ thống trường đại học thì nhiều nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng đào tạo, nặng lý thuyết, thiếu kiến thức thực tế. Theo TS Thái, có thể phải coi đây là một vấn nạn. 

Nền giáo dục chưa nuôi dưỡng được kỹ năng trong cuộc sống 

Chia sẻ với chúng tôi, TS Nguyễn Tiến Hùng (Viện KH GDVN) cho rằng, những gì học sinh  học được trong nhà trường có thể không đủ để hành nghề, phải thường xuyên lấp đầy “lỗ hổng kiến thức” giữa nhà trường và nơi làm việc, như vậy đổi mới nền giáo dục theo kiểu nửa vời thì không bao giờ đổi mới được, cần có một mô hình học tập suốt đời. 
Cần có chế độ thu hút và đãi ngộ người tài để tránh hiện tượng "Chảy máu chất xám". Ảnh minh họa Xuân Trung
Cần có chế độ thu hút và đãi ngộ người tài để tránh hiện tượng "Chảy máu chất xám". Ảnh minh họa Xuân Trung
Từ  những thực trạng trên, TS Hùng khái quát và đưa ra một mô hình học tập suốt đời cho mọi người. Theo TS Hùng, học tập suốt đời (từ lúc sinh ra đến chết) trong tất cả hệ thống học tập (chính  quy và thường xuyên).

Học tập suốt đời làm thay đổi triết lý của dịch vụ giáo dục truyền thống, theo cách chuyển từ “đưa người học tới trường” sang “đưa giáo dục đến với người học”. Muốn vậy, đòi hỏi phải cho phép người học cái mà họ cần trong suốt cuộc đời, nên hệ thống phải thay đổi từ các tiếp cận với “người dạy là trung tâm” sang “người học làm trọng tâm”.
“Với mô hình tiếp cận này buộc người dạy phải trở thành người tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập hơn là người truyền tải kiến thức, tức là dạy cách thu nhận kiến thức, kỹ năng” TS Hùng cho biết.
Để thực hiện tốt mô hình này và tạo điều kiện đổi mới nền giáo dục đào tạo, theo TS Hùng cần phải tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục theo hướng mở và liên thông. TS Nguyễn Tiến Hùng cho biết, hiện nay cơ cấu giáo dục Việt Nam chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các cấp học và các trình độ đào tạo, đổi mới được sẽ khắc phục các cản trở, tắc nghẽn, ngăn cản cơ hội học tập và tạo ra cơ hội cho tất cả người học phát triển hết tiềm năng của mình.
Trong các khâu đổi  mới cần phải đổi mới hệ thống tuyển chọn và thi cử. TS Hùng cho rằng, hiện chúng ta vẫn chỉ thi và tuyển chọn theo kết quả học thuật chứ không theo kết quả thực hiện. Hình thức thi cũng cần mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn để người học có thể chứng tỏ được tư duy sáng tạo. Phát triển nền giáo dục cũng cần phải đổi mới hệ thống văn bằng, chứng chỉ cho phù hợp với  giáo dục mở và liên thông. 
Hễ ai học chỉ làm người, họ sẽ quyết chí học mãi
Thế giới xưa nay từng có nhiều nền giáo dục với những hệ thống triết lý, phương pháp và mục tiêu đào tạo rất khác nhau, nhưng với tất cả các thế hệ đi học, suy cho cùng thì cũng có hai lý tưởng học tập được định hình từ rất sớm. Một là học chỉ để làm người và học cốt để được làm quan.
Phàm nuôi lý tưởng học để làm người thì họ sẽ học mãi. Học ở thầy, học ở bạn, học trong sách vở, học khắp thiên hạ, học kinh nghiệm thành công và nguyên nhân thất bại bốn phương. Học tới đâu ứng dụng tới đó. Họ là con người thực tiễn, sinh động và hữu ích.
Phàm nuôi lý tưởng học chỉ làm quan thì khi đã học được làm quan rồi, người ta hầu như không chịu học thêm nữa. Họ học theo kinh điển, thuộc lời hay ý đẹp của kinh điển. Họ chẳng cần bận tâm đến những phát kiến có thể mang lại lợi ích to lớn cho giang sơn. Họ tự cho mình  quyền cúi nhìn cộng sự và thứ dân với cặp mắt coi thường rất lộ liễu.
Bây giờ, số người  toàn tâm toàn ý dốc chí học để làm người đang có xu hướng giản dần, số người ra sức học để làm quan xu hướng tăng. Nếu huy động nội lực để  tự khẳng định mình tốt đẹp bao nhiêu thì mưu toan tranh giành lại trái ngược bấy nhiêu. Đó là mối quan ngại lớn về văn hóa sống.
Bà Lý Thị Mai – Giám đốc Công ty Tâm lý học ứng dụng TP HCM
Xuân Trung