Sau vụ lật xe gỗ lậu ở Nghệ An:Vẫn ồ ạt phá rừng, bán gỗ lậu

18/12/2011 07:38
Chưa rõ số gỗ lậu trên chiếc xe tải bị lật là của ai. Dựng nhà bằng gỗ lậu để bán.
Chúng tôi ngược Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Rừng Pù Huống vẫn… vang tiếng cưa săng. Nhiều căn nhà sàn còn thơm phức mùi gỗ, được người dân rao bán khoảng 1 tỉ đồng. Chiều tối 15-12, thêm một “lâm tặc” đang đốn rừng bị gỗ lao chết.

Gỗ lậu từ điểm thu mua

Số gỗ trên chiếc xe tải bị lật cho thấy được bốc lên xe từ nhà vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Bình và bà Đặng Thị Hồng (Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Xiêng My), cách hiện trường vụ tai nạn chừng 4 km. Ngay sau khi xe bị lật, Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương đã thu giữ tại nhà ông Bình gần 10 m3 gỗ quý chưa kịp tẩu tán. Số gỗ trên do vợ chồng ông Bình, bà Hồng mua từ “lâm tặc” chặt trong rừng vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Theo đó, khi “lâm tặc” cần tiền thì đến nhà ông Bình ứng trước, sau đó bán gỗ lại cho ông.

Ông Lô Xuân Tình, Chủ tịch UBND xã Xiêng My, xác nhận: “Chúng tôi cũng có khuyết điểm là để việc mua, bán gỗ lậu trên địa bàn mà không nắm bắt kịp thời. Riêng cô Hồng là hiệu trưởng, chúng tôi đang chờ kết luận của công an để xử lý”.

Ông Lô Thanh Hài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, trần tình: “Trước ngày xe lật, người dân xã đã phản ánh lên chúng tôi rằng họ rất bức xúc việc kiểm lâm bảo kê cho gia đình vợ chồng ông Bình ngang nhiên thu mua, cưa xẻ, đục, đẽo, bán gỗ lậu số lượng lớn. Tuy nhiên, địa bàn xã Xiêng My lại thuộc sự quản lý của Hạt Kiểm lâm Pù Huống. Khi chúng tôi chưa kịp phối hợp để xử lý thì xảy ra vụ lật xe gỗ khiến 10 người thiệt mạng”.

Sau vụ lật xe gỗ lậu ở Nghệ An:Vẫn ồ ạt phá rừng, bán gỗ lậu ảnh 1

Ngôi nhà sàn vừa dựng lên bên quốc lộ 48C (thuộc bản Chon, xã Xiêng My) đang rao bán giá 800 triệu đồng. Chủ nhân ngôi nhà này là anh VVD - đang tiếp tục vào rừng đốn gỗ dựng ngôi nhà khác. Ảnh: ĐẮC LAM

Sau vụ lật xe gỗ lậu ở Nghệ An:Vẫn ồ ạt phá rừng, bán gỗ lậu ảnh 2

Người dân ở xã Nga My (huyện Tương Dương, Nghệ An) mang dụng cụ vào rừng Pù Huống đốn gỗ. Ảnh: ĐẮC LAM

Liên quan đến vụ vận chuyển gỗ lậu bị lật xe trên, hai kiểm lâm viên Ngô Ngọc Tuấn và Cao Văn Phúc (Trạm Kiểm lâm Nga My, thuộc Hạt Kiểm lâm Pù Huống) khai: Họ được Hạt trưởng Phan Sỹ Tuấn yêu cầu ngồi trên xe con đi cùng Sỹ Tuấn dẫn đường cho xe chở gỗ từ Nga My về thị trấn huyện Quỳ Hợp. Còn ông Đào Công Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị trấn Quỳ Hợp, và Nguyễn Kim Hùng (kiểm lâm viên) được ông Trịnh Thanh Long (Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Pù Huống) “yêu cầu” ngồi trên xe chở gỗ để “áp tải, xin đường” đưa gỗ lậu về thị trấn huyện Quỳ Hợp. Sau khi xe tải bị lật, Thắng gọi điện thoại cho Phúc báo “lại cứu anh với”. Sỹ Tuấn và Phúc quay xe con lại thấy Thắng và Kim Hùng đang lấy áo che mặt và dìu nhau ra khỏi xe tải. Thắng và Kim Hùng được đưa lên xe con chở đi cấp cứu và bỏ mặc những người khác bị thương.

Hiện ông Long cùng bốn cấp dưới đã bị bắt khẩn cấp. Theo Công an tỉnh Nghệ An, số gỗ trên xe tải bị lật là do ông Phan Sỹ Tuấn mua cho ông Long. Tuy nhiên, ông Long vẫn chưa khai nhận số gỗ đó mua cho mình hay cho cán bộ nào.

Dựng nhà bằng gỗ lậu để bán

Sau hơn một tuần từ vụ lật xe chở gỗ làm 10 người chết, tại xã Nga My cảnh người dân rao bán nhà và gỗ vẫn khá xôm tụ, thợ rừng vào rừng đốn gỗ. Hai bên quốc lộ 48C từ huyện Tương Dương sang thị trấn Quỳ Hợp, nhiều căn nhà gỗ rất to đang được tiếp tục dựng lên. Có rất nhiều người dân huyện Tương Dương và Con Cuông, Quỳ Hợp chất từng đống gỗ quý dưới gầm nhà sàn, trong vườn nhà và cả hai bên đường, chờ người đến mua hoặc dựng nhà bán.

Chiều 15-12, tại nơi cách trụ sở UBND xã Xiêng My chừng 2 km vẫn vang tiếng cưa săng gầm réo và tiếng cây rừng bị đốn ngã. Khi chúng tôi đang lần theo tiếng cưa để vào rừng Pù Huống thì bắt gặp một số người hớt hải chạy về nhà báo tin anh Quang Văn Dậu (30 tuổi, ở bản Cha Hia, xã Xiêng My) bị gỗ lao chết trong rừng.

Tuy nhiên, đến sáng 16-12, ông Hài (phó chủ tịch xã phụ trách nông, lâm)cho hay vẫn chưa biết anh Dậu bị gỗ lao chết và chưa biết tình trạng người dân trên địa bàn huyện Tương Dương vào rừng Pù Huống phá rừng! Theo ông Hài, thời gian gần đây có một số đầu nậu lợi dụng chính sách mua, bán nhà cũ đã chặt phá rừng làm thành nhà dựng lên rồi bán cả nhà. “Xã thuộc huyện Tương Dương nhưng gỗ lại do Hạt Kiểm lâm Pù Huống quản lý. Do việc quản lý chồng chéo nên rất khó quản lý chặt, nhất là trong trường hợp vụ xe gỗ chở gỗ lậu có sự che chắn “áp tải” của cán bộ kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm Pù Huống”.

Ông Dương Ngọc Hùng, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, cho rằng: “Đúng là thời gian qua có chuyện người dân vào rừng chặt trộm gỗ nhưng chúng tôi khó bắt và xử lý triệt để do lực lượng mỏng, thiếu phương tiện”.

Ông Lê Văn Chôm, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương, cũng cho rằng: “Cái khó là về mặt địa chính này do chúng tôi quản lý thuộc huyện Tương Dương, nhiều trường hợp chúng tôi biết phá rừng cũng chỉ có thể phối hợp để dẹp bỏ”.

Khắc phục việc quản lý chồng chéo

Thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An, ngoài Chi cục Kiểm lâm tỉnh (quản lý các hạt kiểm lâm) trực thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An còn có Hạt Kiểm lâm Pù Mát trực thuộc Vườn quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông) và Hạt Kiểm lâm Pù Huống trực thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (huyện Quỳ Hợp).

Trả lời báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc cho biết: “Vụ việc lật xe chở gỗ lậu 10 người chết, tôi khẳng định không có sự tiếp tay sai phạm của cán bộ cấp tỉnh. Sau vụ việc này, tỉnh sẽ củng cố lực lượng kiểm lâm. Sẽ không để hạt kiểm lâm trực thuộc vườn quốc gia mà sắp xếp lại đưa về trực thuộc kiểm lâm tỉnh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiểm tra chéo, giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương phải quản lý rừng của mình và giám sát quá trình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn của mình”.

ĐẮC LAM/Pháp luật TPHCM