Vì sao chưa ai chịu trách nhiệm các vụ cháy xe máy?

19/12/2011 07:14
Thống kê của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho thấy từ ngày 1/12/2010 đến nay, trên địa bàn thủ đô xảy ra 40 vụ cháy ôtô, xe máy gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Trong đó có 11 vụ hỏa hoạn làm cháy 13 xe máy, chủ yếu xảy ra trên đường phố trong quá trình lưu thông.

Tuy nhiên, chỉ có ba vụ cháy xe máy xác định được nguyên nhân, còn lại đều chưa rõ lý do. Ba vụ xác định được nguyên nhân gồm một vụ cháy xe Attila ngày 20/1/2011 tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh do sự cố điện, một vụ do bị đốt và vụ chiếc SH tự đổ gây cháy. Các vụ còn lại đều chưa xác định được nguyên nhân.

Hai lý do

Một trong những lý do các vụ cháy xe máy chưa xác định được nguyên nhân do sau khi cháy rụi thì người điều khiển hoặc chủ xe thường bỏ đi, không yêu cầu điều tra xử lý.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lý do thứ hai được đại tá Tô Xuân Thiều, phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho biết trách nhiệm của việc điều tra do cơ quan điều tra làm vì cảnh sát PCCC chỉ có nhiệm vụ dập tắt đám cháy chứ không có quyền điều tra nguyên nhân vụ cháy.

Ông Thiều cho biết việc trưng cầu giám định phải do cơ quan điều tra cấp quận huyện trở lên thực hiện, cảnh sát PCCC chỉ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan điều tra trong công tác khám nghiệm. Còn lại Viện Khoa học hình sự sẽ kết luận nguyên nhân và trả lời cho cơ quan điều tra chứ không trả lời cho cảnh sát PCCC. Tuy nhiên, ông Thiều cũng thừa nhận nếu có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra trưng cầu thì mới giám định.

Chưa rõ trách nhiệm

Thực tế theo tìm hiểu của chúng tôi, cơ quan PCCC hiện không có chức năng điều tra hình sự, không có cơ quan giám định, không có chức năng trưng cầu giám định nên làm rõ nguyên nhân phải mời cơ quan khoa học hình sự vào cuộc và phải có kinh phí thực hiện, trong khi năng lực tài chính của cảnh sát PCCC về vấn đề này còn hạn chế.

Chỉ có những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, điển hình như vụ nổ xe máy tại thôn Sơn Nam, thành phố Bắc Ninh, cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc mới trưng cầu giám định để điều tra nguyên nhân.

Trong khi đó, thượng tá Đào Thanh Hải, trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Hà Nội, cho biết cơ quan điều tra không tham gia điều tra các vụ cháy xe máy này.

Ông Hải khẳng định về nguyên nhân cháy của các vụ tai nạn này, lực lượng cảnh sát PCCC và Phòng kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội phải phối hợp khám nghiệm, vì không có dấu hiệu hình sự nên cơ quan điều tra không tham gia.

Đúng nguyên tắc thì bên cơ quan PCCC phải xác định nguyên nhân nhưng do đơn vị này mới thành lập nên chưa đủ các bộ phận khám nghiệm, vì vậy lực lượng PCCC thường trưng cầu Phòng kỹ thuật hình sự giám định để tìm nguyên nhân.

Cũng về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Tú, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang, cho rằng cháy xe máy cũng như cháy một căn nhà, cơ quan PCCC phải có trách nhiệm khám nghiệm hiện trường sau khi dập tắt đám cháy. Ở vụ việc không có dấu hiệu hình sự, ví dụ như cháy xe máy là một tai nạn thông thường, cơ quan PCCC phải chủ trì việc khám nghiệm, xác định nguyên nhân với sự phối hợp của các cơ quan liên quan.

Theo Tuổi trẻ