Vượt núi đến trường
Em Sầm Thị Li, hiện đang học lớp 5A, trường tiểu học Pả Vi ở bản Kho Tấu nên phải ở nội trú trong trường, đến cuối tuần mới được về nhà. Cứ thứ 2 hàng tuần, không quản đường xa, cô bé Li 10 tuổi dạy từ 4 -5 giờ sáng để leo gần chục cây số dốc núi đến trường.
Pả Vi là một trong những xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện núi đá Mèo Vạc, trong đó có 4 xóm có địa hình hiểm trở, hầu hết là đi bộ. Nguồn thu chủ yếu từ làm nương trồng ngô, đậu và có đến 99% người dân tộc Mông sinh sống rải rác ở các bản.
Trường tiểu học Pả Vi có 19 lớp với tổng số 323 học sinh. Học sinh ở bán trú là 220/323 em. Trong đó có 2 điểm trường lẻ cực kỳ khó khăn là điểm trường lẻ ở Mã Pì Lèng có 44 học sinh và điểm trường lẻ Kho Tấu có 29 học sinh. Ở cả hai điểm trường này đều không có điện, bảng bàn ghế còn sơ sài, thiếu thốn. Điểm trường xa nhất là Hà Sủng cách trường THCS gần chục cây số đường núi.
Không chỉ có Li, mà hầu hết các học sinh ở đây từ mẫu giáo đến tiểu học đều tự đến trường trên những con đường đầy đá cheo leo ở xã Mèo Vạc. Đối với trẻ con ở đây, trèo đèo lội suối mấy cây số chỉ là chuyện bình thường. Bởi, một đứa trẻ lên 8 tuổi đã phải vượt hơn 1 tiếng đường dốc núi để cắt cỏ, kiếm củi đỡ đần bố mẹ.
Hàng ngày những học sinh nhỏ tuổi này vẫn vượt mấy cây số đường núi để đến điểm trường để biết tiếng Kinh
Nói về lòng đam mê được đến trường, Vừ Thị Súng (GV mầm non điểm trường Mã Pì Lèng) tâm sự: “Mặc dù nhiều em có điều kiện khó khăn, nhưng vẫn muốn đi học cùng các bạn. Có những hôm trời rét quá, nhưng các em vẫn chỉ mặc cái áo cánh phong phanh, đi bộ gần 30 phút đường núi để đến trường. Các em đều tự đi bộ đến trường, chứ chẳng có bố mẹ nào đưa đón cả".
Ở trường tiểu học Pả Vi, mặc dù nhìn bên ngoài khang trang, nhưng hầu như đều thiếu thốn dụng cụ học tập của các bé, hầu hết là do các cô giáo tự sáng tạo, làm ra những góc sinh hoạt nhỏ, thu gom truyện, đồ chơi cho các bé.
Để tìm con chữ, nhiều học sinh không quản đường xa, vượt qua cái giá rét tím tái của mùa đông. Ngước nhìn tôi, đôi tay đen nẻ khô nắm chặt với nhau, Li khoe với tôi rằng Li thích được đi học, Li thích học nhất môn Tiếng Việt, Tập làm văn và tiếng Anh.
Khao khát một ước mơ
Học sinh ở Pả Vi chân chất, ngại ngùng, sợ sệt khi có người lạ đến. Nói tiếng Kinh chưa rõ, Vừ Mí Dình (15 tuổi) đang học lớp 8 trường THCS Mã Pí Lèng. Ở ngay trung tâm xã nên Mí Dình không phải ở nội trú. Hàng ngày, ngoài giờ học buổi sáng, Dình còn tranh thủ thời gian lên rừng cắt cỏ cho bò, giúp bố mẹ làm nương ngô và nấu cơm.
Nhưng đến tối, Dình lại mở sách vở để ôn lại bài giảng của thầy cô ngày hôm nay và làm bài tập. Dình tươi cười khoe rằng: Đã hai năm nay, Dình đều được học sinh tiên tiến. Và rất thích học môn Toán vì luôn kiếm được điểm cao nhất, còn Văn chỉ được điểm 6, điểm 7 thôi.
Vừ Mí Dình 15 tuổi (thứ hai từ phải) ao ước học thật giỏi để trở thành cảnh sát bắt tội phạm
Mặc dù ban đầu có nhiều ngỡ ngàng, sợ sệt khi tiếp xúc với tôi, nhưng khi tôi hỏi về trường về lớp thì cả nhóm túm tụm đầu chung quay tôi, tỏ ra thích thú, hào hứng tươi cười trả lời, trêu chọc nhau. Tôi hỏi: “Các em có thích đi học không?”. Như một phản xạ tự nhiên, tất cả đều đồng thanh nói: “Có”.
Nhìn những khuôn mặt đen sì vì nắng gió, đôi tay cóng tê tái phù lên nứt nẻ vì cái rét buốt tím tái ở nơi địa đầu tổ quốc này, luôn ánh lên niềm khao khát được đến trường, được biết chữ, được học thật giỏi để trở thành người tốt, người giỏi, để thoát khỏi đói nghèo ở nơi đây.
Vàng Mí Pó (trái) đang học lớp 4 trường tiểu học Pả Vi có ước mơ trở thành thầy giáo
Thổ lộ về ước mơ của mình, Vừ Mí Dính ước sau này trở thành cảnh sát oai phong, dũng cảm để bắt tội phạm, giúp đỡ người dân ở đây. Còn có những ước mơ trở thành ca sỹ nổi tiếng, thành cô giáo dạy Văn, thầy giáo dạy thể dục để trở về trường Pả Vi dạy học cho các em…đã trở thành động lực để chúng cố gắng học thật giỏi, vượt qua tất cả khó khăn để tìm đến trường biết mặt con chữ con số.
Giá rét, nghèo khó không ngăn nổi bước chân học sinh Pả Vi đến trường học
Công tác “trồng người” ở xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc đang dần được cải thiện. Được biết, số lượng phổ cập giáo dục tiểu học của xã đạt 100%. Niềm khao khát được đến trường, được biết mặt con chữ vẫn ánh lên từ đôi mắt của trẻ em nghèo vùng đất “sống trong đá, chết vùi trong đá” này khi hàng ngày, vẫn thấy những bóng dáng học sinh thấp thỏm vượt núi đến trường.