Chợ Tây ở Hà Nội: Cũng “hét” giá, mặc cả, nói "điêu"

21/12/2011 09:39
Một khách hàng sau khi trả giá đã mua được sáp ong nguyên chất chỉ có 150.000 đồng/túi, giảm tới 75% so với giá ban đầu là 600.000 đồng/túi.
Thành lập từ năm 2009 và chỉ hoạt động từ 9h-12h sáng thứ 7 hàng tuần trên một con hẻm đường Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều khách hàng khá thất vọng sau khi đến chợ Tây.

Sốc với giá mặc cả giảm 75%
Sốc với sáp ong được giảm 75%.
Sốc với sáp ong được giảm 75%.
Khu chợ nằm trong ngõ hẻm, cách xa những con phố ồn ào, không chỉ có khách Tây thường xuyên đến chợ vào mỗi sáng thứ 7, mà có khá nhiều khách Việt đến một phần vì tò mò.

Mặc dù là chợ Tây, tuy nhiên cũng có khá nhiều gian hàng là người Việt bán như đồ mỹ phẩm, lưu niệm, thực phẩm… Bên cạnh các công ty có uy tín cũng không ít những gian hàng do cá nhân đứng lên thuê gian hàng và bán.

Theo tìm hiểu của PV, giá cả tại đây khá đắt so với bên ngoài. Các loại rau như xà lách, bắp cải, su hào, rau húng thường đắt hơn bên ngoài trên dưới 10.000 đồng/kg, tuy nhiên khi mua số lượng nhiều vẫn được giảm giá.

Đặc biệt, tại gian hàng mật ong do anh Alain Fioruci, người Pháp bán khá đông khách. Một ngày trung bình anh bán ra được trên 2 lít mật ong, giá cả các loại dao động từ 80.000-200.000 đồng/lọ. Riêng sáp ong nguyên chất chưa xay có giá 600.000 đồng/túi.

Điều bất ngờ là một khách hàng sau khi trả giá đã mua được sáp ong nguyên chất chỉ có 150.000 đồng/túi, như vậy là được giảm tới 75% so với giá ban đầu là 600.000 đồng/túi.

Nhiều khách hàng không khỏi bất ngờ, anh Toàn (Lạc Long Quân) cho biết: “Tôi không nghĩ giá sáp ong lại có thể giảm xuống 75%. Qua đây cho thấy giá bán tại các gian hàng chợ Tây quá cao so với giá thực tế”.
Không có bằng chứng nào cho thấy các loại rau củ, thực phẩm bán tại đây đạt VSATTP.
Không có bằng chứng nào cho thấy các loại rau củ, thực phẩm bán tại đây đạt VSATTP.

Một khách hàng khác vừa đi từ quầy trang sức ra cũng cho biết, giá chuỗi ngọc đeo cổ mà chị thấy bên ngoài chỉ khoảng 250.000 đồng/vòng, tuy nhiên trên đây bán 350.000 đồng nên chị không mua nữa.

Khi được hỏi, một chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm Việt cho biết, giá bán cho người Tây và người Việt đều như nhau, nên các sản phẩm ở đây khá đắt.

Nhiều người tiêu dùng cho rằng, họ đến chợ Tây là vì tò mò nên nhu cầu thực là khá ít vì thế với giá đưa ra tại các cửa hàng khá cao khiến họ khó có thể mua về để làm quà được.

Nguồn gốc sản phẩm chưa rõ ràng

Những mặt hàng thực phẩm luôn đươc người tiêu dùng quan tâm hàng đầu về vấn đề VSATTP. Tại một số quầy rau củ người Việt, rất nhiều sản phẩm được giới thiệu nguồn gốc từ Đà Lạt, sản phẩm rau sạch, an toàn, trồng theo công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, thực tế người tiêu dùng khó có thể kiểm chứng được sản phẩm đó có đạt tiêu chuẩn hay không.

Bác D (Tô Ngọc Vân) cho biết, rau củ ở đây khá đắt và luôn được giới thiệu là tươi, ngon, an toàn. Tuy nhiên, thực tế những người mua hàng như chúng tôi khó có thể biết thực phẩm có tốt không. Bác cũng cho biết, trứng gà ở đây cũng bán 3.000 đồng/quả, tuy nhiên chúng tôi không thấy dấu kiểm dịch như trong các siêu thị vẫn làm.
Vẫn diễn ra tình trạng thanh lý, giảm giá.
Vẫn diễn ra tình trạng thanh lý, giảm giá.
Bác H (Tô Ngọc Vân) dù mua khá nhiều hàng như rau củ, trứng… vì nhà gần chợ nên thứ 7 nào bác cũng qua mua. Khi được hỏi, bác nói: “Tôi qua chợ chơi và thư giãn là chính, nhân tiện cũng mua ít đồ về dùng, chủ yếu là thực phẩm”. Bác cũng cho biết, dù thường xuyên mua đồ ở đây tuy nhiên tôi cũng không biết hàng có thực sự tốt không. Do đó tôi chỉ mua rau củ còn mỹ phẩm hay trang sức thì tôi không mua.

Bán cao hơn giá bên ngoài khá nhiều, nguồn gốc cũng chưa rõ ràng cũng khiến nhiều người Việt e dè khi tới thăm chợ. Bên cạnh đó, tại chợ Tây cũng diễn ra tình trạng không khác gì chợ Việt đó là tràn lan thanh lý hàng, mặc cả, không niêm yết giá cụ thể khiến không ít người tiêu dùng là khách nước ngoài, người Việt thất vọng.

Theo Lao động