Trao giấy chứng nhận liệt sĩ cho… người sống!

21/12/2011 12:11
Bà Lê Thị Kỳ ở làng Đông Nhân, xã Nhân Thành, Yên Thành, Nghệ An đang sống khoẻ mạnh bỗng được "tôn" là liệt sĩ...
Bà Lê Thị Kỳ ở làng Đông Nhân, xã Nhân Thành, Yên Thành, Nghệ An đang sống khoẻ mạnh bỗng được "tôn" là liệt sĩ trong chiến tranh chống Mỹ. Không có tiền tuất, chế độ thanh niên xung phong cũng không, nhưng hơn 5 năm làm "liệt sĩ" nhiều chuyện bi hài đến với gia đình của bà Kỳ.

Biết còn sống vẫn trao huân chương liệt sĩ

Khi tôi tìm đến nhà, ông Nguyễn Phong Sắc (chồng bà Kỳ) gọi vọng vào trong nhà: "Bà liệt sĩ ơi, ra có người gặp."
a
Bà Lê Thị Kỳ

"Khổ. Chỉ vì cái liệt sĩ còn sống này mà mấy năm nay tôi hết chạy lên tỉnh, huyện mà vẫn chưa xong", ông Sắc nói. Bà Kỳ từng tham gia thanh niên xung phong, hết chống thực dân Pháp rồi chống đế quốc Mỹ.


Năm 2006, cả nhà đang sống yên ổn thì có cán bộ xã Nhân Thành đến đưa Huân chương kháng chiến cho bà. Thời xuân sắc cống hiến là đây! Tổ Quốc, nhân dân đã ghi nhận, huân chương là niềm tự hào của bà Kỳ đối với con cháu sau này. Bà Kỳ cầm huân chương mà rưng rưng xúc động.
 
Chưa kịp vui thì cả nhà đọc những dòng chữ trang trọng: "Huân chương kháng chiến hạng 3: Liệt sĩ Lê Thị Kỳ, xã Quỳnh Yên, Quỳnh Lưu, Nghệ An (Bà Kỳ quê ở xã Quỳnh Yên nhưng sống ở xã Nhân Thành) đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hà Nội ngày 12/5/2006".

"Tôi đang sống sờ sờ đây, khoẻ mạnh lắm nhưng sao bảo là liệt sĩ. Mà tại sao cán bộ xã biết tôi còn sống mà sao vẫn đưa cái huân chương như thế", bà Kỳ nói.

Sau khi được là liệt sĩ, ông Sắc chồng bà Kỳ đã lên huyện Yên Thành để hỏi thì nhận được câu trả lời là lên tỉnh hỏi. Tuy nhiên, lên tỉnh kêu hơn 5 năm nay nhưng "liệt sĩ" còn sống Lê Thị Kỳ vẫn chưa được giải oan(?).

Tấm huân chương ghi rõ bà Kỳ là “liệt sĩ”.
Tấm huân chương ghi rõ bà Kỳ là “liệt sĩ”.


"Tôi không được đồng nào, còn mang tiếng là liệt sĩ"

Theo ông Nguyễn Phong Sắc thì giấy tờ gửi về từ huyện Yên Thành thì bà Kỳ đã hy sinh anh dũng tại mặt trận giao thông vận tải cách đây hơn 50 năm. "Không thể có chuyện đó được. Thời điểm đó bà ấy đang sinh con mà", ông Sắc khẳng định. Điều có lẽ khiến ông Sắc phân vân nhất là: Có hay không sự giả mạo tên bà để người khác được hưởng tiền tuất. Hay có sự khuất tất gì không?

Mặt khác, việc người còn sống mà lại ghi là chết đối với người thân là điều tối kỵ. Chính điều này mà người thân trong gia đình bà Kỳ thường diễn ra mâu thuẫn. "Cũng do có tiếng mà không được miếng. Bị gọi là liệt sĩ nhưng có tiền tuất gì đâu. Rồi chuyện đi kêu lên huyện, tỉnh không được nên ông nhà tôi cũng bực mình sinh ra cãi cọ với vợ con thôi", người "liệt sĩ" còn sống chia sẻ.

 "Tôi đi thanh niên xung phong đập đá làm đường cho bộ đội đi đánh giặc Mỹ. Người ta đi cùng đợt với tôi giờ đã nhận tiền chế độ rầm rầm, tôi thì không được đồng nào, còn mang tiếng là liệt sĩ", bà Kỳ bức xúc.

Giải oan

Bà Hồ Thị Thủy, trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: "Chúng tôi đã kiểm tra hồ sơ ở phòng lưu trữ thì không có một liệt sĩ nào tên là Lê Thị Kỳ quê ở xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, kể cả ở xã Nhân Thành, huyện Yên Thành cũng thế. Còn việc huân chương kháng chiến hạng ba cấp cho bà Kỳ ghi là liệt sĩ là do cơ quan thi đua khen thưởng ghi nhầm.

Sở Lao động - Thương binh & Xã hội sẽ có công văn gửi Ban thi đua khen thưởng để đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng thu hồi huân chương đó và cấp đổi cho bà Kỳ huân chương kháng chiến hạng ba khác cho bà Kỳ. Chúng tôi khẳng định là không có việc chế độ tiền tuất bị thất thoát ở đây mà chỉ là do nhầm lẫn thôi".


Trọng Đức/Khoa học và Đời sống