Cục Hàng không: VNA tăng 20% giá vé là bất khả kháng!

26/12/2011 10:25
Khởi Sự (thực hiện)
(GDVN) - Theo Phó cục trưởng Cục Hàng không VN, ông Lại Xuân Thanh: Việc Vietnam Airline tăng giá vé máy bay lên tối đa 20% dịp cuối năm là bất khả kháng...
Mới đây, Vietnam Airlines thông báo tăng giá vé máy bay lên tối đa 20% vào lúc cao điểm đi lại của người dân dịp cuối năm khiến một số chuyến bay nội địa của hãng "đội giá", đắt hơn cả các chuyến bay quốc tế như Hà Nội – Thái Lan, Hà Nội – Singapore, Hà Nội – Hồng Kông...

Nhiều khách hàng đặt câu hỏi: "Vì sao trong lúc hàng loạt các hãng hàng không giá rẻ đang nỗ lực giảm giá chia sẻ với người tiêu dùng thì đại gia hàng không như Vietnam Airlines lại “ngược dòng” tăng giá?"

Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó cục trưởng Cục Hàng không VN, ông Lại Xuân Thanh.
Ông Lại Xuân Thanh (Ảnh: Khởi Sự)
Ông Lại Xuân Thanh (Ảnh: Khởi Sự)
- Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về động thái tăng giá của Vietnam Airlines trong khi các hãng hàng không giá rẻ khác như 
VietJetAir hay Jetstar Pacific đang áp dụng những chính sách “đại hạ giá”?

Đó là chính sách cạnh tranh kinh doanh của các hãng. Nhà nước đề ra mức trần khung giá còn các hãng phụ thuộc vào sản phẩm của mình, phụ thuộc vào phương thức cạnh tranh để đưa ra các mức giá khác nhau. Mỗi hãng hàng không sẽ có mức giá khác nhau chứ không cố định và hệ thống giá sẽ mang tính cạnh tranh.

- Có người cho rằng Vietnam Airlines tăng giá vào thời điểm này hoàn toàn không hợp lý khi những ngày giáp Tết đang cận kề, nhu cầu đi lại tăng cao, tăng thêm gánh nặng cho người tiêu dùng?

Việc nâng trần khung giá như vậy, Nhà nước đã tính tất cả những yếu tố cấp bách, cấp thiết để có những quyết định như vậy. Cục hàng không Việt Nam cùng Bộ Tài Chính, Cục quản lý giá đã làm việc cả nửa năm nay rồi.

- Như vậy, có thể nói việc tăng giá của Vietnam Airline là bất khả kháng?

Có thể nói là bất khả kháng vì có 2 chỉ đạo chung: Thứ nhất là phải tính lợi nhuận kinh doanh cho các hãng hàng không, vì người ta có làm ăn tốt, mới mở rộng mạng lưới, phục vụ cộng đồng tốt, nếu không sẽ rất khó khăn trong việc phát triển.

Ngoài kinh doanh của họ, ngành hàng không còn đóng góp vào kinh tế vùng địa phương. Nếu không tạo điều kiện thuận lợi cho họ, đồng nghĩa với việc chúng ta đang làm ảnh hưởng tới cộng đồng bởi lẽ nhu cầu của nhiều địa phương còn rất lớn, mong muốn có đường bay tới quê hương mình còn rất nhiều. Thêm nữa, không phải toàn bộ dân cư, cộng đồng đều đi máy bay.

- Với việc tăng giá vé lên đến 20%, một số tuyến nội địa của Vietnam Airlines như Hà Nội – TP.HCM còn đắt hơn Hà Nội – Thái Lan, Hà Nội – Singapore… Ông đánh giá thế nào về việc này?

Bộ Tài chính đã thẩm định và khẳng định: Giá vé máy bay của Việt Nam không cao hơn các nước. Tôi giải thích như này: Trên trục đi Singapore có nhiều hãng hàng không và có nhiều mức giá khác nhau. Hàng không là hình thức kinh doanh mạng chứ không phải là kinh doanh “điểm đến điểm” để áp dụng một mức giá.

Có những chặng bay từ châu Âu đi Thái Lan, với những chặng lấy được khách ở Thái Lan và Việt Nam thì  rất rẻ. Nhưng sự ưu tiên từ đầu Thái Lan lại rất thấp vì nó phải ưu tiên một chặng dài, còn chặng nhỏ chỉ là để bù đắp hoặc thêm chi phí theo kiểu “có thêm khách thì tốt”. Đó là hệ  thống cơ cấu giá hết sức phức tạp của hàng không. Chứ không thể khẳng định tôi thấp hơn, anh rẻ hơn được.
Phó cục trưởng Cục Hàng không VN, ông Lại Xuân Thanh: Giá rẻ hay đắt chỉ là phương thức kinh doanh, không nhà đầu tư, doanh nghiệp nào mở ra để rồi chịu thua lỗ.
Phó cục trưởng Cục Hàng không VN, ông Lại Xuân Thanh: Giá rẻ hay đắt chỉ là phương thức kinh doanh, không nhà đầu tư, doanh nghiệp nào mở ra để rồi chịu thua lỗ.
- Việc tăng giá của Vietnam Airlines ảnh hưởng thế nào đối với các hãng hàng không giá rẻ, thưa ông?

Thực ra, các hãng hàng không giá rẻ còn muốn tăng hơn nữa, để đảm bảo kinh doanh. Đặc biệt các hãng nhỏ chỉ mới kinh doanh nội địa, chưa có kinh doanh các chuyến quốc tế như Vietnam Airlines. Họ muốn tăng hơn nữa nhưng Nhà nước phải có những quyết định và lộ trình nhất định.

Thực chất, việc điều chỉnh khung trần và khung giá vừa rồi chưa đáp ứng được mong mỏi của các hãng hàng không, nhưng Nhà nước phải cân đối lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của người tiêu dùng để cân nhắc đưa ra phương án hợp lý nhất.

- Vậy ông đánh giá thế nào về phân khúc thị trường hàng không giá rẻ của Việt Nam hiện nay?

Đối với nước mình thì phân khúc thị trường giá rẻ vẫn đầy tiềm năng.

- Nếu đi máy bay, ông có ưu tiên chọn hàng không giá rẻ?


Tại sao không? Tuy nhiên, để mua được vé giá rẻ có khi cần nhiều thời gian. Bản thân tôi phụ trách cả về an toàn, anh ninh hàng không nên đối với giá rẻ hay không rẻ thì đều phải đảm bảo an toàn giống nhau. Chỉ khác nhau ở phương thức kinh doanh, phương thức cạnh tranh.

- Xin cảm ơn ông!


Khởi Sự (thực hiện)