Kỳ 1:

25 năm dạy học chưa biết thưởng Tết là gì

29/12/2011 17:01
Thu Hòe
(GDVN) - Tôi lên xã vùng cao này dạy học được 25 năm rồi nhưng chưa bao giờ nghe đến tiền thưởng Tết cho giáo viên và cũng chưa từng được nhận thưởng Tết bao giờ.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán 2012 (Nhâm Thìn). Đến thời điểm này, các ngành đều đã bắt đầu lên kế hoạch thưởng Tết cho cán bộ, công nhân viên. Trong khi các ngành, các cấp vui mừng, hớn hớ mong đợi thưởng Tết thì với ngành giáo dục, thưởng Tết cho giáo viên vẫn là câu chuyện muôn thuở không có hồi kết và khó bộc bạch thành lời.

Sơn La,  gói quà Tết lớn nhất trị giá 100.000 đồng

Chúng tôi hỏi về tiền thưởng Tết Nguyên đán sắp tới cho giáo viên trưởng Tiểu học Kim Bon (Phù Yên – Sơn La), giọng thầy giáo Hồ Trọng Nghĩa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Bon bỗng chùng xuống: “ Chả có gì đâu chị ạ. Giáo viên chúng tôi có bao giờ dám nghĩ đến chuyện thưởng Tết như các cán bộ, công nhân viên các ngành, các cấp khác đâu. Mỗi năm hết, Tết đến được nhận gói quà từ Công đoàn nhà trường và những lời chúc của giáo viên dành cho nhau là phấn khởi lắm rồi…”

 “Tôi lên xã vùng cao này dạy học được 25 năm rồi nhưng chưa bao giờ nghe đến tiền thưởng Tết cho giáo viên và cũng chưa từng được nhận tiền thưởng Tết bao giờ. Quà Tết lớn nhất 25 năm dạy học của tôi là gói quà trị giá 100.000 đồng (gồm ít bánh kẹo, mứt tết và 1 chai rượu màu) từ Công đoàn nhà trường…” thầy Nghĩa cho biết thêm.

Thầy giáo Hồ Trọng Nghĩa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Bon "25 năm qua, quà Tết lớn nhất tôi nhận được là gói quà trị giá 100.000 đồng". (Ảnh Thu Hòe)
Thầy giáo Hồ Trọng Nghĩa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Bon "25 năm qua, quà Tết lớn nhất tôi nhận được là gói quà trị giá 100.000 đồng". (Ảnh Thu Hòe)

Theo thầy Hồ Trọng Nghĩa, giáo viên muốn được thưởng Tết bằng tiền  “tươi” thì phải có các hoạt động để tạo quỹ phúc lợi như: Dạy phụ đạo, tổ chức văn nghệ, thu học phí... Tuy nhiên, đối với xã vùng miền núi Kim Bon này những chuyện ấy là điều không tưởng khi giáo viên sáng đứng lớp chiều phải đến bản “đòi” học sinh về lớp.

“Quà Tết cho giáo viên cũng chỉ gọi là cho có để động viên anh em yên tâm, nỗ lực phấn đấu công tác tốt thôi. Tết đầu tiên về trường công tác, mình nhận được gói quà gồm có ít bánh kẹo, mứt tết và 1 chai rượu màu quy ra tiền là 40.000 đồng.

2 năm gần đây do tiền trượt giá nên giá trị quà được nâng lên gấp đôi là 80.000 đồng nhưng cũng vẫn chỉ có bánh kẹo, mứt tết và 1 chai rượu như năm đầu tiền không hơn không kém. Tết Nhâm Thìn năm nay nghe anh em giáo viên kháo nhau quà Tết được nâng lên 100.000 đồng…” cô giáo Lò Thị Hồng, giáo viên trường TH Kim Bon cho biết.

Ở Kim Bon, ngoài gói quà Tết ra giáo viên không được nhận bất cứ một khoản tiền nào từ trường, từ Phòng, từ Sở hay từ Bộ.

“Trường nghèo lắm nên không có quỹ dư để thưởng Tết động viên anh em giáo viên về ăn Tết với gia đình. Quà Tết từ Công đoàn nhà trường cũng là tiền của chính giáo viên đóng góp trong cả 1 năm. Cả xã Kim Bon có 48 giáo viên tiểu học, ở cả điểm trường chính và điểm trường lẻ. Công đoàn chi tiêu tằn tiện lắm mới thừa ra để lo quà Tết đủ cho anh chị em giáo viên… Năm nay qùa Tết cho giáo viên sẽ là gói quà 100.000 đồng, cao nhất từ trước cho đến nay…”, thầy Nghĩa chia sẻ.

Yên Bái, thưởng Tết chỉ để cho có

Trường THCS Nậm Mười (Văn Chấn – Yên Bái) là một trong những điểm trường miền núi khó khăn nhất nhì tỉnh Yên Bái. Hiện trường có 21 giáo viên, trong đó chỉ có 2/21 giáo viên là người địa phương, 90% là giáo viên ở các huyện miền xuôi trong tỉnh, ở các tỉnh khác lên công tác.

Giáo viên miền núi ở Nậm Mười nhận thưởng, quà Tết chỉ là có lệ
Giáo viên miền núi ở Nậm Mười nhận thưởng, quà Tết chỉ là có lệ

Theo thầy giáo Vũ Trường Thành, Hiệu trưởng trường THCS Nậm Mười, năm nay trường vẫn chưa có kế hoạch thưởng Tết cho giáo viên. Các năm trước tiền thưởng Tết không đáng kể, Công đoàn có bao nhiêu hỗ trợ bấy nhiêu, không có thì thôi.

Một giáo viên trường Tiểu học Nậm Mười chia sẻ: “Xem trên các phương tiện đại chúng thấy nhiều ngành thưởng ít cũng một tháng lương, nhiều thì vài chục triệu tới vài trăm triệu cũng thấy chạnh lòng. Tuy nhiên, mỗi ngành nghề một đặc thù riêng. Với nghề giáo, mỗi lứa học sinh trưởng thành là niềm động viên, an ủi với giáo viên. Đó cũng là hạnh phúc lớn nhất để mình tiếp tục gắn bó với nghề nhất là ở nơi miền núi cao bốn bề heo hút này…”.

Thưởng Tết lớn nhất với giáo viên Nậm Mười là 200.000 đồng nhưng năm có năm không
Thưởng Tết lớn nhất với giáo viên Nậm Mười là 200.000 đồng nhưng năm có năm không

“Những năm trước, cán bộ giáo viên trong trường được Công đoàn nhà trường hỗ trợ 50.000 đồng, nhà trường thưởng thêm 50.000 – 100.000  đồng nữa, cùng với một quyển lịch treo tường. Năm nào trường tiết kiệm được chi tiêu thì sẽ có hỗ trợ cho giáo viên ăn Tết khá hơn. Tuy nhiên, 5 năm làm giáo viên ở Nậm Mười, tiền thưởng Tết nhiều nhất của tập thể giáo viên chúng tôi là 200.000 đồng/giáo viên…”, thầy giáo Nguyễn Trường Thành, trường THCS Nậm Mười tâm sự.

Hà Giang, thưởng Tết cho giáo viên là con gà, can rượu ngô…

Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Viết Chuyên, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho biết: “Công tác trong ngành giáo dục Hà Giang từ năm 1974 cho đến nay chưa khi nào tôi nhận được tiền thưởng Tết và quà Tết cũng hiếm hoi lắm mới nhận được.

 Khi còn đứng lớp, quà Tết duy nhất tôi nhận được là 1 bao ngô hạt và 1 con gà của phụ huynh học sinh gửi biếu. Khi chuyển sang công việc quản lý giáo dục, tôi lại càng thấm thía hơn nỗi niềm của giáo viên mỗi khi Tết đến xuân về. Bởi lẽ làm gì có nguồn kinh phí, ngân sách nào dành để thưởng Tết cho giáo viên…”

Thưởng Tết cho giáo viên các điểm trường huyện Mèo Vạc - Hà Giang khi là con gà, khi là can rượu ngô... của dân bản mang biếu giáo viên
Thưởng Tết cho giáo viên các điểm trường huyện Mèo Vạc - Hà Giang khi là con gà, khi là can rượu ngô... của dân bản mang biếu giáo viên

Chúng tôi liên hệ với Phòng Giáo dục và Đào tạo Mèo Vạc Hà Giang, bà Trần Thị Lan, Phó Phòng Giáo dục và Đạo tạo Mèo Vạc chia sẻ: “Thưởng Tết cho giáo viên miền núi huyện Mèo Vạc chỉ là một chút hỗ trợ của Công đoàn trường và tiền tiết kiệm được của từng trường với nguồn kinh phí sự nghiệp do trên rót xuống. Trường nào tiết kiệm được nhiều thì mỗi giáo viên được 200.000 – 300.000 đồng, trường nào chi tiêu không đủ thì giáo viên không có tiền Tết…”

Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học Pả Vi (Mèo Vạc) nói: “Nguồn kinh phí sự nghiệp trên rót xuống chi tiêu cho cac hoạt động giáo dục 1 năm còn không đủ lấy đâu ra thưởng tiền thưởng Tết… Tuy nhiên, cũng thấy được an ủi là người dân miền núi quý người nên Tết đến thường có quà “cây nhà lá vườn” biếu các thầy, cô giáo. Năm thì người dân mang đến bao ngô hạt, năm thì can rượu, năm thì cân thịt lợn, năm thì con gà…”

(còn tiếp…)

Thu Hòe