Phía bàn giao là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Khảo Cổ học và phía tiếp nhận là UBND Thành phố Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội.
Sau khi tiếp nhận bàn giao, Trung tâm này sẽ làm tiếp các nhiệm vụ bảo tồn và phát triển di tích mà phía các cơ quan chuyên môn thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã thực hiện rất thành công trong giai đoạn vừa qua.
Tới dự lễ bàn giao này có ông phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đại diện UNESCO tại Hà Nội, các nhà nghiên cứu văn hóa, sử học và đại diện nhiều cơ quan, ban, ngành khác.
TS.Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Bà Nguyễn Thị Bích - PCT UBND TP Hà Nội trao biên bản bàn giao |
Theo TS.Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam: “Tính từ khi khai quật khu di tích Hoàng Thành Thăng Long vào năm 2002, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã mời nhiều chuyên gia giỏi của các ngành khoa học vào cuộc đánh giá giá trị văn hóa - lịch sử của khu di tích, lập phương án phát lộ và phương án bảo tồn lâu dài. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cũng đã lập đề án tổng thể khu công viên di tích lịch sử, bao gồm khu di tích Hoàng Thành và các khu vực lân cận để bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử vô tận này. Trong khi chờ đợi một phương án tổng thể, các cơ quan chuyên môn của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để bảo tồn giá trị của các di tích đã được khai quật. Vào thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, hơn 900 hiện vật của khu di tích cũng đã được đưa ra trưng bày tại Thành Cổ Hà Nội, nhận được sự quan tâm rất lớn của đông đảo nhân dân Việt Nam và du khách quốc tế”.
Việc bàn giao khu A-B thuộc Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long được thực hiện theo sơ đồ vị trí trong từng khu (khu A 19 điểm, khu B 19 điểm). Các cơ quan chuyên môn phía Viện Khoa học xã hội và UBND Thành phố Hà Nội đã tiến hành bàn giao, tiếp nhận từ ngày 23 – 24/12/2011.
Một phần của khu di tích |
Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội cho hay: “Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học chuẩn bị chu đáo kế hoạch, nội dung bàn giao trong một khoảng thời gian ngắn. Trung tâm đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đào tạo cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ và đến hôm nay, lực lượng cán bộ của Trung tâm đã có khả năng tiếp nhận, quản lý và phát huy tốt giá trị khu di sản. Sau khi tiếp nhận, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam và các cơ quan chức năng khác để tiếp tục vận hành, bảo quản khu di tích theo chế độ bảo quản hiện nay, sẽ có đánh giá tình trạng bảo tồn hàng tháng và đề xuất các biện pháp bảo tồn lâu dài cho khu di tích”.
Trước đó, vào tháng 8/2010, UNESCO đã công nhận khu di tích Hoàng Thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới. Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị chia sẻ: “Sau gần 8 năm chúng ta nghiên cứu, lập hồ sơ thì Hoàng Thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đó là niềm vui, đồng thời chúng ta cũng phải gánh một trọng trách nặng nề đó là phải bảo tồn và phát triển di sản này lên đúng với tầm quan trọng và ý nghĩa của nó. Chúng tôi hết sức cảm ơn Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Khảo cổ học và các nhà khoa học đã trực tiếp làm công tác nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị lên tổ chức UNESCO. Những việc làm ấy là vô cùng quan trọng, trên cơ sở đó khi Thành phố Hà Nội tiếp nhận sự bàn giao này thì tôi mong rằng các đồng chí đã từng làm việc, nghiên cứu tại khu di tích này sẽ tiếp tục giúp đỡ phía thành phố và các cơ quan tiếp nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây là một công việc đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ hết sức cao và nếu chỉ có phía thành phố thì không thể làm tốt nhiệm vụ này”.