GS. TS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ với chúng tôi như vậy bên lề Hội thảo Khoa học Sư phạm trong chiến lực phát triển giáo viên – đây cũng là yếu tố căn bản để đổi mới nền GD&ĐT trong thời gian tới.
PV: GS có thể cho biết vai trò của Khoa học sư phạm trong chiến lược phát triển giáo viên, làm thế nào để góp sức đổi mới căn bản và toàn diện nền GD&ĐT?
GS, TS Nguyễn Viết Thịnh: Việc đào tạo giáo viên có vai trò hết sức căn bản trong việc đổi mới nền GD&ĐT. Các cụ ta cũng trước đã nói tới vai trò của người thầy, người thầy trong mỗi thời kỳ có khác nhau. Nhưng nhìn chung giữa giáo dục và giáo dưỡng, thời đại công nghiệp hóa và hậu công nghiệp thì vai trò của người giáo viên có rất nhiều thay đổi.
Hiện nay, đào tạo giáo viên thường chú ý tới đào tạo ra năng lực dạy học, giáo dục, các hoạt động xã hội, để đạt được bốn trụ cột giáo dục (học để biết, học để tồn tại, học để làm, học để khẳng định mình).
|
GS. TS Nguyễn Viết Thịnh cho rằng, thực ra người giáo viên không đòi hỏi điều kiện làm việc lớn lắm, đã làm giáo viên thì không ai mong mình giàu cả, nhưng nếu có điều kiện tốt sẽ giải phóng được sức sáng tạo và năng lực của họ để họ làm tốt hơn. Ảnh Xuân Trung |
Đối tượng giáo dục bây giờ cũng khác trước. Trẻ em hiện rất thông minh, con người của thời đại công nghệ thông tin, cùng với đó là nhiều vấn đề đặt ra cho người thầy. Vì vậy đào tạo giáo viên trong thời kỳ mới phải có nhiều thay đổi, hơn nữa từ nhà trường phổ thông cũng phải thay đổi.
Trước kia chúng ta chú trọng trong khâu dạy truyền thụ, nhưng bây giờ dạy phải mang tính gợi mở, làm sao học sinh tự khám phá, không phải học sinh chỉ học kiến thức trên nhà trường mà sau này học cách quyết định đường đi của mình như thế nào.
Rõ ràng yêu cầu đào tạo sư phạm đã thay đổi theo xu thế mới, ngành sư phạm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có những thay đổi như thế nào để đào tạo ra những lớp giáo viên chất lượng, đáp ứng nhu cầu mới?
Thứ nhất phải đổi mới phương pháp dạy học, thực tế có rất nhiều lí thuyết về tâm lí giáo dục, nhưng mỗi lí thuyết chỉ đáp ứng được một phần các yêu cầu đổi mới, không có cái gì chọn vẹn.
Chúng ta phải chắt lọc ra những nền tảng lí thuyết để thay đổi phương pháp đào tạo cho tốt nhất. Chúng ta cũng phải chú ý nhiều hơn về đào tạo các ngành khoa học nhân văn, hiện vai trò của khoa học nhân văn đang mờ đi và chúng ta phải tăng vài trò của các ngành này lên. Nếu tăng được vai trò của các nghành khoa học nhân văn chúng ta sẽ tăng cường được vai trò thực sự của người làm giáo dục.
Đồng thời không phải chỉ dạy cho giáo viên những kĩ năng mà trên kĩ năng đó người giáo viên thể hiện được năng lực sâu sa để có thể phát triển sau này, không chỉ ở những thập kỉ tới mà còn lâu hơn nữa.
Thực tế, yếu tố mấu chốt để đổi mới căn bản toàn diện nền GD&ĐT là giải quyết khâu giáo viên, trong khi đó đầu vào của sinh viên ngành sư phạm đang có xu hướng thấp. Theo GS, chúng ta cần phải làm gì?
Đấy cũng là một vấn đề. Vấn đề này chúng tôi đã từng nói, không chỉ ở sư phạm mà cả các ngành khoa học cơ bản. Vì vậy đòi hỏi phải có một chính sách lớn. Chính sách ấy phải thiết thực liên quan tới đào tạo nhu cầu xã hội như thế nào, tức là để làm sao số sinh viên sư phạm ra đều có việc làm. Hơn nữa, điều kiện làm việc của giáo viên cũng phải được đảm bảo.
Thực ra người giáo viên không đòi hỏi điều kiện làm việc lớn lắm, đã làm giáo viên thì không ai mong mình giàu cả, nhưng nếu có điều kiện tốt sẽ giải phóng được sức sáng tạo và năng lực của họ để họ làm tốt hơn.
Theo GS, nếu không nâng cao được chất lương đầu vào của ngành sư phạm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo như thế nào?
Ảnh hưởng này mang tính lâu dài, vì trước hết phải có được xuất phát điểm tốt, trên cơ sở đó có thể kết hợp được vừa giảng dạy vừa là người nghiên cứu về khoa học sư phạm, chính đó sẽ làm giàu rất nhiều cho tri thức của ngành sư phạm.
Yếu tố môi trường làm việc thuận lợi sẽ giúp giáo viên công tác tốt, GS đánh giá thế nào về yếu tố này?
Tôi không nghĩ là thuận lợi hay không thuận lợi vì chúng ta không thể chỉ chọn những vùng thuận lợi, ở đâu có dân thì ở đó cần có giáo viên. Vì vậy không đặt vấn đề có thuận lợi hay không. Nhưng vấn đề chính ở đây, số giáo viên ra nghề phải có chính sách, thậm chí là phân công cũng được.
Hiện nay có thể vẫn còn có sự phân biệt một chút giữa giáo viên ở các trường công lập và ngoài công lập. Tất cả yếu tố đó tạo ra suy nghĩ và tâm tư không tốt. Phải có điều tra và xem xét. Dẫu sao thì giáo viên ai cũng muốn được vào biên chế.
Xin cảm ơn Giáo sư!
Xuân Trung (thực hiên)