Bí mật người “cha” những kiệt tác cây cảnh trị giá trăm tỉ

03/01/2012 13:02
Trần Nguyên
(GDVN) - Từ những “khúc gỗ”, anh đã sáng tác ra cây "Mâm xôi con gà", "Phượng Vũ"… với giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Học làm tiền tỉ từ người nông dân

Nghề chính là thầy giáo dạy Mĩ thuật nhưng họa sĩ Đặng Xuân Cường lại đặc biệt đam mê nghệ thuật chế tác cây cảnh. Học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và chắt lọc từ những mảnh vụn của người nông dân, những người cao tuổi, họa sĩ Đặng Xuân Cường đã nhanh chóng trở thành người “cha” của những kiệt tác cây cảnh “động trời” trong làng cây cảnh hiện nay.

Từ những “khúc gỗ”, anh đã sáng tác ra cây "Mâm xôi con gà", "Phượng Vũ"… với giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Bước vào nghiệp cây cảnh từ năm 1996, cuộc sống đang còn khó khăn, và thiếu thốn. Tại thời điểm đó, với những người khác, phong trào chơi cây cảnh chỉ là sở thích, tùy hứng của mỗi người, nhưng với họa sĩ Đặng Xuân Cường, đó lại là niềm say mê tột cùng. Và có lẽ chính nhờ niềm say mê đó đã đưa anh đến sự thành công của những kiệt tác cây cảnh nghệ thuật nổi tiếng ngày nay.
Họa sĩ Đặng Xuân Cường đặc biệt đam mê nghệ thuật chế tác cây cảnh.
Họa sĩ Đặng Xuân Cường đặc biệt đam mê nghệ thuật chế tác cây cảnh.

Anh Cường chia sẻ: “Lúc đầu bước vào nghề chơi cây cảnh, anh những tưởng nó chỉ đơn thuần là một thú chơi như bất kì một thú chơi nào khác, nhưng không ngờ lại bị cuốn hút lạ thường khiến anh như bị “ma làm” vậy”.

Điều đáng nói là sau khi dấn thân vào nghề, tâm tính của anh dường như thay đổi hẳn: Trầm ngâm, ít nói nhưng mọi công việc thì lại được quyết đoán nhanh nhậy hơn trước nhiều.  Khi niềm say mê cây cảnh ngấm vào máu thịt, “anh chẳng khác gì một người bị nghiện, nhiều khi quên ăn, quên ngủ” dồn hết tâm huyết để biểu đạt các ý tưởng của mình trong những tác phẩm.

Anh cho biết: Dường như có một sợi dây vô hình gắn bó giữa người và cây. Cây cũng mang trong mình một sự sống. Cây có giá trị hay không là ở cái hồn của tác phẩm, sự tinh tế, ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong nó. Cây cảnh nghệ thuật cũng truyền tải nhiều thông điệp mang tính nhân văn cao đẹp. Phần lớn người đến với cây cảnh, cây thế đều là những người yêu thiên nhiên, thích được đắm mình sáng tạo cùng thiên nhiên, hơn thế nữa là được dinh dưỡng tinh thần và giao lưu thưởng ngoạn, kết bạn xa gần.

Không tiếc công săn tìm, những người chơi cây cảnh luôn nhìn ra những cây có dáng, thế đẹp trong tự nhiên, rồi đưa về tạo tác cho phù hợp với mong muốn của mình. “Không có “phôi” đẹp thì có tài hoa đến mấy cũng không tạo tác được những tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật” – Anh Cường nói. Đó là lý do lý giải tại sao có những “phôi” có giá hàng tỉ đồng, từ những phôi đó, người nghệ nhân dày công tạo tác.
Ngoài kiệt tác nổi tiếng như "Mâm xôi con gà" thì "Phượng vũ" cũng là một trong những cây có tiếng trong làng cây cảnh hiện nay
Ngoài kiệt tác nổi tiếng như "Mâm xôi con gà" thì "Phượng vũ" cũng là một trong những cây có tiếng trong làng cây cảnh hiện nay
“Cây chỉ đạt đến đẳng cấp cao khi những dấu ấn do bàn tay con người tạo ra hài hòa với dấu thời gian đến mức không nhận ra. Để có những tác phẩm đẹp và công phu phải mất đến hàng chục năm chuyên tâm vào một phôi cổ thụ mới thành một cây đẹp” – Bằng trải nghiệm của mình, anh Cường nhận xét.

Theo anh, đôi khi con người không nhận ra những cái giá trị hay cái chân sự việc, mà phải đổi bằng kinh nghiệm mồ hôi nước mắt và cả sự trả giá.

Yêu cây đến mức tháo màn để mắc cho cây


Đối với họa sĩ Cường, chơi cây cảnh chính là chơi những cái xấu của cây, càng xù xì, khúc khỷu thì càng tốt. Với anh: Những cây được sửa vội vàng, nhanh chóng bán ra thị trường nhằm thu lãi chỉ là sản phẩm mỹ nghệ được sản xuất hàng loạt, ít thấy yếu tố của một tác phẩm thực sự.

Anh cho biết: Trong làng nghề chơi cây cảnh, việc chăm sóc và cắt tỉa cây phải mạnh dạn nhưng cũng cần cân nhắc kĩ lưỡng, đôi khi một nhát cắt có thể nâng tầm về giá trị nghệ thuật nhưng cũng có khi biến thành khúc củi, mất trắng cả trăm triệu đồng.

Chia sẻ với chúng tôi, “cha đẻ” của kiệt tác cây cảnh này cho rằng: Thời gian, sức khỏe, tiền bạc, sự ủng hộ của người thân... thực sự là những điều kiện cần để anh có thể thỏa sức sáng tạo. Bởi lẽ, trong quá trình chế tác cây không phải lúc nào cũng “thuận chèo mát mái”, nhiều trường hợp, mầm mọc lên rồi lại bị sâu ăn mất.
Từ những "que củi", họa sĩ Đặng Xuân Cường đã sáng tạo nên những kiệt tác có giá trị tiền tỉ. Ảnh: cây "Mâm xôi con gà" nổi tiếng.
Từ những "que củi", họa sĩ  Đặng Xuân Cường đã sáng tạo nên những kiệt tác có giá trị tiền tỉ. Ảnh: cây "Mâm xôi con gà" nổi tiếng.
Anh kể lại cách đây khoảng 17 năm có cắt một cây Sanh vào cuối mùa thu, sau khi ra mầm thì không biết con gì cắn trụi, liên tục như thế đến 2 tháng liền khiến mầm không ra được nữa. Có những buổi tối, anh ngồi để quan sát xem là nguyên nhân vì sao bị mất mầm cây như vậy. Ngồi đợi, đến gần sáng chẳng thấy có sự thay đổi gì, nhưng khi vừa đi chợp mắt thì sáng ra mầm cây lại mất rồi. Sau nhiều lần phun thuốc rồi ngâm cây vào bể nước, mầm cây vẫn bị chén, bực quá, anh liền tháo màn đang ngủ để mắc cho cây nhưng cũng không chống được. Mất ăn mất ngủ vì cây nhưng có lẽ, tình yêu, đam mê, sở thích đã rèn luyện tính kiên trì, bền bỉ đến nhẫn nại để chờ thành công trong anh. Ngoài thú chơi cây cảnh, yêu thích cả đời của anh là vẽ tranh. Người họa sĩ này đã từng tham gia các cuộc triển lãm Mĩ thuật và trong sự nghiệp trồng người, anh liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Giờ đây, sau tất cả những lo toan thường nhật và cả các cung bậc tình cảm, anh lại vẽ... Mới đây, anh đã một tác phẩm được trưng bày tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Dẫu anh ý thức về cuộc chơi của mình, tạm dừng để quay về nghiệp chính là hội họa... Nhưng đến lúc này, khó mà nói được con đường nào sẽ chiếm trọn thời gian cũng như tình cảm, con tim và khối óc anh... Bởi lẽ tất cả tình yêu, niềm đam mê từ vẽ đến chơi cây đã hòa quyện trong anh vào làm một!
Trần Nguyên