Bộ ấn vàng triều Nguyễn đang được lưu giữ ra sao

01/01/2012 07:07
Tại Bảo tàng Lịch sử hiện còn lưu giữ hàng chục Kim Bảo Tỷ các loại của 13 triều vua đời Nguyễn.
Kim Bảo Tỷ là ấn của nhà vua và hoàng triều dùng với ý nghĩa quốc gia trọng đại. Tại Bảo tàng Lịch sử hiện còn lưu giữ hàng chục Kim Bảo Tỷ các loại của 13 triều vua đời Nguyễn. Trong số này có những chiếc làm bằng vàng ròng nặng gần 10 kg với những đường nét điêu khắc tuyệt mỹ.

Tháng 8.1945, vua Bảo Đại khi thoái vị đã giao nộp cho chính quyền cách mạng kho báu vật triều đình Nguyễn được truyền qua nhiều đời. Trong số này phải kể đến hàng chục Kim Bảo Tỷ được làm bằng vàng và kim loại quý khác. Bộ Tài chính sau khi tiếp nhận số báu vật nói trên đến cuối năm 1959 bàn giao lại cho Bảo tàng Lịch sử lưu giữ.

 
Ấn “ Hoàng đế tôn thân chi bảo” cả mặt trên và dưới
Ấn “ Hoàng đế tôn thân chi bảo” cả mặt trên và dưới


Vụ trộm hy hữu

Ngày 4.7.1961, nhân viên bảo tàng qua kiểm kê phát hiện sự việc tày trời là chiếc ấn vàng "Hoàng hậu chi bảo", vốn là ấn của Nam Phương hoàng hậu, nặng 4,9 kg và một âu đựng trầu bằng vàng nặng 0,5 kg tại phòng trưng bày đã không cánh mà bay. Trong lúc công an đang ráo riết điều tra thì đêm 5.1.1962, kẻ gian tiếp tục đột nhập vào bảo tàng,  lấy một ấn bạc mạ vàng “Cao Đức Thái Hoàng thái hậu” và hai quyển kim sách làm bằng bạc mạ vàng.

Phạt tù kẻ trộm bảo vật

Đầu năm 1964, Nguyễn Văn Thợi bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt án tù chung thân, 19 bị cáo khác liên quan bị phạt nhiều mức án nghiêm khắc về tội phá hoại di tích lịch sử, trộm cắp tài sản quốc gia và tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có.

Báu vật quốc gia bị mất trộm là điều không thể chấp nhận. Bộ trưởng Bộ Công an thời kỳ đó là ông Trần Quốc Hoàn chỉ đạo tung toàn bộ lực lượng tinh nhuệ của Bộ, phối hợp Công an Hà Nội bằng mọi giá điều tra, làm rõ vụ án thu hồi lại món đồ quốc bảo.

Sau nhiều tháng, vụ việc vẫn lâm vào bế tắc bởi các dấu vết kẻ gian để lại không nhiều. Tại hiện trường vụ trộm thứ hai, cơ quan công an thu được một số dấu vân tay trên tủ kính trưng bày nghi là của thủ phạm, nhưng không xác định được trong tàng thư.

Một chỉ dấu khác được lực lượng công an đặc biệt chú ý là trong một căn phòng tối của bảo tàng có một số mảnh giấy ai đó đi vệ sinh bỏ lại. Ghép các mảnh giấy nói trên thể hiện là một bức thư từ một người tên là Đỗ Mộng Dần, gửi cho một người tên là Sửu.

Trong thư nhắc đến một số người thân của Sửu có tên là Ất, Giáp, Mão. Vấn đề đặt ra ở đây là mảnh giấy do nghi phạm bỏ lại hay do một người khách tham quan nào đó do quá… bí đã lẻn vào đây phóng uế? Sau nhiều lần họp án, cơ quan công an quyết định mở rộng hướng điều tra truy tìm người có tên trong bức thư nói trên. Đến tháng 5.1962, công an xác định tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, có người tên là Đỗ Mộng Dần có các em là Ất, Giáp.

Qua giám định xác định ông Dần đúng là người viết bức thư cho ông Đỗ Văn Sửu, là anh trai, nhà ở bến Nứa, Hà Nội. Xác minh tại nhà ông Sửu, cơ quan công an phát hiện thường có một người khách tên là Nguyễn Văn Thợi, có 17 tiền án về trộm cắp tài sản lai vãng. Điều đáng mừng là dấu vân tay phát hiện tại bảo tàng trùng với vân tay Thợi. Ngay sau khi bị bắt, Thợi cúi đầu khai nhận là thủ phạm đã gây ra 2 vụ trộm báu vật ở Bảo tàng Lịch sử.

Thủ đoạn của tên trộm liều lĩnh này là đóng giả khách tham quan, sau đó tìm cách nấp vào chỗ kín chờ cơ hội ra tay. Trong vụ trộm thứ hai, Thợi sau khi nấp vào chỗ tối chờ đợi thời cơ đã ăn hết một gói ô mai rồi phóng uế tại chỗ. Bức thư lấy ở nhà ông Sửu dùng để gói ô mai, Thợi xé ra làm giấy vệ sinh.

 
Ấn “Đại nam hiệp kỷ lịch chi bảo” đúc năm 1847 bằng vàng nặng 4,7 kg
Ấn “Đại nam hiệp kỷ lịch chi bảo” đúc năm 1847 bằng vàng nặng 4,7 kg


Khám xét tại nhà những người liên quan, công an thu được ấn bạc mạ vàng “Cao Đức Thái Hoàng thái hậu” còn nguyên vẹn. Riêng chiếc ấn vàng "Hoàng hậu chi bảo" đã bị chặt ra làm nhiều mảnh và đánh thành nhẫn, dây chuyền đi tiêu thụ nhiều nơi, công an chỉ thu lại được 33 lạng vàng ta mà các can phạm chưa kịp bán.

Căn phòng đặc biệt

Ông Nguyễn Quốc Bình, Trưởng phòng Trưng bày tuyên truyền của Bảo tàng Lịch sử, cho biết sau sự cố năm 1961, toàn bộ Kim Ngọc Bảo Tỷ cũng như báu vật triều Nguyễn được đưa đi gửi nơi khác. Đến năm 2007, bảo tàng được nhà nước cấp kinh phí để nâng cấp, xây dựng khu vực cất giữ, sau đó Chính phủ mới đồng ý giao lại toàn bộ kho báu cho bảo tàng. “Những năm trước do điều kiện khó khăn, bom đạn chiến tranh và cả về nhận thức nên mới xảy ra vụ việc đáng tiếc. Còn hiện nay chúng ta có thể an tâm vì vật quý được bảo tồn cất giữ đúng tầm”, ông Bình nói.
    

Ấn là biểu tượng của đế quyền nên rất dễ thất lạc trong những cuộc binh biến can qua. Kết quả nghiên cứu của nhiều chuyên gia sử học, khảo cổ cho biết, việc lưu giữ được gần như đầy đủ bộ ấn triều Nguyễn là chuyện cực hiếm tại các quốc gia có chế độ quân chủ trên thế giới

    Ông Nguyễn Quốc Bình, Trưởng phòng Trưng bày tuyên truyền của Bảo tàng Lịch sử

Hiện kho báu đó đang nằm dưới một hầm ngầm, trong một căn phòng rộng khoảng 200m2, gọi là “căn phòng đặc biệt”. Căn phòng này được bao bọc bởi 4 bức tường đúc bằng bê tông khối đặc biệt, có chiều dày trên 1 m, cửa ra vào bằng thép khối điều khiển bằng cơ và điện tử, với công nghệ áp dụng như trong các ngân hàng ở Mỹ hay Thụy Sĩ. Phía bên ngoài hệ thống ngầm này luôn có một trung đội cảnh sát cơ động vũ trang túc trực thường xuyên, ngày cũng như đêm. Đấy là chưa kể một lực lượng bảo vệ khác hàng chục người thường xuyên tuần tra vòng trong.

Theo thống kê của bảo tàng, phần lớn Kim Bảo Tỷ triều Nguyễn được chế tác vào đầu thời Gia Long đến Đồng Khánh và được ghi chép lại trong chính sử. Trong thời gian tồn tại, triều Nguyễn cho làm hơn 100 chiếc ấn. Đến nay, ngoài chiếc bị mất cắp, Bảo tàng Lịch sử còn lưu giữ 85 chiếc. Ngoài ra, tại bảo tàng cổ vật cung đình Huế còn lưu giữ 8 chiếc khác được. Số ít còn lại có thể đang lưu lạc ở nước ngoài hoặc trong dân gian cơ quan chuyên môn chưa có điều kiện khảo sát.

Điều may mắn là trong bộ ấn kể trên, có 2 chiếc Kim Bảo Tỷ được lưu truyền từ đời chúa Nguyễn Phúc Chu có tuổi thọ hơn 300 năm. Chiếc ấn được coi là lớn nhất “Hoàng đế tôn thân chi bảo”, đúc vào năm 1827 bằng vàng (nặng gần 9 kg), kế đó là kim ấn “Sắc mệnh chi bảo”, cũng đúc bằng vàng (nặng khoảng 8,3 kg). Ngoài ra còn hàng chục chiếc có trọng lượng 4-5 kg bằng vàng và chất liệu quý khác với nhiều đường nét điêu khắc tinh xảo.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình, đa số Kim Bảo Tỷ được đúc có hình rồng, biểu trưng cho đế quyền, với nhiều biến thế phong phú. “Ấn là biểu tượng của đế quyền nên rất dễ thất lạc trong những cuộc binh biến can qua. Kết quả nghiên cứu của nhiều chuyên gia sử học, khảo cổ cho biết, việc lưu giữ được gần như đầy đủ bộ ấn triều Nguyễn là chuyện cực hiếm tại các quốc gia có chế độ quân chủ trên thế giới”, ông Bình nói.

Mặc dù khẳng định giá trị không bàn cãi nhưng ngoại trừ các lần đưa ra trưng bày vào năm 1961, dịp đại lễ 1.000 Thăng Long, tính cho đến nay các ấn vàng chủ yếu... lưu kho bởi lý do an ninh.

Để đảm bảo an toàn cho báu vật quốc gia, đồng thời tạo điều kiện để công chúng tiếp cận, bảo tàng đã nhập các thiết bị trưng bày từ nước ngoài như tủ kính chống đạn. Tuy nhiên, kinh phí hạn hẹp nên số lượng ấn quý đem ra trưng bày mỗi lần cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

“Chúng tôi đang hy vọng trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách mạng thành Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN thì tới đây nhà nước sẽ quan tâm đầu tư, lúc đó các Kim Bảo Tỷ được đưa ra trưng bày nhiều hơn, thỏa mãn được yêu cầu công chúng”, ông Bình nói.  

Thái Sơn/Thanh niên