TS Thụy Anh: “Đừng nuôi dưỡng con bằng sự đánh giá của người đời”

26/05/2011 00:40
(GDVN) - Theo quan điểm của Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, các bậc phụ huynh không nên nuôi con vì sự đánh giá của người đời.

(GDVN) - Các bậc phụ huynh không nên nuôi con vì sự đánh giá của người đời mà hơn hết, hãy vì tình yêu, trách nhiệm, niềm hạnh phúc vô bờ được sống trong mối quan hệ bố mẹ và con cái.

Trước thời điểm mùa hè đến gần, Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh đã dành cho PV Giáo dục Việt Nam cuộc trò chuyện thú vị về cách chăm sóc, tạo sân chơi cho trẻ nhỏ.


Trẻ con không phải là cái cây bonsai để uốn nắn!

- Thường được mời tư vấn về cách nuôi dạy trẻ. Vậy có áp lực nào không khi người ta đánh giá các con của chị ?

Một phần công việc của những người làm giáo dục khi làm công tác tư vấn cho phụ huynh là làm sao để các bố mẹ thoát khỏi những áp lực không cần thiết trong việc dạy con từ phía dư luận. Chính vì thế mà tôi cũng không bị áp lực gì hết.

Những gì tôi chia sẻ với các vị phụ huynh là đúc kết từ lý thuyết được học trong trường cho đến việc trải nghiệm bản thân, những bài học rút ra từ thành công nho nhỏ và những sai lầm trong việc tiếp cận con trẻ hàng ngày, ngoài ra có cả sự tiếp nhận kinh nghiệm từ các bậc phụ huynh qua các cuộc giao lưu trao đổi.

TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh hoạt động trong nhiều lĩnh vực như tư vấn giáo dục, có nhiều kinh nghiêm trong lĩnh vực tâm lý giáo dục trẻ em. Từng tham gia tư vấn, nghiên cứu về tâm sinh lý lứa tuổi, tư vấn cho các bậc phụ huynh hướng giải đáp các câu hỏi “Vì sao?” của trẻ. Hiện tại chị là Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Giáo dục trẻ em Kidz Academy và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con rất có uy tín tại Hà Nội

Tôi nhớ một cuộc đối thoại giữa hai người quen của tôi: một người nói, phải nghiêm khắc uốn nắn trẻ, như những cây bonsai, chịu cắt tỉa đau đớn mới nên dáng đẹp. Người kia phản đối, cho rằng, trẻ con không thể ví như cây cảnh, mọc theo kiểu uốn nắn độc đoán của người chăm được.

Không thể có cái gọi là chuẩn của một đứa trẻ để đo đếm, đánh giá như đánh giá một dáng cây bonsai để rồi khen ngợi hay chê bai. Tôi nghĩ, chúng ta nuôi con không vì sự đánh giá của người đời mà vì tình yêu, trách nhiệm và niềm hạnh phúc vô bờ ta có được trong mối quan hệ bố mẹ và con cái.

- Theo chị, phụ huynh cần làm gì với con trong dịp hè khi bố mẹ bận đi làm mà con thì nghỉ học? Bản thân chị đã lựa chọn hoạt động hè nào cho con mình?


Làm sao để con có một mùa hè hữu ích kể cả về mặt thể chất và tinh thần, nhất là đối với những đứa trẻ lớn lên ở thành phố, ít có không gian thiên nhiên phóng khoáng để chạy nhảy chơi đùa. Những cái cây lớn lên vào mùa Hè, trẻ nhỏ cũng vậy – cũng qua một mùa hè mà lớn bổng lên. Trẻ không thể và không nên bị nhốt trong cái hộp nhà tù túng mà cần có những hoạt động bổ ích.

Thời tôi còn nhỏ, thường có sinh hoạt hè ở khu phố. Bây giờ, những sinh hoạt ấy vẫn còn, nhưng bị giới hạn trong diện hẹp những đối tượng nhất định và không diễn ra hàng ngày, tự nhiên như xưa nữa. Cũng dễ hiểu vì người thì đông, xe cộ cũng san sát, chẳng bố mẹ nào dám thả con tự đi sinh hoạt hè một mình nữa.

Nhưng đồng thời, như trong năm nay, tôi cũng thấy nhiều tổ chức giáo dục đang mở ra những hình thức trại hè ngắn hạn dành cho các bé. Chưa nói đến chất lượng mà riêng số lượng đã cho ta cảm giác phấn chấn vì xã hội đã quan tâm hơn đến sân chơi cho trẻ vào dịp hè.

Tiến sỹ Giáo Dục Nguyễn Thụy Anh.
Tiến sỹ Nguyễn Thụy Anh
- Chị đã có nhiều năm sống ở Nga, có lẽ những hoạt động kiểu này đã hấp dẫn chị?

Ở Nga, hình thức trại hè thiếu nhi được duy trì đều đặn nhiều năm - mỗi vùng, mỗi tỉnh đều có những khu trại cố định, cơ sở vật chất đầy đủ phục vụ cho riêng đối tượng là trẻ em, lành mạnh, an toàn… và việc gửi con đi trại hè thường niên cũng đã là thói quen của các phụ huynh ở Nga. Tôi từng được tham gia trại hè Quốc tế Artek thời Liên xô cũ trong một tháng năm tôi bước sang 14 tuổi.

Có thể nói, một tháng ấy kéo dài như cả tuổi thơ. Ấn tượng của tháng hoạt động sôi nổi, thú vị, lãng mạn… ấy đã cho tôi rất nhiều: bạn bè, tình cảm hữu nghị quốc tế, cảm xúc thẩm mỹ, nhận thức về môi trường và trách nhiệm công dân (những điều này tương đối mới mẻ đối với chúng tôi thời đó) và thậm chí đã ảnh hưởng không nhỏ đến những quyết định riêng của tôi về con đường đi tương lai. Tôi mơ ước ở Việt Nam có những khu trại tuyệt vời như thế, nơi mà khẩu hiệu luôn là: Tất cả vì trẻ em!
Tham gia trại hè, trẻ sẽ biết lựa chọn công việc cho mình khi lớn lên

- Vậy chị có thể tư vấn cho các phụ huynh việc lựa chọn mô hình trại hè?

Theo tôi, quan trọng nhất luôn là sự an toàn và chất lượng về mặt vệ sinh, dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho trẻ. Điểm thứ hai mà bố mẹ nên lưu ý là nội dung hoạt động.

Những chương trình trại hè càng được xây dựng kỹ lưỡng, phong phú, hợp lý về độ tuổi, cụ thể từng ngày, từng giờ, từng chi tiết sẽ càng đem lại hiệu quả cao.

Và một điều không thể không quan tâm nữa là các bố mẹ phải cùng con tìm hiểu về trại hè, cho con biết con sẽ được làm gì ở đó, sẽ có gì vui, có gì thú vị… Nhất thiết không bao giờ “tống” trẻ vào trại hè mà không tìm hiểu kỹ hoặc không có sự đồng thuận của trẻ mà lợi bất cập hại.

Tại Việt Nam, tôi thấy nhiều mô hình rất đáng chú ý như mô hình của Ido trong thành phố Hồ Chí Minh, mô hình Chúng em là chiến sĩ…

Cá nhân tôi hiện đang làm công việc cố vấn và xây dựng nội dung cho trại hè của Rồng Vin có tên “Thành phố những người lớn tí hon”.
                Mô hình tổng thể trại hè “Thành phố những người lớn tí hon” mà chị đang cố vấn.
Mô hình tổng thể trại hè “Thành phố những người lớn tí hon” mà chị đang cố vấn
Trại hè này sẽ là trại hè bán trú dành cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi kéo dài trong vòng 2 tháng, nhưng chia nhỏ thành những chủ đề như Nghệ Thuật, Thực tế, Khoa học Công nghệ, Sáng tạo và các bé có thể tham gia từng phần trong khoảng 10-12 ngày tùy điều kiện thời gian.

Tôi rất hào hứng với việc này và đang hồi hộp mong đợi đến ngày khai mạc trại (27/5 đến 31/7). Điểm độc đáo của Rồng Vin là mô hình công viên việc làm được triển khai cả năm qua, vì thế trại hè xây dựng trên nền tảng mô hình ấy sẽ phải có những hoạt động liên quan đến các ngành nghề.

Trẻ còn được đi thực tế bên ngoài, giao lưu và… tự so sánh mình với những công việc của người lớn thực thụ. Tôi liên tưởng hình ảnh các bé trong trại sẽ như những chú tí hon trong thành phố Hoa của nhà văn Nga Nikolai Nosov với Mít Đặc và Biết Tuốt, bác sĩ Thuốc viên, các chú thợ Đinh Bù Loong và Đinh Vít... vậy. Nghĩ thế đã thấy phấn khởi và vui sướng rồi!
Hãy để trẻ được khám phá
Hãy để trẻ tự nhận biết, mình phù hợp với công việc nào
- Với chương trình mà chị cộng tác xây dựng, chị ưu tiên nhất điểm gì ?

Tôi nhớ một nhà văn Nga nói câu này: “Những viên đá chỉ trở nên cao quý khi là đá của một ngôi đền” - tức là các em sẽ hiểu được giá trị của bản thân mình, đồng thời giá trị của việc cùng nhau góp sức cùng làm một công việc và có kết quả tốt.

- Các bậc cha mẹ cần chuẩn bị những gì cho các con khi tham gia trại hè ?

Bố mẹ hãy cho con xem những tờ rơi, những câu chuyện cụ thể mà các cô chú bác tổ chức Trại hè đưa ra. Ngoài ra, các phụ huynh hãy quan tâm đến cảm xúc của con trong một, hai ngày đầu tiên khi vào trại để có những điều chỉnh hợp lý, kịp thời từ phía Ban tổ chức cũng như từ cá nhân đứa trẻ hay đơn giản chỉ là để chia sẻ với con những trải nghiệm mới mà con sẽ rất cần được khoe, được kể.

Phương Hà

{iarelatednews articleid='2925,2397,1920,2049,721,622,268'}