Rơi nước mắt cảnh dân lao động “oằn mình” trong giá lạnh

08/01/2012 07:48
Ngọc Khánh – Thảo Lăng
(GDVN) - Cuộc sống lo toan với cơm, áo, gạo, tiền xô đẩy những cuộc đời nghèo khó nhưng họ vẫn viết những điều tốt đẹp khi năm mới về.

Đầu năm mới, Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc bước vào đợt rét đậm, rét hại kỷ lục. Nhiệt độ hạ thấp cộng thêm mưa phùn khiến cho cái lạnh càng thêm thấu xương, tê tái. Khi mọi người co ro trong những bộ quần áo dày và  sắm sửa thêm vật dụng cần thiết để sưởi ấm như máy sưởi, chăn, nệm..., thì những người lao động nghèo vẫn lặng lẽ trên con đường mưu sinh.

Cuộc mưu sinh nhọc nhằn

Đang giờ tan tầm buổi chiều nhưng Hà Nội không đông đúc, ồn ào như mọi khi. Cái lạnh làm cho không khí đìu hiu và ảm đạm. Trời xám xịt, gió thốc lên từng hồi, người tan sở gấp gáp và vội vã trở về nhà để tránh rét. Thế nhưng, không ít người vẫn phải dầm sương, lăn lộn ngoài đường để mưu cầu miếng cơm manh áo. Cơ thể họ run lên, bàn tay đông cứng, tất tưởi trong cái lạnh buốt của chiều đông.

Những lao động ngoại tỉnh làm việc tại gầm cầu Long Biên
Những lao động ngoại tỉnh làm việc tại gầm cầu Long Biên

Khu vực chợ người tại đường Bưởi vốn được coi là nơi tập trung dân lao động đông  nhất nhì thủ đô hôm nay cũng vắng vẻ lạ. Hầu hết họ tản mạn vào các quán trà nóng hoặc co ro thành từng nhóm một bên đống lửa. Bác Nguyễn Văn Huyên (58 tuổi, quê ở Nông Cống – Thanh Hóa) làm nghề bốc vác kể rằng: “Mấy hôm nay trời lạnh, một số lao động đã nghỉ về quê tránh rét chỉ còn một số ít cố bám trụ....” .

Đang dở câu chuyện, điện thoại của bác rung. Sau 2 phút trò chuyện, bác nói tiếp: “Vợ tôi gọi lên giục về quê tránh rét. Nhưng thôi, sắp Tết rồi, tôi cố ở lại, rét mướt thế này, ít người làm thì hi vọng tiền công sẽ cao hơn chút, cho cái Tết được đầy đủ hơn”, giọng bác chùng xuống. Đôi môi bác thâm tím, 2 bàn tay xoa xoa vào nhau. Có lẽ, ẩn sau sự lạc quan thường thấy ở những người lao động, bác đang lo lắng cho cả một gia đình nghèo ở quê hương.

Hơn 23h đêm nhưng người lao động ngoại tỉnh vẫn đứng chờ việc ở chợ người đường Bưởi
Hơn 23h đêm nhưng người lao động ngoại tỉnh vẫn đứng chờ việc ở chợ người đường Bưởi

Công việc cửu vạn thuê không có giờ giấc cụ thể, cứ 4h sáng là họ phải dậy đứng đây đợi việc cho đến 12h đêm. Lúc hàng nhiều hoặc chủ hàng bốc dỡ muộn, họ phải làm việc đến tận hai, ba giờ sáng là chuyện bình thường. Trời lạnh nhưng những người lao động ở đây chỉ mặc những chiếc áo cánh mỏng. Trời lạnh, nên người thuê làm cũng ít hẳn, bình thường mỗi ngày dân cửu vạn bốc được hai ba chuyến hàng thì giờ có khi đứng cả mấy ngày cũng không có việc.

Khổ không kém là mấy bác xe ôm. Trời lạnh vẫn phải đứng gió đội sương ngoài đường. Anh Hà Đình Tiến chạy xe ôm trên đường Phạm Văn Đồng còn mặc cả áo mưa bên ngoài để tránh gió. Giọng ngậm ngùi, anh kể: “Xe ôm mà đứng nơi khuất thì làm gì có khách. Lạnh nhưng vẫn phải gồng mình để kiếm tiền. Có khách đi là còn may chứ cả ngày hôm nay đã được cuốc nào”. Công việc vất vả khiến người anh Tiến nhỏ thó, nước da đen sạm, tím tái đến khổ sở.

Hi sinh cho hạnh phúc của con cái

Việc mưu sinh kiếm miếng cơm manh áo trong những ngày lạnh giá là câu chuyện bất tận của người nghèo. Họ phải thức thâu đêm, chống chọi với cái khắc nghiệt của thời tiết để con cái được ấm bụng tới trường. Những ngày áp Tết này, nhiều ông bố bà mẹ vẫn bám sát góc phố, ngõ chợ để gành hàng thuê, thu nhặt những gì có thể kiếm ra tiền mang về góp vui cho gia đình ngày đầu năm mới. Sự tần tảo, hy sinh thầm lặng ấy còn gì to lớn hơn!

Những “thân cò” vẫn lặng lẽ trong đêm lạnh
Những “thân cò” vẫn lặng lẽ trong đêm lạnh

3 giờ sáng, con đường huyện Tứ Kỳ dẫn vào thành phố Hải Dương chìm trong bóng tối. Một biển sương “nuốt chửng” toàn bộ không gian nơi đây. Mọi thứ chỉ mờ mờ qua ánh đèn xe rọi vào. Tiếng lạch cạch phát ra từ xích của những chiếc xe khô dầu. Lạch cạch! Lạch cạch!...

Trong không gian tĩnh mịch đêm đông ấy, tiếng xích xe chạm vào bánh răng khô khốc càng gợi lên sự giá buốt đến căng cứng từng thớ thịt. Các bà, các chị lại rục rịch lên đường vào thành phố mưu sinh.

Cô Đoàn Thị Hoa (Nguyên Giáp, Tứ Kỳ, Hải Dương) mặc dù đã gần 50 tuổi nhưng vẫn rướn mình đạp chiếc xe cà tàng. Hơn 10 năm đi chợ, cô Hoa không thể nhớ nổi bao lần “xé” màn đêm lạnh buốt lên thành phố kiếm tiền nuôi 3 người con ăn học. “Chồng nhà tôi bị bệnh mất được 5 năm rồi chú à. Một mình tôi nuôi mấy đứa học trên tận Hà Nội. Mắt mũi dạo này cũng kém hơn trước nhưng thôi cứ cố gắng làm lấy tiền nuôi chúng nó học nốt đại học cho sau này đỡ khổ”, cô Hoa tâm sự.

Cách chợ gần 20 km, cô Hoa phải dậy từ 2 giờ sáng rục rịch chuẩn bị chằng chịt rau cỏ đi chợ cho kịp. “Đi đường ban đêm như thế này cũng là đi theo cảm tính. Nếu có đèn pha ô tô rọi vào thì nhìn thấy không thì cứ mù mịt, có lần cô suýt đâm xuống ruộng đấy. Một đứa năm đầu, đứa năm cuối đại học nên bao nhiêu khoản phải trang trải, cô có dám nghỉ buổi chợ nào đâu”.

Trong sương lạnh, từng đoàn xe đạp nối đuôi nhau chở hàng rau xanh lên các chợ trong thành phố Hải Dương để bán. Thậm chí có cả những em nhỏ mặc áo khoác đồng phục đạp xe cùng bố mang ngan đi bán. Dường như chiếc áo khoác đồng phục ấy là đồ ấm nhất để em có thể chống lại giá lạnh cả mùa đông.

Mặc cho cái giá lạnh bủa vây, những người lao động nghèo vẫn cố gắng làm để “mua” Tết
Mặc cho cái giá lạnh bủa vây, những người lao động nghèo vẫn cố gắng làm để “mua” Tết

Trong những ngày tới, thời tiết được dự báo sẽ tiếp tục rét đậm, rét hại kéo dài với nền nhiệt xuống thấp; vùng núi dưới 0 độ, có thể có băng tuyết. Những năm trước, các tỉnh miền Bắc đã phải hứng chịu nhiều đợt rét tồi tệ. Hàng nghìn hecta mạ đông xuân, trâu bò chết rét khiến cho người nông dân ngày càng khốn khó hơn.

Áp Tết,  những chậu đào, quất được mang vào trang hoàng chuẩn bị cho năm mới. Khi mọi người sắm sửa quần áo mới để du xuân thì trên những nẻo đường, những người lao động nghèo như gấp gáp hơn để có đủ tiền “mua Tết” cho con. Cuộc sống lo toan với cơm, áo, gạo, tiền xô đẩy những cuộc đời đến nhàu nhĩ như những trang giấy. Ấy vậy, họ vẫn viết những điều hi vọng tươi đẹp lên sự cũ kỹ ấy mỗi khi năm mới về.

Ngọc Khánh – Thảo Lăng