Vụ thu hồi đất ở Tiên Lãng:Có thể khiếu nại lên TAND tối cao

10/01/2012 07:12
Lãnh đạo cơ quan quản lý đất đai cho biết sẽ kiểm tra vụ việc.
Vụ nổ súng vào lực lượng cưỡng chế của gia đình anh Đoàn Văn Vươn đã khiến dư luận quan tâm cả về sự manh động lẫn lý do dẫn đến những bức xúc. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu hai góc nhìn về vụ việc này.

Có thể khiếu nại giám đốc thẩm

Để tạo điều kiện cho các bên giải quyết tranh chấp, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết vụ án hành chính quy định trong quá trình giải quyết vụ án, “tòa án tạo điều kiện để các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án”. Sau này, để tránh hiểu lầm, Luật Tố tụng hành chính quy định “tòa án tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án”.
Việc “thỏa thuận” hay “đối thoại” ở vụ án hành chính không giống với việc hòa giải thành ở tranh chấp dân sự, tức không có giá trị bắt buộc thi hành. Thông thường, khi đôi bên trong vụ kiện hành chính gặp nhau, thỏa thuận được, thì đôi bên có thể đề nghị tòa tạm đình chỉ giải quyết vụ án một thời gian, để đôi bên thực hiện các nội dung thỏa thuận. Hết thời hạn mà không chấm dứt tranh chấp được thì tòa nối lại việc giải quyết vụ án…
Trong vụ án hành chính, việc các bên thỏa thuận giải quyết vụ án không đương nhiên dẫn tới quyết định đình chỉ vụ án. Đây chỉ là cơ sở để các bên rút đơn và trên cơ sở đó tòa án mới ra quyết định đình chỉ vụ án. Để tránh hiểu lầm, TAND Tối cao hướng dẫn một nguyên tắc là khi nhận đơn xin rút đơn kiện hoặc đơn kháng cáo như thế, thẩm phán thụ lý vụ án phải hỏi đương sự xem họ rút đơn có tự nguyện không? Có bị tác động, xúi giục từ bên ngoài không? Có bị đe dọa, cưỡng bức không? Có hiểu hậu quả pháp lý của việc rút đơn không?
Vụ việc sẽ không xảy ra nếu chính quyền có cách hành xử thuyết phục hơn.
Vụ việc sẽ không xảy ra nếu chính quyền có cách hành xử thuyết phục hơn.

Trong trường hợp này, giả sử người khởi kiện nghe UBND huyện Tiên Lãng dỗ dành, dẫn tới hiểu lầm và đi đến quyết định rút kháng cáo; quyết định rút kháng cáo đó lại dẫn tới quyết định đình chỉ của TAND Hải Phòng, thì người khởi kiện có thể gửi đơn lên TAND Tối cao khiếu nại quyết định đình chỉ kia. Việc hiểu nhầm ấy chỉ có thể giải quyết bằng con đường giám đốc hoặc tái thẩm của TAND Tối cao, chứ không thể dùng luật rừng, vũ khí nóng để chống lại lực lượng cưỡng chế như sự việc đã diễn ra.
Ông Đặng Quang Phương, Phó Chánh án TAND Tối cao
Cần tìm hiểu do đâu người dân bức xúc
Đất khai hoang các địa phương đều có, nhiều nhất là ở Nam Bộ, Tây Nguyên nhưng chưa có vụ nào hi hữu như vụ này. Việc nhận định, kết luận đúng sai xung quanh việc thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng phải căn cứ vào hồ sơ đầy đủ. Về vụ việc này, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ có kiểm tra trong thời gian tới.
Trong vụ việc này thấy rõ là người dân bức xúc. Cần phải tìm hiểu là do đâu. Vụ việc này có những vấn đề “bên trong” nhưng chưa biết được. Việc cưỡng chế thu hồi đất có thể chỉ là nguyên nhân ban đầu thôi! Đằng sau sự chống đối tiêu cực của người dân là gì, điều này thì chưa rõ. Giờ bàn luận là rất khó! Hơn nữa đã thành vụ án rồi, nên vụ việc rất phức tạp. Hiện ở một số nơi, quan hệ giữa chính quyền, công an, tòa án với người dân có nhiều vấn đề.
Theo quy định hiện hành, khi giao đất, cho thuê đất lại, có tính đến việc ưu tiên đối với người sử dụng đất trước đó. Tuy nhiên, lại chưa có quy định cụ thể và rõ ràng về điều kiện ưu tiên để tiếp tục được giao đất, cho thuê đất với những người sử dụng đất trước đó.
Với đất đã thu hồi ở Tiên Lãng, nếu đất đó được chính quyền đưa ra đấu thầu thì những người dân đã sử dụng đất từ trước cũng có quyền tham gia đấu thầu. Nếu trúng đấu thầu thì những người này tiếp tục được sử dụng đất, nếu không trúng thì người trúng thầu khác được sử dụng. Việc thẩm phán ra biên bản thỏa thuận giữa các hộ dân và đại diện UBND huyện Tiên Lãng là chưa đúng. Vì đây không phải là vụ tranh chấp đất đai mà tiến hành hòa giải.

Người dân kiện quyết định thu hồi đất của huyện này. Tòa phải đưa ra phán quyết: quyết định đó là đúng hay sai. Nếu đúng thì thực hiện, nếu sai thì tuyên hủy quyết định đó. Với vụ việc phức tạp, chưa rõ hoặc còn lấn cấn thì tòa án có thể hỏi ý kiến các cơ quan liên quan ở địa phương hoặc ở trung ương. Chứ không thể ra một biên bản như thế, dẫn đến sự hiểu nhầm. Sự hiểu nhầm này dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Ông PHAN VĂN THỌ, Cục phó Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất - Tổng cục Quản lý đất đai
NGHĨA NHÂN - HOÀNG VÂN/Pháp luật TPHCM