Bài thuốc diệu kỳ nối liền xương người bằng tủy sống chân gà

13/01/2012 10:30
Việt Lâm/Pháp luật & Thời đại
Với chất liệu chính là tủy sống chân gà trống và một số loài thuốc nam dễ tìm, bà lang Nga đã tạo ra bài thuốc chưa từng "bó tay" trước ca gãy xương nào...
Hàng ngàn năm nay, người dân Việt Nam ai cũng biết câu tục ngữ “chó liền da, gà liền xương”, là câu nói đúc kết kinh nghiệm dân gian về việc loài gà khi bị thương thì chóng khỏi (Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, NXB Thời đại năm 2010). Biết thì nhiều, nhưng để áp dụng sự hiểu biết vào thực tế thì lại là chuyện khác. Với chất liệu tủy sống chân gà trống và một số loài thuốc nam, bà Nguyễn Thị Nga (62 tuổi, ngụ khu 1, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đã tạo ra bài thuốc chưa từng “bó tay” trước ca gãy xương nào.


Nghề “nhớ” người


Bà Nguyễn Thị Nga (62 tuổi, ngụ khu 1, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) có quê gốc ở xã Yên Thọ (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Ông nội của bà là một danh y nổi tiếng khắp vùng Nam Định nhưng năm kháng chiến chống Pháp về tài chữa xương, chữa câm, người bị liệt, tiểu đường, thận, ung thư vú… Bà Nga nhớ lại: “Hồi đó tôi còn là một đứa trẻ, hàng ngày có nhiệm vụ trải chiếu cho ông đón bệnh nhân chữa bệnh. Công việc xong đâu đó, cô bé lại đứng dựa cột nhà xem ông chữa bệnh. Ngày nào cũng vậy, cô bé Nga để ý ông chữa bệnh rồi học thuộc lòng những vị thuốc, cây thuốc chữa bệnh. Những năm đó, phần lớn người tìm đến là để chữa gãy xương, do vậy bài thuốc chữa xương là bà thuộc lòng nhất. Khi cô bé lớn lên, ông nội chưa kịp truyền nghề cho cháu thì ông qua đời.

Thiếu nữ này không theo nghề thuốc mà đến tuổi lấy chồng lại theo chồng lên Hòa Bình lập nghiệp. Bà làm cô nuôi dạy trẻ, ông làm công nhân công trường Cao Phong. Vài chục năm sau đó, một sự kiện xảy ra khiến bà quay lại theo nghề của ông nội ngày xưa. Đó là năm 1992, khi bà vừa nghỉ hưu, trong một lần đi chợ bà thấy một người chở hàng bị ngã tụt bánh chè, gãy chân trên Quốc lộ 6 gần nhà. Tình hình người bị tai nạn khi đó rất nguy cấp, bệnh viện thì xa, xe máy không thể chở người bệnh đi được vì có thể khiến vết thương của nạn nhân nặng thêm, những chiếc ô tô thưa thớt chạy trên đường thì không có chiếc nào chịu dừng lại đưa người bị nạn đến bệnh viện. Thấy nạn nhân đau đớn, bà nảy ra ý nghĩ: “Mình thử “ra tay” xem sao”.

Nhớ lại cách mà ông nội đã từng chữa bệnh, ông từng dặn đến thuộc lòng “muốn chữa xương thì trước tiên phải dùng mọi cách nắn xương đúng về vị trí cũ, dù người bệnh đau đến đâu cũng phải làm sau đó rồi mới lấy thuốc đắp”, bà đánh liều đặt người bệnh yên vị ở lề đường rồi giật mạnh cho xương bánh chè tụt lại. Người gặp nạn kêu la ầm ĩ nhưng xương bánh chè đã định vị lại đúng chỗ. Bà Nga liền lấy dây mơ dại ven đường buộc chặt chân nạn nhân lại, nhờ người quanh đó lấy giát giường khiêng nạn nhân đưa về nhà mình.

Bà lang “mát tay”


Đêm đó, bà nhớ lại bài thuốc bó gãy xương của ông nội gồm các vị thuốc nam gồm hạt gấc, yết mẫu, hắc môn, địa điền, tam thất, quế, nghệ đen… Tuy nhiên những vị thuốc này vẫn chưa tạo thành hợp chất bó bột hoàn hảo.

“Linh hồn” của bài thuốc phải là tuỷ sống ở đầu gối hai chân con gà trống, mang trộn với hợp chất nêu trên rồi bó vào phần xương người bệnh bị gãy. Hôm sau, bà lần mò vào rừng kiếm thuốc chữa cho nạn nhân đang đau đớn nằm trong nhà mình. Không ngờ lần “thử nghiệm lại” ấy lại chứng tỏ bà là thầy lang “mát tay”: Chỉ vài ngày người bệnh đã có thể nhúc nhắc đi lại, gần hai tháng sau thì người bệnh lành hẳn.

Thấy bài thuốc hiệu nghiệm, bà ghi chép lại bài thuốc mà ông nội ngày xưa đã dùng để chữa bệnh. Lý giải về bài thuốc bó bột này, bà Nga cho biết: “Những vị thuốc nam có tác dụng chống nhiễm trùng, tạo da non, liền xương. Còn vị thuốc tuỷ xương đầu gối gà là chất kết dính rất tốt để nối các phần xương gãy, khớp xương. Thế nên không phải ngẫu nhiên ngày xưa kinh nghiệm các cụ có câu “chó liền da, gà liền xương””.

Xung quanh nhà, bà Nga trồng rất nhiều các loại cây thuốc quý đã cất công tìm mang từ rừng về. Bà lão nói: “Tôi già rồi nên không vào rừng hái lá thuốc được nữa. Cây nào có thể trồng được là tôi đánh về ươm giống. Nhờ vậy mà mình chuẩn bị được nguồn thuốc, bệnh nhân đến là có lá thuốc dùng luôn”

Giúp người không công

Trong những năm làm nghề thuốc cứu người, bà lão nhớ nhất là hai ca tai nạn ở huyện Đà Bắc (tỉnh Hoà Bình). Một ngày cách đây hơn 5 năm, hai cô bé Lan và Thuỷ ở xã Tu Lý đi xe máy va vào nhau trên đường tối. Vụ tai nạn khiến hai chiếc xe máy tan nát, riêng các nạn nhân thì may mắn không bị thương vào phần đầu hay ảnh hưởng nội tạng mà chỉ bị gãy xương. Khi người nhà đưa đến, hai thiếu nữ phải nằm trên cáng, xương chân, xương chậu đều bị gãy.

Chẳng quản ngại đêm hôm, bà lão liền “nối” các điểm gãy khiến hai người bệnh kêu la đến cả xóm nghe thấy. Sau khi dùng nẹp cố định chân, bà dùng thuốc nam và tuỷ xương gà bôi vết thương cho các nạn nhân bớt đau. Từ đêm đó, hai thiếu nữ nằm lại tại nhà bà Nga suốt bốn tháng trời. Sau 3 tháng nằm bất động trên giường, hai thiếu nữ đã có thể bắt đầu gượng dậy tập đi. “Lúc đó hai cô bé không tin là cái chân bị gãy có thể lành lặn như trước.

Những ngày chữa trị, chúng khóc suốt vì sợ què chân, vì sợ xương chậu không lành thì về sau sẽ không lấy chồng hay sinh nở gì được. Tôi phải động viên chúng nhiều lắm”, bà Nga nhớ lại. Bài thuốc thần kỳ của bà sau đó đã xóa tan những lo lắng này của hai thiếu nữ. Trước hôm tự đi về nhà, các cô đã vái sống bà Nga và nhận bà là mẹ nuôi.

Một bệnh nhân bị gãy chân ở gần nhà bà là một trường hợp khác. Năm 2010, trong khi sửa nhà, anh Tạ Quang Thái bị miếng bê tông rơi vào chân. Khi được đưa đến bệnh viện, bác sĩ cho biết phải chốt đinh và điều trị gần một năm mới khỏi. Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện, được đưa về nhà mà vẫn thấy vết thương chưa khả quan, người nhà quyết định cáng anh sang nhờ bà lão “vào cuộc”. Sau hơn hai tháng được bà Nga nắn xương, bó thuốc, anh hàng xóm đã đi lại được bình thường. Nạn nhân nay cười nhớ lại: “Cả nhà tôi đều chịu ơn bà Nga đấy. Nếu không thì cả năm phải nằm một chỗ, vừa tốn tiền, lại héo hon người đi”.

Ở vùng Cao Phong, nhiều người đen đủi khi gặp tai nạn bị gãy xương là tìm đến bà Nga. Phương thuốc đơn giản, không quá cầu kỳ, vị thuốc dễ tìm nên ai gặp nạn đến nhờ, bà cũng tận tình cứu giúp. Lạ hơn nữa, đây không phải là nghề kiếm tiền nên bà chưa bao giờ đòi hỏi bệnh nhân nào một đồng tiền công. “Giúp được mọi người là tôi vui rồi”, bà lão nở nụ cười.

Việt Lâm/Pháp luật & Thời đại