Cuộc chiến bản quyền VFF - VPF - AVG: Sắp hạ màn

14/01/2012 10:09
Theo CA CT.HCM
Đây là một chuyện rất nhỏ, lẽ ra không cần đến sự chỉ đạo của Thủ tướng, phải “quấy rầy” lãnh đạo cấp cao là lỗi của Bộ VH-TT-DL.
Xin nhắc lại một chút diễn biến vụ tranh chấp bản quyền truyền hình bóng đá VN diễn ra trong ngày 12-1: 8 giờ sáng, VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN) có văn bản do Chủ tịch Hội đồng quản trị Võ Quốc Thắng ký. Văn bản này được gởi đến Thủ tướng, có nội dung trình bày những bất hợp lý trong bản hợp đồng giữa AVG (Tập đoàn truyền thông An Viên) với VFF (Liên đoàn bóng đá VN). Đó là khi ký hợp đồng với VFF, AVG chưa có giấy phép sản xuất chương trình truyền hình, và điều đó là vi phạm Luật dân sự, Luật báo chí VN. Việc VFF ký hợp đồng bán bản quyền truyền hình cho AVG mà chưa đạt được sự đồng ý của các CLB, đó là vi phạm Luật thể thao, vốn quy định các CLB chuyên nghiệp là đồng sở hữu giải đấu với liên đoàn.
Ông Phạm Nhật Vũ (AVG) có còn tự tin vào pháp lý của mình? Ảnh: QM
Ông Phạm Nhật Vũ (AVG) có còn tự tin vào pháp lý của mình? Ảnh: QM

Chỉ vài giờ đồng hồ sau, lúc 12 giờ 22 phút ngày 12-1, trên website chinhphu.vn đã đưa tin: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch chỉ đạo giải quyết các vướng mắc để bảo đảm Giải Bóng đá quốc gia được các đài truyền hình truyền hình trực tiếp, liên tục, rộng rãi cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.  Văn bản của Thủ tướng cũng nêu rằng thời gian qua, tranh chấp bản quyền truyền hình Giải Bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (Super League) giữa Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) với AVG diễn ra phức tạp, gây chú ý dư luận xã hội. Việc tranh chấp trên đã ảnh hưởng đến hoạt động truyền hình các trận đấu của Giải Bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, hạn chế việc phổ biến hình ảnh của giải đấu đến đông đảo quần chúng và người hâm mộ cả nước. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch chỉ đạo việc thanh tra Hợp đồng bản quyền truyền hình về Giải Bóng đá quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


Như vậy, ở vòng đấu diễn ra vào cuối tuần này, các đài truyền hình được thoải mái truyền hình trực tiếp các trận đấu để phục vụ người hâm mộ. Và như vậy, hiện tại hợp đồng của AVG với VFF xem như không có giá trị, cho đến khi có kết luận của Thanh tra Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch về tính pháp lý của bản hợp đồng này.

Chắc chắn khi làm việc với Thủ tướng VPF đã có những trình bày thuyết phục để chứng minh về bản hợp đồng của AVG với VFF là có vấn đề. Chính vì vậy, Thủ tướng mới có chỉ đạo khiến các nhà đài hết sức vui mừng.

Xem ra, nhóm các ông bầu trong VPF đã đạt được thắng lợi đầu tiên trong việc chứng minh bản hợp đồng của VFF với AVG là không đúng luật pháp.

Với diễn biến hết sức nhanh, kể từ khi Thủ tướng có ý kiến, hy vọng câu chuyện tranh chấp bản quyền truyền hình sẽ sớm chấm dứt, nhằm giúp bóng đá Việt Nam nói chung, cầu thủ và người hâm mộ nói riêng, sớm được phục vụ tốt hơn, phát triển nhanh hơn.

Bên cạnh niềm vui về sự việc đang sớm đi đến hồi kết nhờ chỉ đạo của Thủ tướng, cũng có một nỗi buồn có thật từ dư luận: Đây là một chuyện rất nhỏ, lẽ ra không cần đến sự chỉ đạo giải quyết của Thủ tướng. Để phải dẫn đến việc “quấy rầy” lãnh đạo cấp cao là lỗi của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch lẫn Tổng cục TDTT khi đã không đủ bản lĩnh để giải quyết vấn đề.
Theo CA CT.HCM