Chuyện ít người biết về cái Tết ở Trường Sa

28/01/2012 06:23
H.A (tổng hợp từ Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Thanh Niên)
(GDVN) -Những bức thư từ gia đình, người thân, có lẽ là món quà xuân hạnh phúc nhất của những người lính Trường Sa trong thời khắc chuẩn bị đón Xuân này.
Cái hẹn “điểm 10” Vừa bước chân lên bờ, thượng úy Nguyễn Ngọc Chinh (đảo Đá Lớn B) đã bấm điện thoại gọi cho cô con gái Hoài Thương học lớp 1: “Con gái, mấy hôm nữa là bố được về với con rồi, hôm nay con có giúp mẹ và ông bà làm cỗ cúng ông Táo không?... Con được 124 điểm 10 rồi à, ngoan lắm, bố sẽ mang quà về cho con, tết bố sẽ đưa hai mẹ con đi đón giao thừa nhé...”. Được biết, trước đó, thượng úy Chinh đã hứa với con gái “bao giờ con được 100 điểm 10 thì bố sẽ về thăm con”. Cuối năm, Hoài Thương từ quê nhà Quảng Xương, Thanh Hóa gọi điện ra đảo nhắc bố là “con sắp được 100 điểm 10 rồi bố ạ”... Là một trong số ít quân nhân đang giữ kỷ lục về số lần đi đảo, anh Chinh rất vui vì năm nay được đi phép đúng dịp tết cổ truyền, giữ đúng lời hứa với con. “Tôi bắt đầu ra Trường Sa từ năm 1992, từng nhiều năm ăn tết ở các đảo Thuyền Chài, Đá Đông, Đá Tây, Núi Le, Đá Lớn. Ba năm nay tết Trường Sa gần với đất liền hơn vì có sóng điện thoại để liên lạc với gia đình. Sắp tới trả phép, không biết đơn vị sẽ phân công tôi đến đảo nào nhưng với tôi thì Trường Sa đã quá đỗi thân thuộc, nơi tôi coi như quê hương thứ hai của mình” - anh Chinh tâm sự.
“Món quà” của lính đảo đem từ Trường Sa về đất liền - Ảnh: Tuổi Trẻ
“Món quà” của lính đảo đem từ Trường Sa về đất liền - Ảnh: Tuổi Trẻ
Thắp nén nhang cho bố Không biết ngẫu nhiên hay có một truyền thống nào đấy mà phần đông những người lính Trường Sa đều có quê ở tận Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình... Đường về nhà ngày cận tết làm lòng họ chộn rộn hơn vì tàu xe đông như mắc cửi. Để có được một vé tàu về đúng hẹn, thiếu úy Phạm Ngọc Thảo, quê ở Diễn Châu, Nghệ An, phải nhờ bạn bè trong bờ đặt trước cả tháng. Niềm mong mỏi lớn nhất của Thảo tết này là vợ sẽ có bầu để Thảo yên tâm trả phép trở lại Trường Sa. “Tôi nghỉ phép về quê cưới vợ năm kia, rồi trả phép ra đảo Tốc Tan đón tết năm ngoái ở đó, thành ra lần này mới về gặp vợ vẫn là mới anh ạ...” - Thảo cười. Với đại úy Phạm Văn Điệp, quê ở miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa, chuyến về phép lần này có một ý nghĩa rất đặc biệt khiến lòng anh rưng rưng, đó là anh được tự tay thắp nén nhang trước vong linh người cha vừa mất hồi giữa năm mà anh không thể về tiễn biệt. “Tôi đã đi Trường Sa bốn tăng (mỗi tăng 12-18 tháng - PV), với người lính thì nhiệm vụ là trên hết, với lính đảo Trường Sa thì nhiệm vụ đó càng trở nên thiêng liêng hơn khiến người lính không thể rời vị trí. Năm kia được đón tết ở nhà cùng bố mẹ, năm ngoái đón giao thừa ở đảo Tốc Tan A gọi điện về nhà, bố tôi vẫn động viên “con yên tâm công tác, bố mẹ vẫn bình thường”... Tôi có một nhiệm vụ chưa hoàn thành trước bố tôi, đó là lập gia đình. Vậy nên lần này vào bờ, tôi muốn chạy về nhà thật nhanh...” - Điệp tâm sự. Đó là vài câu chuyện của những người trở về. Còn hàng ngàn người đang ngày đêm ở lại với Trường Sa, cả những người lính và nhân dân sống trên đảo, thì xuân Nhâm Thìn đã đến sớm với những chuyến tàu chở rau xanh, heo, mứt kẹo... đến với tất cả đảo nổi, đảo chìm trên quần đảo Trường Sa.

Vợ chồng người Dao ở hai ngả biên cương
Đêm trên đảo Đá Lớn B, ngồi giữa các nhà báo và lính đảo, Trung úy Chính trị viên Đặng Quốc Hiếu ôm ghi ta, say sưa hát bài Gửi em ở cuối sông Hồng. Em của anh, cô giáo Đàm Thị Duyên ở thành phố Lào Cai, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Vợ chồng Trung úy Hiếu đều là người dân tộc Dao, trong khi Hiếu làm nhiệm vụ ở vùng biển đảo Trường Sa, vợ anh ngày ngày gửi con trai Đặng Anh Kiên mới 28 tháng tuổi cho hàng xóm, chạy xe lên trường mầm non xã Phìn Ngan (Bát Xát, Lào Cai), cách nhà hơn 13 km, cách biên giới Trung Quốc chỉ nửa cây số. “Ngày nào tôi cũng nói chuyện với vợ và con trai qua điện thoại, cô ấy còn bảo, tôi phải tự hào vì có lẽ là người dân tộc Dao đầu tiên làm nhiệm vụ ở Trường Sa”. Trung úy Hiếu nói về việc sắp đón cái Tết đầu tiên ở Trường Sa của mình.
Các chiến sĩ ở đảo gói bánh chưng bằng lá cây Bàng vuông, một loại cây luôn gắn liền với đời sống của các chiến sĩ ngoài hải đảo.
Các chiến sĩ ở đảo gói bánh chưng bằng lá cây Bàng vuông, một loại cây luôn gắn liền với đời sống của các chiến sĩ ngoài hải đảo.
Những kỷ lục Trung úy Đỗ Văn Công, khẩu đội trưởng DKZ được coi là người đã ở Trường Sa lâu nhất đảo Đá Lớn A. Bắt đầu ra Trường Sa từ năm 2000, anh Công đã làm nhiệm vụ tại các đảo chìm Đá Lớn C, Tốc Tan B, Núi Le A, Tiên Nữ, Đá Tây trước khi đến đảo Đá Lớn A. Tết này, anh chưa được về với vợ con ở Quỳnh Lưu (Nho Quan, Ninh Bình), sẽ có tròn 100 tháng ở Trường Sa. Nhưng nếu tính theo Tết, Trung úy Công mới đón cái Tết thứ 7, thua Thiếu úy Trần Nguyên Hàn, phụ trách thông tin đảo Đá Lớn A, sẽ đón cái Tết thứ 8 ở đảo.
Mùa Xuân chiến sĩ trên quần đảo thân yêu của Tổ quốc
Mùa Xuân chiến sĩ trên quần đảo thân yêu của Tổ quốc
Người ít tuổi đảo nhất, là hạ sĩ quan duy nhất ở đảo Đá Lớn A là Trung sĩ Tống Văn Rắp, sinh năm 1989 ở xã Phước Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận), ra đảo tháng 7/2011. “Rắp là hạ sĩ quan nhưng là khẩu đội trưởng 12,7 ly, nên khi huấn luyện chiến đấu, hai thành viên của khẩu đội là sĩ quan, trong đó có tôi đều phục tùng mệnh lệnh của Rắp”. Thiếu tá, Chính trị viên đảo Đá Lớn Nguyễn Ngọc Dũng cho biết. Người nhiều sẹo nhất là Thượng úy Vũ Quốc Hải, Phó Chỉ huy trưởng đảo Đá Lớn B. Da đen, tóc cháy nắng vàng hoe, khắp người anh chằng chịt những vết sẹo do bị san hô cứa trong những chuyến đi đánh cá, bắt ốc cải thiện bữa ăn cho đơn vị.
H.A (tổng hợp từ Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Thanh Niên)