Xã chưa bao giờ có “Cử nhân”

22/01/2012 06:00
Thu Hòe
(GDVN) - Bao đời nay, người dân Vinh Tiền – Tân Sơn – Phú Thọ chỉ cho con học hết cấp 2 rồi nghỉ ở nhà lấy vợ, lấy chồng. Chưa có một ai thi đỗ đại học, cao đẳng.

Chưa có ai thi đỗ đại học.

Một ngày giáp Tết đoàn thiện nguyện báo Điện tử Giáo dục Việt Nam  đến thăm và tặng quà Tết các em học sinh nghèo xã Vinh Tiền – Tân Sơn – Phú Thọ.

Xã Vinh Tiền của huyện Tân Sơn nằm chỉ cách thành phố Việt Trì 80 km về phía Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội chừng150 km. Thế nhưng, Vinh Tiền lại là một trong những xã nghèo nhất cả nước nằm trong tỉnh Phú Thọ với tỷ lệ đói nghèo 76%.

Toàn xã Vinh Tiền có hơn 1.000 hộ dân sinh sống, phân bố rải rác ở 8 khu. Khu dân cư xa nhất cách trung tâm xã 8 km. Ở mỗi khu chỉ có 2 - 3 gia đình có kinh tế khá giả. Cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Ở Vinh Tiền - Tân Sơn - Phú Thọ, học sinh chỉ học hết cấp 2, một số rất ít học lên cấp 3 và xã chưa có trường hợp học sinh nào thi đỗ ĐH, CĐ. (Ảnh Thu Hòe)
Ở Vinh Tiền - Tân Sơn - Phú Thọ, học sinh chỉ học hết cấp 2, một số rất ít học lên cấp 3 và xã chưa có trường hợp học sinh nào thi đỗ ĐH, CĐ. (Ảnh Thu Hòe)

Điều đáng nói hơn là từ trước đến nay, hầu hết trẻ em nơi đây chỉ học hết cấp 2 rồi ở nhà lấy vợ lấy chồng. Một số ít được học lên được cấp 3 nhưng rồi cũng rang rở và nghỉ ở nhà lên rừng, xuống suối mưu sinh tìm cái ăn như bao đời người dân Vinh Tiền vẫn thế. Xã Vinh Tiền chưa có bất cứ một học sinh nào thi đỗ ĐH mà chỉ có diện “cử tuyển”.

Thầy giáo Hà Quang Sỹ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Vinh Tiền cho biết: “Bao đời nay, người dân Vinh Tiền chỉ cho con học cùng lắm là hết cấp 2. Một số gia đình cấp tiến hơn, có điều kiện hơn thì cho con học lên cấp 3. Tuy nhiên, xã Vinh Tiền chưa bao giờ có học sinh thi đỗ đi học ĐH, CĐ. Học sinh ở đây cũng không có khái niệm học ĐH, CĐ…”

Thầy giáo Hà Quang Sỹ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Vinh Tiền. (Ảnh Thu Hòe)
Thầy giáo Hà Quang Sỹ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Vinh Tiền. (Ảnh Thu Hòe)

“Lên Vinh Tiền dạy học gần 20 năm nay, ước nguyện lớn nhất của tôi và các thầy, cô giáo nơi đây là môt lần được đến trao thưởng và tiễn 1 học sinh của xã lên thành phố học ĐH, CĐ nhưng vẫn chưa có cơ hội để thực hiện ước nguyện đó. Giáo dục Vinh Tiền còn nhiều khó khăn quá và tủi thân quá khi những người đi học Trung cấp, CĐ, ĐH chỉ là những trường hợp thuộc diện cử tuyển của xã”, thầy Sỹ chia sẻ thêm.

Hiện cả xã Vinh Tiền có 234 học sinh ở 3 cấp học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở. Riêng khối Tiểu học và Trung học cơ sở, mỗi lớp học bình quân có khoảng 8 em học sinh.  Lớp ít nhất là 5 học sinh và lớp nhiều nhất là 9 học sinh.

Em Bàn Văn Thắng, học sinh lớp 8A, THCS Vinh Tiền cho biết: “Nhà cháu nghèo lắm lại đông anh em nữa nên cháu chỉ được học hết cấp 2 thôi. Học hết cấp 2, cháu sẽ nghỉ để nhường cho các em của cháu đi học…”

Khi phóng viên hỏi: “ Cháu có muốn học lên cấp 3 và đi thi ĐH để lên Hà Nội học?. Thắng hồn nhiên đáp: “ĐH là gì hả cô? Cả xã của cháu chưa có ai đi học cái đó cả. Đi học ĐH có tốn tiền không cô? Đi học ĐH có vui không cô? Đi học ĐH thì sau này sẽ giàu hả cô?... khiến những người có mặt phải xót xa.

Hai bố con bác Bàn Văn Dương và Bàn Văn Quý
Hai bố con bác Bàn Văn Dương và Bàn Văn Quý
Cậu bé Bàn Văn Quý bị mù hai mắt từ 7 tháng tuổi vì đau mắt không được điều trị sớm cũng không biết phải nghỉ học lúc nào vì nhà nghèo. (Ảnh Thu Hòe)
Cậu bé Bàn Văn Quý bị mù hai mắt từ 7 tháng tuổi vì đau mắt không được điều trị sớm cũng không biết phải nghỉ học lúc nào vì nhà nghèo. (Ảnh Thu Hòe)

Bác Bàn Văn Dương, phụ huynh của em Bàn Văn Quý, học sinh lớp 1A, trường Tiểu học Vinh Tiền cho biết: “Thỉnh thoảng xem trên ti vi thấy nhà đài nói về thi ĐH, thi CĐ. Cũng muốn cho con cái được đi học như thế lắm nhưng nhà nghèo quá không có tiền. Với lại, bao đời nay ở đây người ta cũng chỉ cho con đi học hết cấp 3 là cùng lắm rồi. Người Dao không cần học nhiều cũng lên rừng kiếm cái ăn được…”

Dường như những người dân và học sinh ở Vinh Tiền - Tân Sơn - Phú Thọ chưa khi nào có khái niệm học ĐH, CĐ hay thậm chí là TCCN hay là đi học nghề để lập nghiệp vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Điều này lý giải vì sao cho đến nay cả xã Vinh Tiền chưa có lấy 1 trường hợp thi đỗ ĐH, CĐ.

“Còn rất nhiều khó khăn…”         

“Còn rất nhiều khó khăn”, đó là những từ thầy giáo Hà Văn Sỹ, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Vinh Tiền dùng để hình dung về giáo dục ở Vinh Tiền hiện nay.

Theo thầy Sỹ, chỉ có 30% các em học sinh học lên Trung học cơ sở, 70% học sinh học xong cấp 1 phải nghỉ ở nhà để “cõng sắn”, lên rừng mưu sinh cùng bố mẹ. Số học sinh học lên Trung học Phổ thông lại càng ít, càng bị rơi rụng nhiều. Tỷ lệ học sinh nữ học lên Trung học cơ sở, Trung học phổ thông chiếm rất ít.

Chỉ có 30% các em học sinh học lên Trung học cơ sở, 70% học sinh học xong cấp 1 phải nghỉ ở nhà để “cõng sắn”, lên rừng mưu sinh cùng bố mẹ.
Chỉ có 30% các em học sinh học lên Trung học cơ sở, 70% học sinh học xong cấp 1 phải nghỉ ở nhà để “cõng sắn”, lên rừng mưu sinh cùng bố mẹ.

“Học sinh Vinh Tiền vẫn phải hằng ngày đi bộ vượt 5 – 6 km đường rừng để đến trường học. Những ngày nắng ráo đã đành, những ngày mưa gió, đường đất trơn trượt, sạt lở đất,… học sinh chỉ còn cách nghỉ học ở nhà.

Hai điểm trường lẻ là Đồng Khoai và Khang Lèn của xã đang cực kỳ khó khăn. Khu lẻ Đồng Khoai là nhà tạm bằng gỗ kê chân, nền đất, mái lợp prô xi măng, chưa có điện. Khu lẻ Khang Lèn không có công trình vệ sinh, không có nước. Cả hai điểm trường lẻ này đều nằm chênh vênh ở lưng chừng núi, giao thông đi lại rất khó khăn. Điều kiện dạy và học của giáo viên và học sinh cực lỳ thiếu thốn…”, thầy Sỹ cho hay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguồn thu nhập chính yếu của người dân Vinh Tiền là từ việc trồng sắn và số ít từ những cánh ruộng bậc thang lẻ loi chạy trượt theo những khoảng đồi thấp. Người dân sống phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, làm những công việc thời vụ.

Cái khó bó cái khôn với người dân Vinh Tiền. (Ảnh Thu Hòe)
Cái khó bó cái khôn với người dân Vinh Tiền. (Ảnh Thu Hòe)

Những ngày giáp Tết này, người dân xã Vinh Tiền lại rồng rắn rủ nhau lên rừng lấy măng rừng, lá rong về bán lấy tiền. Ngoài thời gian đến trường, học sinh ở Vinh Tiền sớm phải nặng gang mưu sinh cùng gia đình. Từ trung tâm xã Vinh Tiền (Trường Tiểu học và Trung học cơ sở  Vinh Tiền đóng tại trung tâm xã) người dân phải vượt 12 km mới tới được chợ duy nhất của xã. Cộng với việc khó khăn về đời sống kinh tế và điều kiện giao thông, nên đi chợ là một việc “xa xỉ” và hiếm hoi của người dân trong xã”.

Cả xã Vinh Tiền có tới hơn 76% dân số là người dân tộc Dao, 14% là người dân tộc Mường và chỉ có 10% dân tộc Kinh.

Lý giải cái nghèo ấy, thầy Sỹ nói: “Vinh Tiền là xã miền núi của huyện Tân Sơn. Diện tích đất canh tác ít. Giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, chủ yếu là đường đất, đường rừng. Điện chưa có hết trên toàn xã. Mọi hoạt động giao thương của xã cực kỳ hạn chế và khó khăn vì cách xa chợ, xa trung tâm huyện. Trình độ dân trí và nhận thức của người dân về giáo dục còn hạn chế lắm…”

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội



Có thể bạn quan tâm

Nhật ký Pả Vi

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Hồ sơ HS Lớp học Hy vọng

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Chân dung GV tình nguyện Lớp học Hy vọng

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

Bữa cơm có thịt

Thu Hòe