Tinh vi khấn thuê ở đền Bà chúa Kho
Những ngày cuối năm, theo dòng người hành hương, chúng tôi tìm về đền bà Chúa Kho ở Cô Mễ, xã Vũ Ninh (thành phố Bắc Ninh).
Ngay từ chỗ gửi xe, cho tới cửa chính của Đền, hoặc phía trên nhà chờ sắp lễ, đập vào mắt chúng tôi là tấm biển lớn ghi chú: “Quý khách không nhờ cúng thuê, lễ mướn”. Tuy nhiên, trên thực tế, dịch vụ này vẫn âm thầm diễn ra khá nhộn nhịp bằng những cách tiếp cận khách hàng tinh vi, kín đáo của đội ngũ khấn thuê.
Những người khấn thuê ăn mặc bình thường trà trộn vào dòng người đang nô nức đi trả nợ, tạ ơn Bà. |
Nếu như trước đây, người hành hương về đền Bà Chúa dễ dàng nhận ra những người khấn thuê bởi đội ngũ này hoạt động công khai, có khi lên đến cả trăm người (đa phần là phụ nữ tuổi trung niên, trên tay đều cầm chiếc đĩa con và 2 đồng tiền cổ và mấy tờ 500, 1000 đồng sẵn sàng “tiếp cận” khi có khách thập phương tới cúng lễ) thì gần đây, do sự giám sát chặt chẽ của Ban quản lý đền, “nghề” khấn diễn ra âm thầm, lén lút.
Theo đó, những người khấn thuê trên tay không cầm theo vật dụng nào. Họ ăn mặc bình thường như những người đi lễ, trà trộn vào dòng người đang nô nức đi trả nợ, tạ ơn Bà. Họ thường ngồi rải rác ghế đá, bên cột đền, ngay bậc thang lên xuống ở cổng chính hay đi loanh quanh gần khu vực sắp lễ.
Khi thấy PV ngơ ngác tìm các cửa đền chính để đặt lễ, chị T. - người phụ nữ trạc 30 tuổi mon men lại gần hỏi han: “Chị đi lễ một mình hay đi cùng gia đình. Ở đây, em quen cửa Bà Chúa rồi, chị có nhờ khấn không, em khấn cho”. Chẳng kịp để vị khách lạ kịp trả lời, chị vồn vã hỏi tên tuổi, quê quán, sau đó nhanh miệng khấn: "Mong Bà từ bi hỉ xả giúp con Nguyễn Thị Mai, nhà ở Đông Anh, Hà Nội năm mới được tiền tài, nhà cửa khang trang". Một bài khấn thuê bài bản đã được “lập trình sẵn” tuôn ra, “diễn” một cách trơn tru, không va vấp một lời nào!
Nhắc nhở về việc khấn thuê, lễ mướn được cảnh báo ở khắp mọi nơi, từ nhà xe cho tới trong đền chính. |
Ông Nguyễn Ngọc Sự - Trưởng ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho bày tỏ: “Chúng tôi có cái khó là khi vắng thì khách không cần thuê, nhưng sang tháng quanh đền chật ních người, nhu cầu “khấn nhờ”, “khấn giúp” của khách cao thì ban quản lý không thể quản được”.
Vào những tháng cuối năm hay mùa lễ hội đầu năm, mặc dù lực lượng an ninh, quản lý, dân phòng, chính quyền địa phương đều được huy động, tăng cường, tuy nhiên, số lượng người giám sát này dường như vẫn không đủ “tai mắt” để kiểm soát, phát hiện ra hết những người khấn thuê.
“Dưới phòng an ninh có loa phát suốt cả ngày, yêu cầu, nhắc nhở người dân không được khấn thuê, lễ mướn, khắp mọi nơi, chúng tôi giăng biển, khẩu hiệu nghiêm cấm việc làm này nhưng nhiều người dân vẫn thờ ơ, vẫn muốn sử dụng dịch vụ”, ông Nguyễn Ngọc Sự - Trưởng ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho lắc đầu nói. |
Theo ông Sự, người dân khó cưỡng khi “đứng bên cạnh mình, có một người khấn thuê, bài khấn nghe hay hay, về mặt tâm linh có vẻ hợp ý nguyện của mình nên cũng muốn sử dụng dịch vụ”. Thay mặt ban quản lý, ông Sự hứa hẹn: Tất cả các ban bệ ở địa phương sẽ đều vào cuộc. “Ban an ninh nếu phát hiện ra sẽ yêu cầu xử lý, nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì gọi bố mẹ tới để kỷ luật theo quy định”.
Khấn thuê, kiếm tiền triệu mỗi ngày
Mỗi khi bài khấn kết thúc, người khấn thuê lại xin trả công. Nhưng khi khách trả 10.000 - 20.000 đồng, người khấn lập tức lắc đầu chê ít. Họ thường phàn nàn: "Lộc ít - lộc rơi, phải 100.000 đồng thì về mới làm ăn thuận lợi được. Xởi lởi thì Bà Chúa cho, đã về đến cửa Bà Chúa thì đừng bo bo vào mình như thế" để “câu tiền” khách tới tạ ơn, tế lễ.
Chị Hoa, một người sắp lễ thuê cho biết: “Tùy thuộc vào mức độ hay của lời khấn mà các vị khách cho nhiều hay cho ít. Nếu khấn 1 – 2 ban, người ta thường cho 50.000 đồng/lần, nếu khấn cả 3 ban chính, số tiền đội lên tầm 200.000 – 300.000 đồng/lần, còn thêm ban Cô, ban Cậu thì thành 5 ban, tiền khấn có thể sẽ cao hơn. Mình muốn nhờ người khấn thuê, yêu cầu như nàophải nói trước, nếu tiền ít phải dặn trước để họ còn biết”.
Theo đó, tùy số tiền mà có những người khấn rất bài bản, cẩn thận hoặc chỉ khấm qua loa cho xong để còn tìm "mối" khác.
Cô M. (ảnh), người khấn thuê tại đền Bà Chúa Kho cho biết: Những ngày vắng thì cũng khấn được 2 – 3 người, còn ngày đông thì không kể hết. |
Cô M, một người phụ nữ chừng 50 tuổi khoe: “Ở đây, những người khách quen, ai cũng muốn nhờ cô khấn vì cô khấn cẩn thận, thời gian một lần khấn của cô bằng người khác khấn cho 3 người. Những ngày vắng, cô cũng khấn được 2 – 3 người, còn ngày đông thì không kể hết”.
Hầu hết những người khấn thuê khi được hỏi giá trước đều trả lời rằng: “tùy tâm”, nhưng đến khi lấy tiền, họ đều ra giá ít nhất là 50.000 đồng/lần, trung bình là 100.000 – 200.000 đồng/lần.
Chị Huyền, một người khấn thuê kể: “Có lần, ông chủ tịch tỉnh Ninh Bình sau một năm làm ăn phát đạt lên đền Bà Chúa Kho tạ ơn Bà, nhờ chị khấn giúp và đã hảo tâm cho tới 500.000 đồng”.
Hỏi về thu nhập bình quân một vụ mùa lễ hội, chị Huyền chỉ cười: “Lộc bà cho, ai dám tiết lộ”. Khi chúng tôi gạn hỏi: Liệu có hơn 10 triệu đồng/tháng không, chị gật đầu: Cũng được khoảng hơn thế!
Mặc dù, ban quản lý đền treo nhiều bảng hiệu nhắc nhở về việc cúng thuê, lễ mướn nhưng dịch vụ này vẫn rất hút khách và hái ra tiền mỗi dịp đầu năm, cuối năm. |
Theo lời chị Huyền kể, hàng năm, những người lao động tay chân quanh đây đều tranh thủ bỏ nghề nông, nghề thủ công để đi “kiếm cơm” bằng nghề khấn thuê, lễ mướn. “Cả năm, Bà cho có mấy ngày nên phải tranh thủ, sau đó, khi hết vụ, khách vắng vẻ, chúng tôi lại về làm nông” – chị Huyền nói.
Mặc dù không thể tổng kết, thống kê được số “lộc” mà những người khấn thuê, lễ mướn kiếm được mỗi mùa lễ hội, nhưng nhìn vào số lượng người nhờ khấn thuê đông đảo, ai cũng có thể ước đoán rằng: Mỗi ngày, những người này có thể kiếm được hàng triệu đồng là điều hoàn toàn có thể!
Bài, ảnh: Hân Ni