Cuối năm, khi người dân cả nước đổ xô về đền Bà chúa Kho (Bắc Ninh) trả lễ, xin lộc rơi, lộc vãi thì cũng là thời điểm người dân ở đây kinh doanh phát đạt nhất. Ngay trên đường vào đền, các cửa hiệu sắp lễ, viết sớ mọc lên san sát bày xôi, gà, hương hoa, vàng mã...
Khách sắp lễ thuê “tiếp thị”, đeo bám khách hành hương ngay từ cổng nhà xe. Một vài người phụ nữ trạc 30 tuổi khi thấy khách dắt xe vào, lập tức lại gần, hỏi han, trò chuyện và chỉ dẫn cho khách đường đi lối lại, mục đích cuối cùng là câu kéo khách vào cửa hàng mình sắp lễ.
Dịch vụ "ăn theo" tại đền Bà Chúa Kho đắt khách ngày cuối năm. |
“Tiền lễ thì vô cùng lắm, tùy tâm của gia chủ. Làm ăn tốt thì tạ nhiều, làm ăn thất bát thì tạ ít. Bao nhiêu tiền chúng tôi cũng sắp lễ được, 50 hay 100 nghìn đồng, thậm chí có người chỉ hương, hoa mất khoảng 20 – 30 nghìn đồng” – anh Kiên, chuyên cung cấp dịch vụ sắp lễ thuê tại đây "bật mí".
Lần đầu tiên Vũ Thu Hoài (sinh viên mới ra trường, đang làm việc tại một công ty máy tính tại Hưng Yên) tới đền Bà chúa Kho, do bỡ ngỡ nên cô bạn răm rắp làm theo lời tư vấn của người sắp lễ thuê. Trong túi chỉ mang theo 200 nghìn đồng, Hoài dè dặt nhờ chị chủ quán sắp cho cái lễ 50 nghìn đồng gọi là chút quà để tạ ơn Bà những ngày cuối năm. Chị chủ quán niềm nở: “Yên tâm, để chị sắp cho, tuy không đầy đặn như những mâm 200 – 300 nghìn đồng của người khác nhưng cũng sẽ đầy đủ”.
Theo phân trần của các chủ quán sắp lễ: Giá cả năm nay tăng hơn so với mọi năm do giá nhập vàng mã tăng lên khoảng 50%. |
Không chỉ bị “chém đẹp” trong mâm lễ tạ Bà, nhiều khách hàng còn bị gạ gẫm khấn thuê, sau đó, lại rước bực mình vào thân khi người khấn đòi giá quá cao.
“Nhìn khuôn mặt chị ấy hiền lành, lại là con gái làng quan họ, nên khi chị rỉ tai: Để chị khấn hộ cho nhé, “chốn đông người, em lắp bắp khấn, Bà Chúa lại khó nghe” nên mình gật đầu đồng ý. Cứ tưởng khấn giúp không công, ai dè, khấn xong, chị ấy xòe tay: Cho chị xin 80 nghìn đồng, lúc này, mình mới ngã ngửa người ra. Chưa đầy 5 phút đã mất toi gần 100 nghìn đồng. Mình thấy như bị lừa vậy!” – Bạn gái Lan Hương (Ba Đình, Hà Nội) vẻ mặt rầu rĩ than thở.
Không chỉ lễ thuê, khấn mướn, các dịch vụ đổi tiền lẻ, cho thuê mâm, dịch vụ kinh doanh buôn bán “ăn theo” cũng nhan nhản, mọc lên san sát, chiếm hết lối đi.
Giá các mặt hàng hoa quả tại đền Bà chúa Kho cũng tăng chóng mặt. |
Lấy lý do gà ở đây ngon, ngọt thịt, nhiều chủ cửa hàng sẵn sàng “chém” khách với giá 350 – 400 nghìn đồng cho một con gà chừng 2kg. Nhiều vị khách cũng tỏ rõ sự ngạc nhiên khi thấy giá của một con gà to bằng nắm tay được làm sẵn lên tới 150 ngàn đồng, mấy quả cam với đĩa xôi, ít vàng hương cũng được hét tới 100 ngàn đồng...
Nếu như giá ngoài thị trường, quýt nhỏ được rao với giá 22 – 25 nghìn đồng/kg thì ở đây được bán với giá “cắt cổ” 35 – 40.000 đồng/kg. Một quả bưởi thắp hương ngoài chợ chỉ khoảng 8 nghìn đồng, khi vào lễ đền Bà chúa Kho được thổi giá lên 25 nghìn đồng/quả.
Để có một mâm lễ tạ Bà, khách thập phương phải chi khoảng vài trăm tới hàng triệu đồng tiền mặt. |
Giải thích với chúng tôi, các chủ cửa hàng sắp lễ thuê đều cho biết: Do giá nhập nguyên vật liệu tăng lên khoảng 50% nên giá bán cũng đội thêm chút đỉnh so với mọi năm. Nhiều mặt hàng vàng mã được nâng giá lên chừng 10.000 – 20.000 đồng/sản phẩm. Một lá trầu vàng được bán giá 5.000 đồng, trong khi giá nhập vào theo "bật mí" của chủ cửa hàng là 4.000 đồng, một thẻ nhang nhập 2.000 đồng, bán ra 3.000 đồng, cây sung vàng, cây lộc nhập vào với 23.000 đồng, bán ra 25.000 đồng.
“Do nhiều khách quen nên chúng tôi cũng không dám nâng giá nhiều, mỗi mặt hàng chỉ lãi được vài nghìn đồng. Nói thì mọi người không tin chứ 3 tháng ròng lễ hội, gia đình tôi chỉ kiếm được chừng 10 triệu đồng. Hết vụ lại về quê để làm nông, không thể bỏ nghề nông được!” – anh Tuấn, người sắp lễ thuê ngay tại cổng đền cho biết.
Trong khi đó, trong cuộc tán gẫu lúc chờ xe, một ông chủ quán quán ăn ven đường đã vui vẻ “buôn chuyện”: “Khách thập phương cứ đổ xô đi vay, trả bằng vàng mã thì tổ làm giàu cho bọn buôn thần bán thánh”. Mùa lễ hội mỗi năm, các cửa hàng vàng mã, làm dịch vụ cúng lễ lớn ở đây sau khi trừ chi phí, thuê chỗ cũng đút túi ngót nghét vài ba trăm triệu đồng, chứ không phải chỉ 10 triệu đồng như anh Tuấn thừa nhận.
Trao đổi với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, đại diện Ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho phân trần: Giá cả thị trường phía ngoài đền, Ban quản lý không kiểm soát, người mua và người bán tự thỏa thuận theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Mỗi tháng, chủ cửa hàng phải nộp cho đơn vị địa phương một khoản phí kinh doanh nhất định và chịu sự giám sát của địa phương về an ninh, trật tự.
Vì vậy, “người tiêu dùng nên mặc cả và trao đổi thẳng thắn giá trước khi quyết định mua kẻo tiền mất, tật mang”, vị đại diện này nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Khuê Hạ