Lễ hội chùa Hương sẽ bắt đầu vào ngày 28/1 (tức ngày mùng 6 Tết Nhâm Thình). Chiều qua (26/1), trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho hay: “Ban tổ chức lễ hội chìa Hương sẽ áp dụng lệnh phạt đối với tất cả các cá nhân và hộ gia đình xả rác không đúng nơi quy định, mức phạt từ 100-300 nghìn/trường hợp.
Chúng tôi đã bố trí rất nhiều các điểm bỏ rác, cũng không thể đặt thêm thùng rác nữa, vì để nhiều quá nhìn cũng rất mất mỹ quan. Tôi cho rằng, vấn đề ở đây là do thói quen của bà con nhân dân ‘tiện tay ném bừa’, vì thế mà mỗi khi kết thúc lễ hội rác rưởi ngập ngụa khắp nơi, không chỉ làm mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng tới môi trường”.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức |
Cũng theo ông Hậu, vào mùa lễ hội năm nay, Ban tổ chức lễ hội sẽ cấm việc sử dụng loa đài để quảng cáo bán hàng, làm ảnh hưởng đến khách du lịch và không gian lễ hội của chùa. Bên cạnh đó, sẽ không còn cảnh bán thịt thú rừng tươi sống tự do như trước đây nữa. “Trong khu vực chùa, chúng tôi sẽ cấm bán hàng, còn ở những điểm bán hàng bên ngoài thì các loại thịt tươi sống phải có tủ kính chứ không được treo tự do ngoài trời như trước, bởi như vậy vừa mất vệ sinh mà du khách quốc tế đến vãn cảnh nhìn thấy điều này cũng rất phản cảm”, ông Hậu nói.
Vị Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, năm 2011, chùa Hương đón khoảng 1,4 triệu lượt khách du lịch, còn năm 2010 là 1,3 triệu lượt khách. Theo ông Hậu: “Hiện chùa Hương có 4.600 đò các loại, trong đó có khoảng 3.500 đò chở được hơn 10 người, và hơn 1000 đò chở được hơn 15 người. Hiện toàn khu vực chùa Hương có khoảng 4.600 đò các loại để chở khách vào tham quan chùa Hương. Nếu tất cả các đò cùng xuất bến thì sẽ không lo chuyện không phục vụ được nhu cầu đi lại của du khách. Ban tổ chức dự kiến giá vé đi đò mùa lễ hội năm nay dao 25.000 đồng đến 30.000 đồng. Sở dĩ có sự chênh lệch giá vé như trên là do ban tổ chức lễ hội đã trang bị một số loại đò chất lượng cao, du khách ngồi ghế nhựa chứ không phải ngồi trên thanh gỗ như mọi năm”.
Ông Nguyễn Văn Hậu cho biết, số lượng đò luôn đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của du khách |
Giải thích thắc mắc của phóng viên về tình hình tắc nghẽn, nạn phe vé cáp treo, an toàn đi lại trên đò, ông Hậu cho hay: “Vào năm 2009 khi khai hội thì có xảy ra chuyện tắc nghẽn, đó là do cầu Hội mặt cắt chỉ có 12m, chúng tôi đã cải tại mở rộng thành 24m và không còn xảy ra tình trạng tắc nghẽn nữa. Chuyện phe vé tại cáp treo chùa Hương là có, do khối lượng khách du lịch rất đông nên khách thường phải chờ từ 1-2 giờ đồng hồ mới tới lượt đi, nhiều khách không chờ được đã bán lại với giá rẻ cho những người khác, sau đó những người mua vé này lại bán cho du khách mới đến để ăn chênh lệch. Về vấn đề này, chúng tôi cũng đã có cảnh báo với công ty kinh doanh dịch vụ cáp treo, hiện tượng này có thể làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự ở khu vực cáp treo.
Còn với vấn đề đảm bảo an toàn cho du khách đi đò thì chúng tôi đã bố trí 3 đội cứu hộ được trang bị xuồng, áo phao, có bác sĩ… tại chùa Hương chưa từng xảy ra chuyện gì đáng tiếc, cách đây khoảng 5 năm chỉ có duy nhất một trường hợp trốn vé đi ra sông đáy và bị chìm thuyền. Vì vậy, du khách đến vãn cảnh cần tuân thủ đúng các quy định và hướng dẫn của lực lượng chức năng, do khách đến đây rất đông nên khi lên xuống khách phải nhớ được địa điểm đò dừng, tránh lên nhầm đò, ghi nhớ vị trí lên xuống đò là cần thiết vì nếu phụ thuộc vào điện thoại thì rất nhiều lúc sẽ không gọi được do bị nghẽn mạng”.