Những tưởng chuyện cấm đốt pháo trước đây sẽ phần nào hạn chế được nguy cơ tai nạn cháy nổ, ảnh hưởng tới con ngươi. Nhưng cấm một đằng, những đứa trẻ, học sinh hay sinh viên vẫn còn nhiều cách để “sở hữu” những vật liệu cháy nổ nguy hiểm. Thậm chí, ở góc độ nào đó trẻ em các vùng nông thôn còn được bố mẹ “ủng hộ” chơi và dùng “vũ khí nóng” như súng bắn đạn nhựa, gươm, dao, gậy… một cách nhiệt tình.
Những quả pháo hoa Trung Quốc trông không khác quả lựu đạn được mang về từ Quảng Ninh, mặc trên đó đã cảnh báo nguy hiểm nhưng trẻ con vẫn hồn nhiên đốt. Ảnh Phương Thảo |
Sau Tết nói chuyện giới trẻ đang ngày sa đà vào thói quen “chết người” này mới thấy được mức độ nguy hại ngày càng báo động. Thực tế, tại các vùng nông thôn trẻ em cả năm, ngoài thời gian đi học còn phải cắm cúi vào làm việc giúp đỡ gia đình, tết đến là dịp để các em “lấy công” bằng cách đòi mua những đồ chơi mang tính bạo lực để “thể hiện sức mạnh” và ra oai với bạn bè.
Tại xã Địch Quả, Thanh Sơn, Phú Thọ, một miền quê trung du của vùng đất Tổ bỗng nổi cồn, nổi gió lên trong mấy năm gần đây. Cứ dịp Tết đến trẻ con, học sinh, thậm chí cả sinh viên đi học xa nhà trước khi về nghỉ Tết cũng cố tìm cho mình những “món đồ” để chơi Tết. Hậu quả của những trò “tinh nghịch” này đã có người phải đi viện. Không biết làm cách nào, tối 30 hàng năm những quả pháo hoa Trung Quốc vẫn tuồn về vùng quê này mỗi lúc một nhiều. Trẻ con, thanh niên đứa ít thì 1 quả, đứa nhiều 5-7 quả đúc trong túi quần, mỗi quả được bán từ 40.000-60.000đ.
Một học sinh lớp 8 tại xã Địch Quả, Thanh Sơn, Phú Thọ đang châm ngòi nổ cho quả pháo hoa loại dài của Trung Quốc. Ảnh Phương Thảo |
Nhìn những quả pháo hoa dài bằng gang tay, bên ngoài cuộn một lớp giấy cứng mỏng màu ghi không khác nào quả mìn tự chế. Một học sinh lớp 8 tại đây bật mí: “Pháo này giờ mua cũng dễ, không khó như mấy năm trước. Mấy năm trước xã cấm mạnh nên buổi tối hoặc chiều 30 Tết sẽ mang ra bờ sông Bứa đốt, ngoài đó có mà trời biết ai đốt. Bây giờ thì đốt thoải mái trong này, không sợ ai cả. Công an xã đến những nơi có tiếng nổ thì chúng em đã chạy mất tăm rồi”.
Khu trung tâm xã Địch Quả còn rộn ràng hơn khi mấy thanh niên đi học trên Quảng Ninh mang “quà” về nghỉ Tết là những trái pháo hình lựu đạn được bọc kín bằng vài lớp nilon, bên ngoài đã ghi rõ cảnh báo nguy hiểm bằng tiếng Anh nhưng mặc kệ, đám trẻ chẳng thèm quan tâm. Đêm giao lừa mang ra giữa chợ đốt, một thanh niên tên H nói: “Mấy quả này lấy ở Móng Cái, có đứa bạn trong Thanh Hóa buôn về mấy trăm quả để bán cho trẻ con bắn lúc giao thừa, em ở cùng phòng nên được tặng 3 quả làm “kỷ niệm” thời ở cùng nhau và đón xuân mới”.
Những ngày Tết vừa qua tình trạng trẻ em chơi súng nhựa bắn đạn ngày một nhiều, có những vụ bắn vào mắt nhau phải đi cấp cứu. Ảnh Phương Thảo |
Thật vậy, có một thực tế rằng, đã cấm đốt pháo từ lâu, trước kia thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới dường như khó ai đoán được, thì hiện nay ở những vùng nông thôn lại khác, không khí giao thừa đã rất rõ khi những tiếng nổ đùng, đoàng từ đầu xã tới cuối thôn do âm thanh của những quả pháo hoa Trung Quốc đủ loại, thậm chí có thanh niên còn kiếm thuốc nổ làm mìn thay pháo đêm giao thừa cho tiếng nổ lớn hơn.
Một hậu quả đáng thương mà đến giờ người dân vùng núi Địch Quả chưa quên, trong đêm 30 Tết vừa qua, một thanh niên đã phải cấp cứu vì cụt một ngón tay do đốt pháo hoa Trung Quốc loại lớn. Mặc dù đã có nhiều vụ tương tự nhưng những tiếng pháo vẫn nổ đêm giao thừa, chính quyền, công an xã Địch Quả cũng đành “bất lực” ngồi nhìn.
Không những tham gia đốt pháo, những học sinh độ tuổi lớp 4, lớp 5 ở đây còn say sưa thể hiện sức mạnh oai phong của mình khi được bố mẹ “trang bị” những khẩu súng bắn đạn nhựa như thật. Mỗi khẩu được bày bán ngang nhiên ở phiên chợ với giá từ vài chục tới vài trăm nghìn đồng.
Một bé trai nghịch pháo bị cụt tay. Ảnh minh họa |
Nhiều chuyên gia tâm lí nhận định, nếu cứ để tình trạng học sinh thoải mái sử dụng những mặt hàng được cho là “nóng” này, chẳng mấy chốc một thế hệ thanh niên sẽ bị thui chột. Các em có tâm lý dùng “vũ khí” minh họa làm được thì dần sẽ biết cách dùng những loại hung khí thật để sát hại nhau. Nghiêm trọng hơn, các đồ chơi bạo lực hiện nay có cảm giác đang được thả lỏng, rất khó quản lí.
Đầu năm nói chuyện vui nhưng cũng phải ngoái lại nhìn những cảnh trẻ con hồn nhiên chơi súng, chơi pháo ngày càng nhiều để thấy rằng, khẩu hiệu “Nghiêm cấm đốt pháo dưới mọi hình thức” mà chúng ta lâu nay đưa ra vẫn chỉ là khẩu hiệu. Trẻ con vẫn có nhiều cách để sở hữu “hàng nóng”. Trước đó, đã có nhiều hậu quả để lại do chơi pháo như cụt tay, mù mắt. Nhưng nói gì với trẻ em và học sinh hiện nay đốt pháo và chơi những trò bạo lực đã là thói quen mối khi Tết đến xuân về
Có thể bạn quan tâm |
|
Phương Thảo