Tiếp tục cuộc trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam về chủ đề nông dân, nông thôn, nhà thơ Trần Đăng Khoa đề cập tới câu chuyện thời sự đang thu hút sự chút ý của dư luận: vụ cưỡng chế ở Hải Phòng. Theo nhà thơ, mặc dù hành vi của ông Vươn và nhiều đối tượng trong vụ án là phạm pháp nhưng câu chuyện xảy ra với gia đình người nông dân này cũng khiến cho nhiều người thương cảm, nhất là khi vợ con anh ta phải đi ở nhờ, rồi dựng tạm túp lều sống qua ngày, còn nhà thì đã bị đập nát. Ngay cả chuyện thu hồi đất, rất nhiều người từng là lãnh đạo cao cấp của đất nước cũng đặt câu hỏi: Thu hồi để làm gì?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Hiện nay, chúng ta đang quan tâm rất nhiều tới việc quy hoạch đô thị, có nhiều chiến lược, kế sách. Nhưng thử hỏi chúng ta có được bao nhiêu công trình, đề tài, bao nhiêu tâm huyết của lãnh đạo quan tâm tới nông thôn? Cho nên, tôi có cảm giác nông thôn hiện nay phát triển mang tính tự phát. Nhơm nhếch và hoang dại một cách rất hiện đại.
Tôi nhận thấy một điều thế này, bây giờ các làng quê còn giữ được nét nguyên sơ như ngày xưa không còn nhiều, nhất là những vùng ở ven đô thị. Nó bị biến thành một phần của đô thị, vì nhiều lý do khác nhau. Còn những làng quê giữ được cái nét đặc trưng của nó thì có điểm đặc biệt là dân ở đó nghèo, ví như làng cổ Đường Lâm chẳng hạn…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nhà văn hóa lớn Hữu Ngọc có nhiều năm hoạt động trong Quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển. Ông quan tâm nhiều tới những ngôi nhà mang đặc tính dân tộc, thuần chủng thôn quê, để rồi tìm cách tài trợ, phục dựng những ngôi nhà đó. Và rồi, khi đi khảo sát, ông phát hiện ra rằng, chỉ còn một nơi giữ được, là làng Đường Lâm (Hà Nội). Nhưng Đường Lâm giữ lại được không hẳn vì người dân có ý thức, mà vì đó là vùng quê rất nghèo, chẳng có nghề gì ngoài nghề tráng bánh đa và kẹo kéo. Nghề kẹo kéo, bánh đa thì không thể phá làng được. Và ông Hữu Ngọc có kết luận rất đau xót thế này: “May mà cái nghèo, cái đói đã cứu được cả một mảng văn hóa đang bị hủy diệt”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa băn khoăn: Tại sao một trí thức như Đoàn Văn Vươn lại phải hành động như vậy? |
Vậy nghĩa là sẽ không còn cái sự bần hàn nếu hết nông dân?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Điều đó có xảy ra thì tôi và chú cũng đã biến khỏi cái thế giới này lâu lắm rồi (Cười). Nói gì thì nói, chúng ta cũng không thể bỏ cây lúa được. Điều quan trọng là chúng ta làm thế nào để đời sống của người nông dân giàu lên? Vai trò của người nông dân rất quan trọng. Hãy cứ xem trong cuộc kháng chiến, con em ai hy sinh nhiều nhất? Xin trả lời ngay đó là con em nông dân.
Bây giờ, vẫn còn hàng vạn con em nông dân nằm dưới lòng đất mà không tìm thấy hài cốt. Cho nên, chúng ta phải nghĩ ra cách nào đó để người nông dân có thể sướng được, làm giàu được thì sự hy sinh ấy mới có ý nghĩa. Làm sao để họ có thể sống được, sống đàng hoàng trên chính mảnh đất của mình. Về vấn đề này, Lênin nói rất hay: “Hãy để người nông dân nghĩ trên luống cày”. Tôi nghĩ cái đó rất đúng. Chính luống cày sẽ dạy cho họ cách sống và cách làm giàu như thế nào. Mặt trái của tiến trình đô thị hóa đã khiến nhiều làng quê không còn nữa, cái giàu của nông dân là cái giàu giả. Trước mắt, anh bán được ít đất, có thể mua được xe máy, thậm chí có người còn tậu được cả ô tô. Nhưng ô tô, xe máy để làm gì? Trong khi trong nhà rỗng tuếch và con cái không có tiền ăn học. Đấy là những lạc quan bi kịch mà hậu quả thì rất khó lường.
Và nông dân, có lẽ cái cách họ ứng xử đôi khi đáng trách mà cũng thật đáng thương, như trường hợp của Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng) chẳng hạn…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Phải xem vụ Đoàn Văn Vươn là một bài học đau xót. Tại sao một trí thức, có học, một người cần cù, rất hiểu luật pháp, rất hiểu cái giá phải trả cho mỗi hành động của mình mà lại nổ súng vào lực lượng cưỡng chế? Dù Đoàn Văn Vươn đang chịu nhiều nỗi ấm ức, nhưng cái cách chống trả lực lượng chức năng như vậy cũng là không nên, và đó cũng là cách hành xử rất… nông dân. Có người bảo, đấy là “tức nước vỡ bờ”, một kiểu phản kháng của Anh Pha, Chị Dậu thời hiện tại. Và không dừng lại ở đấy đâu, nếu các nhà quản lý không rút kinh nghiệm, không lấy đó làm một bài học cay đắng. Một người đã bỏ toàn bộ tài sản, công sức khai hoang, phục hóa, biến cả một vùng đầm lầy nước mặn thành ruộng vườn, đầm bãi, đến khi thu hoạch thì lại bị mất tất cả.
Chị Thương (vợ anh Vươn) trong túp lều dựng tạm |
Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đã chỉ rõ rằng, trường hợp này Đoàn Văn Vươn vẫn được quyền sử dụng đất, chỉ trừ trường hợp ông ấy để không trong một năm trời không đưa vào khai thác (mà điều này thì đã được loại trừ), còn trường hợp khác là nhà nước sử dụng cho công trình an ninh quốc phòng, an sinh xã hội thực sự quan trọng, nhưng trường hợp này cũng không phải. Thế thì thu đất để làm gì? Nếu thu để rồi lại giao cho người khác thì cần phải xem lai. Và nếu đã thu của người ta thì phải đền bù cho công sức, tiền của người ta đầu tư vào đấy. Vả lại chỉ có giải tỏa một khu đất mà lại huy động cả một lực lượng lớn cảnh sát, bộ đội thì có nên không? Rồi lại thu vét cá trong ao đầm người ta, phá cả nhà cửa của người ta không nằm trong khu giải tỏa, với lý do là nơi cố thủ của kẻ chống đối, nhưng rồi lại chẳng bắt được kẻ “chống đối” nào trong căn nhà đó.
Vậy họ thoát bằng cách nào trước sự vây bủa của hàng trăm cảnh sát và bộ đội? Đây là một vụ việc rất đau xót. Một vụ việc đã vượt ra ngoài khuôn khổ cụ thể của nó. Rất may, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo cần phải làm rõ trắng đen. Ai sai và sai đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó. Chúng ta hãy chờ xem…
Tôi thì nghĩ tới một chuyện khác xa xôi, người nông dân đó hành động dại dột, rồi đây cái hệ lụy mà vợ con anh ta phải chịu đựng sẽ rất ghê gớm. Chị Thương, vợ anh Vươn sẽ “một vai hai gánh”, vừa phải chăm con, vừa phải lo cả chuyện làm ăn… nhưng tôi cũng tin rằng, rồi đây mọi chuyện sẽ được làm sáng tỏ… Ở các vùng quê, người nông dân vẫn đang đối mặt với nhiều áp lực, nhất là chuyện “cơm, áo, gạo, tiền”, đôi khi họ cũng phải chịu đựng sự ấm ức, nhưng dù sao đi chăng nữa, tôi vẫn thích cuộc sống ở làng quê hơn, vì ở nơi đó tôi thấy tình người luôn ấm áp. Cuộc sống ở phố xá khiến cho rất nhiều người bị bao chặt bởi một kiểu quan hệ vụ mùa, nhân dịp này nọ… ấy thế nên có một người bạn của tôi đã chia sẻ rằng, cậu ấy không dám đến nhà sếp chơi, cho dù là tình cảm quý mến thực sự chứ không có ý nghĩ đến nhờ vả gì, vì sợ bị mang tiếng “quan hệ vụ mùa”. Còn ông thì sao, có khi nào ông nghĩ đến một lúc mình sẽ về quê sống?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi luôn sống với ý nghĩ như vậy, ở thành phố có thể tạo ra những kỹ sư giỏi, những nhà khoa học, nhưng trở thành một nhà văn, một nhà thơ thì vô cùng khó khăn. Hãy thử nghĩ mà xem, mở cửa ra, đập vào mắt chỉ toàn là cột điện, chỉ toàn khói và bụi, tiếng xe gầm gào suốt ngày đêm. Ở thôn quê, bầu không khí thật trong lành, có những cánh diều no gió, những cánh đồng bát ngát, chỉ nhìn những con gió đùa mơn man trên đầu lũy tre làng cũng khiến ta bồi hồi xúc động… Mấy chục năm nay, tôi sống ở thành phố nhưng mọi mối quan hệ vẫn ở làng quê. Bố mẹ tôi không chịu ra thành phố. Cụ bà bảo, “cái dân phố xá nó không có tình cảm. Nhà bên này có tang, nhà bên cạnh lại mở nhạc xập xình. Thế thì sống chung với họ sao được hở giời!”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa luôn trăn trở, đây là một nông dân nhưng được ăn học đàng hoàng, vậy thì tại sao lại phản ứng đến vậy? Ông như muốn khóc khi nhắc đến cảnh vợ con của Đoàn Văn Vươn phải đi ở nhờ, rồi dựng một cái lều ở tạm trong những ngày mưa gió rét buốt. Ông cũng có những góc nhìn rất thú vị về cách hành xử của cán bộ lãnh đạo và nêu những thí dụ rất xúc động về Hồ Chủ tịch đáng kính của dân tộc Việt Nam. Mời độc giả đón xem kỳ cuối vào sáng 7/2.
(Còn nữa)