Vụ cưỡng chế: "Kỳ vọng ở Thủ tướng"

07/02/2012 10:35
Báo Giáo dục Việt Nam
(GDVN) - Trả lời câu hỏi của độc giả báo Giáo dục Việt Nam, ông Đặng Hùng Võ nói: "Mong Thủ tướng Chính phủ xử lý theo hướng thượng tôn pháp luật, đúng sai phân minh, ai sai xử sai".
Theo ông Vũ Mão, lý do để nhiều quan chức Hải Phòng bênh nhau chằm chặp và phản bác báo chí suốt một thời gian dài như vừa qua, là gì? Tâm lý và hành động này báo hiệu điều gì?

Ông Vũ Mão: Phản ứng của những người trong cuộc như vừa qua là điều dễ hiểu. Bởi vì tâm lý của mọi người thích những tiếng khen nhiều hơn những lời chê trách, những lời phê phán. Dưới ánh sáng của Nghị quyết TW 4, đây là một cơ hội tốt để thử thách lòng trung thành của mỗi Đảng viên với Đảng, với Nhà nước. Và đương nhiên họ phải rất tỉnh táo trong hành động của mình, không thể tùy tiện bao che cho nhau được.

Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, Hải Phòng gây chấn động dư luận
Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, Hải Phòng gây chấn động dư luận


Theo ông, đâu là những lý do quan trọng nhất khiến vụ việc một người nông dân như ông Vươn chống trả lực lượng cưỡng chế, lại gây nên một cơn bão dư luận lớn đến như vậy?

Ông Vũ Mão:
Lý do quan trọng nhất là sự nghiệp đổi mới của ta đang có những bước tiến mới. Nếu không có một tư duy mới của Đảng ta, thì làm sao vụ việc này có thể công khai, minh bạch và được thông tin rộng rãi trên dư luận?

Độc giả Việt Thanh (Hà Nội) hỏi: Do thái độ bào chữa cho nhau với những lý lẽ rất "quanh co" và "kỳ cục" của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, huyện Tiên Lãng, và xã Vinh Quang cộng với hiện tượng có xã hội đen tham gia việc phá hại tài sản nhà anh Vươn, nên trên mạng có người đã bình luận là hệ thống tổ chức Đảng ở Hải Phòng đã bị lũng đoạn và suy thoái.

Nếu đúng vậy thì Nghị quyết TU 4 vừa qua chỉ nhấn mạnh việc chống suy thoái ở các cán bộ đảng viên là chưa đầy đủ, cần bổ sung giải pháp chống suy thoái ở các tổ chức Đảng.

Ông Vũ Mão:
Nghị quyết TW 4 vừa qua rất toàn diện, không chỉ nói về giải pháp chống suy thoái ở cán bộ, Đảng viên mà còn nói tới trách nhiệm của các tổ chức Đảng. Như vậy, việc nói nội dung đề cập trong Nghị quyết không thiếu, mà quan trọng là tổ chức thực hiện cho có hiệu quả.

Nghị quyết 4 cũng chỉ rõ, các tổ chức Đảng của chúng ta còn nhiều tồn tại, tính chiến đấu chưa cao, tinh thần phê và tự phê còn yếu.

Dịp này, vừa có Nghị quyết TW 4, lại vừa xảy ra vụ việc ở Hải Phòng, theo tôi, đây là thời điểm tốt để các đồng chí lãnh đạo Hải Phòng nhìn nhận và xem xét một cách nghiêm túc, toàn diện về công tác Đảng ở địa phương.

Thưa các vị khách mời, các ông có kỳ vọng vào sự vào cuộc kiên quyết của thủ tướng, vụ việc sẽ được giải quyết rốt ráo?

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi xin chuyển câu trả lời này cho Thủ tướng trực tiếp trả lời với dân.

Ông Vũ Mão: Tôi có niềm tin, bởi mấy lẽ: Thứ nhất, đây là một trong những vụ đầu tiên mà Thủ tướng trực tiếp xem xét, giải quyết. Thứ hai, dư luận đòi hỏi và rất ủng hộ việc giải quyết đúng đắn việc này. Thứ ba, nếu giải quyết tốt sẽ tạo được niềm tin trong nhân dân. Thứ tư, nếu xem xét một cách toàn diện, nghiêm túc, đầy đủ thì sẽ thấy được những khiếm khuyết của vi mô và vĩ mô để từ đấy có những giải pháp rõ ràng. Thứ năm, Thủ tướng là Đại biểu Quốc hội của Hải Phòng và của khu vực bầu cử, trong đó có huyện Tiên Lãng mà được nhân dân gửi gắm và kỳ vọng rất nhiều trong việc Thủ tướng giải quyết giải quyết vụ việc này.

Ông Đặng Hùng Võ: "Mong Thủ tướng Chính phủ xử lý theo hướng thượng tôn pháp luật, đúng sai phân minh, ai sai xử sai".

Có thông tin chon rằng vụ Đoàn Văn Vươn có liên quan tới chuyện các "quan" biết chuẩn bị có dự án đường cao tốc đi Thái Bình, mà khu vực đầm của ông Vươn nằm trọn trong dự án đó nên sẽ được hưởng số tiền đền bù khá lớn. Các bác có biết thông tin này không? Và, liệu đây có phải nguồn gốc gây ra sự việc gây bất bình dư luận thời gian qua?

GS. Đặng Hùng Võ: Có rất nhiều thông tin, có thông tin  đúng, có thông tin sai. Đối với những thông tin chưa rõ ràng thì chúng ta cần phải chờ các cơ quan chức năng thẩm tra và kết luận.

Có bất cứ điều luật nào khi thu hồi đất mà Nhà nước không phải đền bù bất cứ chi phí nào cho dân như trường hợp huyện Tiên Lãng áp dụng đối với hộ ông Vươn không, thưa GS. Đặng Hùng Võ?

GS. Đặng Hùng Võ:
Luật đất đai có quy định 1 số trường hợp Nhà nước thu hồi đất nhưng không đền bù về đất và không đền bù về tài sản gắn liền với đất. Pháp luật không có quy định về trường hợp thu hồi đất như đất do anh Vươn đang sử dụng, nên không có quy định về cơ chế bồi thường tương ứng. Khi thu hồi đất đã sai thì không cần tới chuyện bồi thường hay không bồi thường.

Tôi đọc báo thấy các cấp chính quyền huyện Tiên Lãng trả lời là: Căn cứ theo luật đất đai năm 1987 thì việc giao đất của UBND cho các hộ dân ở xã Vinh Quang như vậy là đúng. Tuy nhiên, khi luật đất đai mới ra đời ( các năm 1993, 2003 thì các quyết định giao đất trước khi Luật đất đai năm 1993 và 2003 có hiệu có còn hiệu lực không. (Bởi vì các vị quan chức huyện Tiên Lãng cho rằng việc giao đất phù hợp với luật đất đai năm 1987). Giáo sư Đặng Hùng Võ có ý kiến gì về việc này?

GS. Đặng Hùng Võ:
Việc giao đất ở Tiên Lãng sai so với cả luật đất đai năm 1987. Luật đất đai 1987 cũng không cho phép cấp huyện được tự quy định về thời hạn và hạn mức diện tích sử dụng đất. Việc huyện Tiên Lãng tự có quy định riêng ban hành 6/10/1993 về thời hạn và hạn mức diện tích sử dụng đất là hoàn toàn trái pháp luật. Các quyết định giao đất và thu hồi đất căn cứ vào quy định riêng của huyện cũng trái pháp luật. Hơn nữa, quy định riêng của Tiên Lãng được ban hành sau khi văn bản luật đất đai 1993 đã được Quốc hội thông qua và trước khi luật này có hiệu lực thi hành 10 ngày để nói rằng được phép áp dụng theo luật đất đai 1987 là cách làm hoàn toàn sai trái. Huyện muốn tự mình tạo một “kẽ hở” pháp luật để lạm quyền.

Báo Giáo dục Việt Nam