Vụ cưỡng chế: Bàn đến “tâm” và “tầm” của cán bộ

07/02/2012 14:53
"Câu chuyện thu hồi đất, cưỡng chế, giải phóng mặt bằng là câu chuyện hằng ngày đối với Hải Phòng trong quá trình đầu tư, mở rộng và phát triển”.

Mới đây, khi trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí về vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng hôm 5-1, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hải Phòng - ông Đan Đức Hiệp đã cho biết: "Câu chuyện thu hồi đất, cưỡng chế, giải phóng mặt bằng là câu chuyện hằng ngày đối với Hải Phòng trong quá trình đầu tư, mở rộng và phát triển”.
Từ công tác dân vận đến phương thức tổ chức cưỡng chế và trình độ của cán bộ đều có vấn đề Ảnh: TL
Từ công tác dân vận đến phương thức tổ chức cưỡng chế và trình độ của cán bộ đều có vấn đề Ảnh: TL


Nếu theo lý mà ông Hiệp đưa ra thì, giải quyết một câu chuyện thường ngày như "cơm bữa” lẽ ra phải là một công việc đơn giản đối với Hải Phòng; chứ không thể để đến nỗi khiến lãnh đạo thành phố bày tỏ "lấy làm tiếc” và thừa nhận: Từ công tác dân vận đến phương thức tổ chức cưỡng chế và trình độ của cán bộ đều có vấn đề.

Một tháng sau khi sự việc xảy ra, dưới "búa rìu” của dư luận những người có trách nhiệm của thành phố Hải Phòng đã thừa nhận: "Chúng tôi cho rằng sự việc ở Tiên Lãng là đáng tiếc, do việc tổ chức cưỡng chế làm không thật cẩn thận, không chu đáo và chọn thời điểm chưa thích hợp”. Và để không xảy ra những chuyện tương tự, lãnh đạo thành phố đã họp vài lần, rút kinh nghiệm với các cấp, các ngành. Cũng chỉ từ sau khi sự việc ấy xảy ra, lãnh đạo thành phố mới rút ra được "bài học quan trọng”- dù muộn nhưng vẫn đáng mừng là còn hơn không. Bài học ấy, với Hải Phòng là: Phải dựa vào cơ sở luật pháp nhưng cũng phải trao đổi, làm rõ tới độ thấu tình đạt lý để hợp lòng dân.

Từ sự việc Tiên Lãng, một loạt câu hỏi được dư luận đặt ra và mong chờ sự giải quyết căn cơ, thấu đáo từ phía chính quyền thành phố, chẳng hạn: Vì sao, cả một bộ máy quyền lực dưới sự chỉ đạo của chính quyền xã, huyện từ vị trí của những người chủ động lại trở nên bị động đến thế? Đặc biệt là câu hỏi trong công tác cán bộ: Trình độ nhận thức, khả năng phân tích tình huống, năng lực công tác và cũng không loại trừ đến những vấn đề liên quan đến đạo đức cán bộ đã và sẽ được xem xét thế nào khi giải quyết vấn đề Tiên Lãng?

Còn nhớ, 65 năm trước, giữa lúc công cuộc kháng chiến của ta đang vào giai đoạn cam go, Hồ Chủ tịch đã viết "Sửa đổi lối làm việc”. Trong đó, Người đã nêu lên một chân lý, dựa vào kinh nghiệm hoạt động cách mạng của bản thân: "Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Mọi việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém.” Điều ấy giờ trở nên chính xác nếu gắn vào sự việc của Tiên Lãng.

Hơn ai hết, chính quyền cơ sở biết rõ: Những vấn đề liên quan đến đất đai, nhất là các vụ cưỡng chế bao giờ cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Một khi chủ trương, chính sách thiếu minh bạch; một khi những người thực hiện hoặc thiếu sự am hiểu kiến thức, hoặc uy tín chưa đủ... thì, những phức tạp và hệ lụy là điều không thể tránh khỏi. Mà, trong sự việc Tiên Lãng, những yếu kém ấy buồn thay lại hội tụ đủ! (theo như sự thừa nhận của Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng). Đấy là chưa nói tới chuyện, trong trường hợp này, cán bộ cơ sở vừa có biểu hiện của sự kém về "tầm”, lại yếu về "tâm”. Đáng trách hơn, đối với chính quyền cơ sở ở Hải Phòng đó là sự né tránh: Né tránh giới truyền thông; tệ hơn là sự né tránh người dân. Sẽ chẳng thể biện minh khi những người được dân bầu ra lại khước từ việc lắng nghe ý kiến của dân.

Thậm chí, trong cuộc trao đổi mới đây với chúng tôi, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược (Bộ Công an) đã thẳng thắn đưa ra nhận định: Từ sự việc Tiên Lãng, có thể thấy nhân dân bầu ra những người đại diện cho mình nhưng lại bị mất quyền do các cơ quan dân cử "bỏ mặc” khi sự việc xảy ra. Bàn về cán bộ và công tác cán bộ đó là điều Đảng ta và Hồ Chủ tịch luôn nhắc đến mỗi khi đề cập tới vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Bên cạnh đó, một trong những yêu cầu được Hội nghị TƯ 4 đặt ra (được coi là một trong những giải pháp về chính trị, tư tưởng) đối với cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp là "phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời” nhằm giữ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Có lẽ đã lâu lắm rồi mới lại có một sự kiện khiến giới truyền thông phải tốn nhiều bút mực đến thế; khiến giới chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực và đặc biệt là lãnh đạo các cấp phải bỏ nhiều thời gian đến thế để mổ xẻ, phân tích tìm rõ đúng sai nhằm đưa ra một cách giải quyết hợp lý, hợp tình "chữa cháy” cho Hải Phòng. Sự việc ở Tiên Lãng hơn thế, còn gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho chính quyền cơ sở trong cả nước. Khi mà những khiếu kiện liên quan đến đất đai đã và luôn đứng đầu bảng các khiếu kiện của dân; khi mà "tấc đất đã trở thành tấc vàng” thì chuyện ấy cũng là dễ hiểu.

Giải quyết những khiếu kiện phức tạp, kéo dài như khiếu kiện về đất đai, không chỉ đòi hỏi cán bộ chính quyền mà cả cán bộ của cơ quan hành pháp các cấp rất cần có trình độ cũng như sự công tâm. Câu chuyện của một huyện trong tổng số gần 700 quận, huyện, thị xã trên toàn quốc rồi đây sẽ trở thành "điển hình” để cán bộ, chính quyền cơ sở trong cả nước "giật mình”, lấy đó mà rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành. Hơn thế, cũng là dịp để cán bộ tự ngẫm xem mình đã làm việc theo đúng lương tâm và trách nhiệm được giao hay chưa?

Ở đây, ‘tâm” và "tầm” đã trở thành "cặp bài trùng” cần được nhắc đến khi xem xét những vấn đề của Tiên Lãng. Giải quyết những câu chuyện nảy sinh từ "hậu Tiên Lãng” chắc chắn sẽ là một quá trình phức tạp; mà một trong những điểm phức tạp nhất là hệ quả mà nó để lại sẽ dai dẳng theo kiểu "tiếng dữ đồn xa”. "Mổ xẻ” tới tận cùng của sai lầm, giải quyết tận gốc những vấn đề nảy sinh trong và sau sự việc Tiên Lãng là cách tốt nhất để lấy lại niềm tin của dân với Đảng; của dân với cán bộ.

Một điều đáng nói nữa là sự việc xảy ra ở Tiên Lãng lại vào đúng thời điểm Hội nghị TƯ 4 vừa kết thúc ít ngày và chỉ trước khi NQ của Hội nghị về "Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng” được ban hành ít hôm. Dư âm của Hội nghị và những vấn đề được TƯ nêu trong Hội nghị kể trên đã tạo thành những cuộc bàn luận sôi nổi. Cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đều bày tỏ sự đồng tình với việc ban hành NQ. Dư âm ấy rất cần được "thổi” bùng lên trong các cấp lãnh đạo của Hải Phòng. Mới đây, trong cuộc gặp gỡ với các thành viên CLB Thăng Long (Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định chủ trương trong việc thực hiện NQ TƯ 4, đó là: Cấp trên phải gương mẫu làm trước và phải làm kiên quyết. Tinh thần ấy, cũng nên được quán triệt đối với các cấp, các ngành của thành phố Cảng anh hùng. Đừng chờ Trung ương, Bộ Chính trị kiểm điểm rồi mới đến cấp uỷ, chính quyền cơ sở các cấp ở Hải Phòng kiểm điểm khi đây rõ ràng là một việc "cần làm ngay”. Nếu Hải Phòng thực hiện tốt điều này không chỉ khiến dư luận đồng tình mà còn thể hiện rõ "tâm” và "tầm” của mình.

Hoàng Mai/Đại Đoàn Kết