Đại tướng Lê Đức Anh: "Sử dụng bộ đội để cưỡng chế là tuyệt đối sai"

09/02/2012 06:29
Ngọc Quang
(GDVN) - “Sử dụng cả hàng chục công an, bộ đội đến cưỡng chế với một gia đình làm ăn tử tế thì tôi thấy rất băn khoăn. Đây là một chuyện rất hiếm, tôi chưa nghe thấy chuyện này bao giờ. Nếu nơi nào mà làm việc đó thì tôi phản đối, sử dụng bộ đội để cưỡng chế với dân là tuyệt đối sai.

Chia sẻ với PV Báo Giáo Dục Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh – Nguyên Chủ tịch nước, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp tục nêu ra nhiều điểm cần phải làm rõ trong vụ cưỡng chế thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng).

"Tôi nhắn nhủ tới các đồng chí lãnh đạo Trung ương..."

Mở đầu cuộc phỏng vấn, Đại tướng Lê Đức Anh đã nói rằng: “Tôi không tin một người có chí làm ăn cho gia đình và cho xã hội, chưa từng vi phạm pháp luật, mà lại đi chống đối chính quyền Nhà nước. Đến bây giờ tôi nghe mà vẫn không tin. Phải đặt vấn đề: Tại sao người nông dân ấy lại làm vậy?”.

Đại tướng Lê Đức Anh cũng nhắc tới công tác sử dụng cán bộ qua vụ việc này. Theo Đại tướng: “Lựa chọn cán bộ thì trung thực phải là yếu tố đầu tiên. Nếu cán bộ mà không trung thực, làm đúng thì không sao, nhưng làm sai thì sẽ tìm cách đổi tội loanh quanh, không chịu nhận sai. Làm việc thì có đúng, có sai, nhưng điều quan trọng là khi làm sai thì phải nhận là sai để sửa chữa, còn chối loanh quanh thì cán bộ đó hỏng. Cán bộ mà như vậy thì không nên dùng nữa”.

Đại tướng Lê Đức Anh trả lời phỏng vấn Báo Giáo dục Việt Nam
Đại tướng Lê Đức Anh trả lời phỏng vấn Báo Giáo dục Việt Nam

Đại tướng Lê Đức anh cho biết, ông thường xuyên nghe đài và đọc báo để nắm được đầy đủ thông tin về vụ việc này. Đại tướng đã lấy thí dụ về lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”.

Sau vài phút im lặng, Đại tướng Lê Đức Anh bày tỏ quan điểm: “Tôi nhắn nhủ tới các đồng chí lãnh đạo Trung ương, Đảng đã được Bác Hồ xây dựng như thế nào? Cần phải thực hiện đúng như cương lĩnh ban đầu, vì cái đó chứng minh rằng, giải phóng được đất nước, bảo vệ được đất nước, đưa đất nước phát triển, tiến lên. Điều đó đã được chứng minh rồi, vì vậy phải làm theo điều lệ, cương lĩnh của Đảng, về những nguyên tắc cơ bản, làm khác thì không được đâu. Luật pháp Việt Nam là sử dụng bạo lực để cai trị dân à? Không phải vậy! Vì thế, tôi nói rằng phải học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở chỗ đó. Tất cả vì dân. Mọi việc làm của Đảng và Nhà nước là vì dân. Đảng bộ nào mà làm sai thì Đảng bộ đó phải chịu trách nhiệm, đó là tôi nói vô ý làm sai, chứ chưa phải cố ý. Nếu cố ý làm sai thì không chấp nhận được”.

Phóng viên Báo Giáo Dục Việt Nam cũng đề vấn đề việc Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp nghe báo cáo, chỉ đạo xử lý và được Đại tướng Lê Đức Anh cho hay: “Đối với vụ việc này, tôi được biết Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ trực tiếp nghe báo cáo và chỉ đạo xử lý. Uy tín của Thủ tướng đã được nâng cao đối với nhân dân, vì phản ứng sớm trước vụ việc này. Rất nhiều người khi gặp tôi đã khen Thủ tướng, vì sớm có chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc. Tôi chưa nói gì cả. Tôi cũng đang chờ xem Thủ tướng sẽ xử lý vụ việc này thế nào”.

"Đảng ủy huyện Tiên Lãng im lặng trước sự việc này là không ổn"

Kể từ khi xảy ra sự việc này, lãnh đạo huyện Tiên Lãng và vị Phó Chủ tịch TP Hải Phòng đã có những phát ngôn tiền hậu bất nhất, đặc biệt là chuyện đập phá nhà của ông Đoàn Văn Vươn, khiến cho vợ và các con phải đi ở nhờ, rồi dựng tạm lều trú ngụ trong những ngày đông giá rét. Theo thông tin phản ánh của gia đình ông Đoàn Văn Vươn thì số cá, tôm, cua trong đầm bị đánh bắt gần hết, riêng giá trị của số cá cũng lên tới 1,5 tỷ đồng. Đối với những chi tiết này, Đại tướng Lê Đức Anh nhận định: “Trong việc này, Thành ủy Hải Phòng và UBND TP Hải Phòng phải có trách nhiệm xử lý, làm sai chỗ nào thì phải nhận sai ở chỗ đó, không được trả lời loanh quanh và không được che giấu sai phạm. Trả lời tiền hậu bất nhất là không thể được. Khi tôi còn đương chức thì tôi yêu cầu xử lý sự việc như thế.

Tài nguyên đất đai rất quý và hiếm, sử dụng phải đúng mục đích, không được phung phí. Nếu Hải Phòng xử lý không kiên quyết với những cán bộ làm sai thì chính tại nơi này – một thành phố quan trọng với đất nước cũng sẽ có thể xảy ra nhiều vấn đề bất ổn. Giảm niềm tin hay mất niềm tin thì hậu quả đều khó lường, không thể lường hết những gì có thể xảy ra. Nội bộ bị chia rẽ thì làm sao còn tâm trí mà phát triển kinh tế đất nước”.

Đặc biệt, khi nhắc lại chuyện cưỡng chế với ông Vươn và những người thân, Đại tướng Lê Đức Anh đã tỏ ra rất không đồng tình với cách hành xử của chính quyền địa phương và một số cán bộ có trách nhiệm của thành phố cũng như huyện Tiên Lãng trong vụ việc. “Sử dụng cả hàng chục công an, bộ đội đến cưỡng chế với một gia đình làm ăn tử tế thì tôi thấy rất băn khoăn. Đây là một chuyện rất hiếm, tôi chưa nghe thấy chuyện này bao giờ. Nếu nơi nào mà làm việc đó thì tôi phản đối, sử dụng bộ đội để cưỡng chế với dân là tuyệt đối sai.

Thứ nhất, bộ đội chỉ có nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, chống quân xâm lược, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chứ đưa bộ đội đi làm việc cưỡng chế nhà dân thì không được. Thứ hai, trong những năm tháng chiến tranh, chúng ta đã được nghe nhiều câu chuyện ca ngợi tình quân dân, như cá với nước. Bây giờ đất nước thanh bình, bộ đội cũng vẫn phải gần dân, giúp đỡ nhân dân những lúc khó khăn. Thứ ba, bộ đội cũng có nhiệm vụ tham gia sản xuất. Đó là ba nhiệm vụ trọng tâm mà bộ đội cần tham gia, nhưng với việc cưỡng chế nhà dân thì không được làm, làm như vậy là sai lầm”, Đại tướng Lê Đức Anh nhấn mạnh.

Kết thúc cuộc trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh nhận định: “Đảng ủy huyện Tiên Lãng im lặng trước sự việc này là không ổn. Tôi miễn có ý kiến, cái đó sẽ có các đồng chí lãnh đạo trung ương xử lý. Tôi thấy một sự việc to như thế, đưa cả công an và bộ đội đến cưỡng chế mà phía Đảng ủy địa phương lại không nói gì thì có nghĩa là họ tự làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng tại địa phương đó".

Ngày 6/2, Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng đã có văn bản kiến nghị gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để xem xét trách nhiệm của quân nhân ban chỉ huy quân sự huyện Tiên Lãng, quân nhân, sĩ quan đồn biên phòng 46 Quang Vinh và Bộ đội chỉ huy Hải Phòng trong việc cho phép lực lượng đồn biên phòng tham gia vào cưỡng chế khu đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.

Nội dung công văn này nêu rõ, theo quy định Nhà nước, việc cưỡng chế là trách nhiệm của cảnh sát hỗ trợ, không thuộc vai trò vị trí của quân đội trừ khi vụ việc liên quan đến an ninh quốc gia chống các thế lực phản động nhằm lật đổ chính quyền.

Ngọc Quang