Thú vị chuyện tình yêu của chàng Tít và nàng Miu

09/02/2012 10:49
Khi đã “phải lòng” nhau, tình cảm của “hoàng tử bé” và “công chúa nhỏ” mãnh liệt chẳng kém Romeo và Juliette.
Bé cảm thấy thế nào khi bỗng dưng… si tình? Và cha mẹ cần ứng xử ra sao với tình yêu của trẻ em?

Chàng Tít lên 5, nàng Miu lên 4. Chàng ở quận 1, còn nàng ở quận 5 nên lâu lâu hai người mới có dịp gặp nhau (khi Miu đến chơi nhà bà ngoại là hàng xóm với Tít). Ấy thế mà cả hai cực kỳ quyến luyến nhau.

Mỗi lần Miu đến là Tít lại cúi xuống tháo giày cho nàng rồi hớn hở cầm tay nàng dắt vào nhà… Tít thậm chí còn cho phép Miu chiêm ngưỡng “kho báu” của mình là chiếc hộp nhỏ đựng mấy cái… răng sữa. Và dù Miu chẳng hề ngưỡng mộ đám răng ấy thì Tít cũng không nỡ giận. Chàng luôn “hít le” hết đám bạn xung quanh mỗi khi có Miu đến. Chàng vênh mặt tuyên bố: “Tớ có em Miu rồi!”. Còn Miu, cứ thấy Tít là lại… tít mắt lên, rồi rít 'nhào vô' hôn hít.

Vậy đấy, khi đã “phải lòng” nhau, tình cảm của “hoàng tử bé” và “công chúa nhỏ” cũng mãnh liệt chẳng khác gì Romeo và Juliette. Trong tâm hồn thơ ngây và dịu dàng của bé cũng diễn ra những cảm xúc dâng trào, chân thành và nghiêm túc y như người lớn vậy.

Tình yêu nhỏ - ý nghĩa lớn

Dù rất hiếm đôi bạn duy trì được mối tình bé thơ của mình cho đến lúc trưởng thành nhưng theo các chuyên gia tâm lý, tình yêu đích thực hoàn toàn có thể bắt đầu từ thuở lên 3, lên 5. “Tình nhỏ” ở đây thực ra lại có ý nghĩa rất… to, trước hết là đối với những người làm cha, làm mẹ.

Chính “tình nhỏ” sẽ cho phụ huynh cơ hội để thăm dò cách ứng xử của con đối với chuyện đôi lứa. Con sẽ phản ứng ra sao? Hưởng ứng hay cười nhạo? Thản nhiên hay bối rối? Và dù chỉ diễn ra trong chốc lát thôi nhưng chuyện “phải lòng” ở tuổi “búp trên cành” hoàn toàn không phải là chuyện vớ vẩn. Vì rằng những khoảnh khắc đặc biệt ấy sẽ còn lặp lại, trẻ sẽ tiếp tục gặp những “tiếng sét” mới, sẽ “si mê” và được “si mê” bởi nhiều đối tượng X, Y, Z khác nữa…
Khi đã “phải lòng” nhau, tình yêu con trẻ mãnh liệt chẳng kém Romeo và Juliette. (Ảnh minh họa).
Khi đã “phải lòng” nhau, tình yêu con trẻ mãnh liệt chẳng kém Romeo và Juliette. (Ảnh minh họa).

 Nếu cha mẹ luôn có ý thức đồng hành với con trong từng khoảnh khắc ấy, để hiểu con hơn, để giải thích và gỡ rối cho con lúc cần thì con không chỉ đỡ lúng túng trước những “cú sét” tiếp theo mà còn sáng suốt hơn trong việc tìm kiếm “một nửa” đích thực sau này.

“Tình nhỏ” không phải là trò đùa mà là câu chuyện cực kỳ nghiêm túc. Nó là một dấu mốc trong quá trình phát triển tự nhiên ở trẻ, là nơi trải nghiệm những cảm xúc mới, là cơ hội để thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm, lòng yêu thương và đáp lại tình yêu thương hết sức quan trọng, đó chính là một trong những minh chứng cho sự trưởng thành ở trẻ.

Ứng xử thế nào đây?

Chàng Romeo 5 tuổi chân thành, hồn nhiên và chẳng biết che giấu cảm xúc. Hôm nay chàng thề sẽ không xa rời Juliette, nhưng ngày mai chàng có thể quên khuấy Juliette để chạy theo nàng khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là chàng có tính… Don Juan. Chỉ đơn giản là suy nghĩ của chàng chưa ổn định nên hai chữ “chung thủy” là khái niệm còn quá xa vời.

Tuy nhiên, bạn vẫn cần dạy cho con thế nào là tình yêu đích thực và cần hơn nữa là hãy làm gương cho con bằng chính tình cảm nồng ấm của vợ chồng bạn. Đừng ngại thể hiện những cử chỉ âu yếm, thái độ săn sóc đối với vợ hoặc chồng trước mặt con. Hình ảnh mẹ ân cần sấy khô tóc cho bố sau khi tắm hay cách bố quàng vai, ôm hôn mẹ… Sẽ đem đến cho con thông điệp sinh động nhất về một tình yêu đích thực.

Bạn cũng đừng lo lắng khi con trai mình thích một lúc vài cô bạn gái hay con gái mình có cả tá bạn trai mến mộ. Điều đó không có nghĩa là con “đa đoan” hay nhẹ dạ mà chỉ đơn giản là con sống thân ái với xung quanh.
Tình nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. (Ảnh minh họa).
Tình nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. (Ảnh minh họa).

Dù con đã lên tiểu học hay đang còn ở lớp chồi thì con cũng không bị hớp hồn chỉ bởi “cái vỏ” đâu. Chính “cái chất” của đối tượng mới là thứ khiến con si mê. Bạn hãy thử quan sát đối tượng mà con đang “phải lòng” đi rồi hỏi sao con lại thích bạn ấy và bạn sẽ hiểu đâu là những phẩm chất được con đặc biệt quan trọng. “Người trong mộng” của con thường là vui vẻ, hoạt bát, ngoan ngoãn, dễ thương… Nói chung, khi chọn “ý trung nhân” cho mình, con “tinh vi” chẳng kém gì người lớn.

Nếu con muốn được tư vấn về chuyện tình yêu, bạn đừng gạt đi hay né tránh. Cách tốt nhất là bạn hãy dẫn ra những ví dụ cụ thể. Bạn có thể nhớ lại (hoặc… bịa ra cũng chẳng sao) rằng trong tình huống như vậy, bố/mẹ đã từng ứng xử ra sao. Con rất cần được định hướng một cách cụ thể, cũng như rất cần có người hiểu con, làm “đồng minh” với con khi đối diện với mối tình đầu thơ dại.

“Tình nhỏ” thường có “tuổi thọ” ngắn (có thể một tháng, một tuần, thậm chí một ngày) bởi con trẻ cứ lớn lên từng ngày và liên tục có những khám phá mới, đam mê mới… Nhưng cái mới này sẽ cuốn hút, làm con quên đi các mối quan tâm cũ. Ngoài ra, “tình nhỏ” còn dễ rã đám bởi luc nhóc tì vốn hay chành chọe, dễ tự ái và “cái tôi” to như… cái đình vậy. Nhưng đừng vì tình “răng sún” vốn “đoản thọ” mà ta tẩy chay chúng. Ngược lại, hãy giúp con hiểu rằng tình yêu thực sự dù thế nào cũng đáng trân trọng và con không cần né tránh. Cũng nên cho con biết thêm rằng tình yêu có thể đến nhưng cũng có thể ra đi – điều đó là hết sức bình thường – như hoa nở rồi lại tàn vậy.

Tóm lại, thay vì khó chịu với chuyện “bé tí mà yêu với chả đương”, bạn hãy thừa nhận quyền được yêu của con dù mới lên 5, hay 10. Khi ấy, con sẽ coi bạn vừa là “đồng minh”, vừa là “người hướng đạo” của con, bạn còn lo gì chuyện con lạc lối nữa. Hãy cứ bình thản mà chiêm ngưỡng những mối tình nhỏ xinh chợt đến rồi chợt đi, như những mùa hoa lung linh ngoài vườn kia.

Theo Eva.vn