Giật mình: Lương EVN lên tới 51 triệu đồng/tháng

10/02/2012 20:12
Thu nhập bình quân của Chủ tịch hội đồng thành viên EVN là 51 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương được ghi nhận là cao nhất cho đến thời điểm này.
Theo ông Nguyễn Tiến Tùng – Phó chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – Trưởng ban thanh tra lương của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), thu nhập bình quân của Chủ tịch hội đồng thành viên EVN là 51 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương được ghi nhận là cao nhất cho đến thời điểm này.

Chiều nay (10/2), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra thực hiện pháp luật lao động về tiền lương, thu nhập tại EVN.

Theo báo cáo tại buổi họp báo, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra tại Tập đoàn EVN gồm Công ty mẹ - Tập đoàn và 25 đơn vị trực thuộc cả 3 khối. Thời gian tiến hành kiểm tra từ ngày 8/12/2011 đến 13/1/2012.

Tổng tiền lương chỉ chiếm khoảng 5,5% tổng giá thành


Theo kết quả kiểm tra của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tiền lương bình quân chung của người lao động sản xuất, kinh doanh điện toàn Tập đoàn năm 2008 đạt 5,794 triệu đồng/người/tháng, năm 2009 đạt 7,064 triệu đồng/người/tháng, năm 2010 đạt 7,45 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,46% so với năm 2009. Tổng quỹ tiền lương nêu trên chiếm khoảng 5,5% tổng giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Về tiền thưởng từ quỹ khen thưởng, phúc lợi năm 2008 bình quân là 135.000 đồng/người/tháng; năm 2009 là 244.000 đồng/người/tháng; năm 2010 bị lỗ không trích quỹ khen thưởng, phúc lợi, người lao động chỉ được hưởng quỹ khen thưởng từ các năm trước chuyển sang với mức bình quân là 178.000 đồng/người/tháng.
Tổng tiền lương chỉ chiếm khoảng 5,5% tổng giá thành...
Tổng tiền lương chỉ chiếm khoảng 5,5% tổng giá thành...

Tổng thu nhập của người lao động sản xuất, kinh doanh điện (gồm tiền lương theo giá, tiền lương ngoài đơn giá, tiền thưởng) toàn Tập đoàn năm 2008 đạt 5,929 triệu đồng/người/tháng, năm 2009 đạt 7,308 triệu đồng/người/tháng, và năm 2010 đạt 7,628 triệu đồng/người/tháng.

Trả lời câu hỏi về mức thu nhập cao nhất của Tập đoàn EVN đến thời điểm hiện tại là bao nhiêu? Ông Nguyễn Tiến Tùng – Phó chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội – Trưởng ban thanh tra lương của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mức lương cao nhất là Chủ tịch hội đồng thành viên, với mức thu nhập bình quân là 51 triệu đồng/tháng/người.

Riêng về cán bộ quản lý của Tập đoàn có thu nhập bình quân năm 2008 khoảng 32 triệu đồng/tháng/người; năm 2009 là 38 triệu đồng/người; năm 2010 là 39 triệu đồng.

Lý giải về mức lương trên, ông Nguyễn Tiến Tùng cho rằng, điện là một sản phẩm đặc thù, mang tính hệ thống, khép kín từ khâu phát điện, truyền tải điện đến khâu phân khối, cung ứng điện năng, quá trình sản xuất và tiêu thụ diễn ra đồng thời, không thể tích trữ và được vận hành theo quy trình công nghệ mang tính chuyên môn kỹ thuật cao. Là sản phẩm đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.

Cùng với đó, Tập đoàn phải thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện cho sự phát triển của nền kinh tế , xã hội, đời sống nhân dân. Cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp khu vực đồng bằng Bắc Bộ và thực hiện các nhiệm vụ chính trị xã hội khác.

Để thực hiện nhiệm vụ này, nhiều hoạt động phải đầu tư chi phí lớn như đưa điện về nông thông, cung cấp điện cho các hộ nghèo và hộ thu nhập thấp ở vùng sâu, vùng xa…

Đặc biệt, nhiều lao động phải làm việc trong điều kiện khó khăn, môi trường làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như điện từ trường cao, trèo cao, làm việc ngoài trời, đi lại khó khăn… Phần lớn lao động trong các nhà máy điện, truyền tải điện và một phần lao động phân phối điện phải làm việc liên tục theo chế độn 3 ca, 4 kíp, 24/24h để đảm bảo cung ứng điện liên tục cho nền kinh tế quốc dân và nhu cầu đời sống nhân dân.

Nhiều hạn chế cần được sửa đổi

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, qua kiểm tra cho thấy, Tập đoàn đã cơ bản thực hiện chính sách tiền lương, thu nhập theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế.

Cụ thể, hệ thống định mức lao động do Tập đoàn ban hành mặc dù đã được sửa đổi năm 2008 và tổng hao phí lao động quy đổi toàn Tập đoàn gắn với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh điện vẫn theo quy định (dưới 15% so với số lao động thực tế sử dụng) song giữa các khâu sản xuất,  truyền tải, phân phối và trong từng khâu, định mức lao động chưa được điều chỉnh giảm phù hợp với sự thay đổi về mô hình, cơ cấu tổ chức và đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là tại các nhà máy điện, các trạm biến áp…

Hệ số lương cấp bậc công việc và hệ số lương thực tế còn có sự chênh lệch (cao hơn hệ số lương thực tế bình quân 0,72), do sử dụng nhiều lao động có hệ số cấp bậc kỹ thuật thấp hơn so với yêu cầu cấp bậc kỹ thuật công việc.

Cùng với đó, việc áp dụng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm ở một số đơn vị, nhất là ở các nhà máy điện không đồng nhất. Có đối tượng đã xếp lương nhóm III của thang lương theo đúng chức danh ngành nghề nhưng vẫn áp dụng phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Ngược lại, có đối tượng xếp lương theo bảng lương có điều kiện lao động bình thường thực tế có thời gian làm việc trong điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm nhưng không được áp dụng phụ cấp theo đúng quy định.

Về xác định tiền lương đối với các khối, bình quân của khối sản xuất và truyền tải cao hơn gần 2 lần so với khối phân phối; giữa các đơn vị trong công ty mẹ, cơ quan Tập đoàn cao hơn 2 lần so với tiền lương bình quân công ty mẹ.

Về quy chế trả lương, riêng đối với cơ quan Tập đoàn việc trả lương lại có sự chênh lệch lớn, cao gấp 2 lần so với mặt bằng thu nhập bình quân của Công ty mẹ - Tập đoàn, do Tập đoàn tự quyết.

Lý do có sự chênh lệch này là do đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao (89% có trình độ đại học và sau đại học), đa số được tuyển chọn từ những vị trí quản lý, chuyên gia giỏi có nhiều kinh nghiệm của các đơn vị trực thuộc, có hệ số lương thực tế cao hơn 1,61 lần so với hệ số lương bình quân chung.

Tuy nhiên, xét theo mặt bằng chung trong Tập đoàn thì việc phân phối tiền lương này cũng có sự chênh lệch lớn so với hệ số lương bình quân chung và Tập đoàn cũng chưa làm rõ được cơ sở của việc phân phối và công khai trong Tập đoàn, làm cho dư luận xã hội bức xúc, nhất là trong điều kiện năm 2010 Tập đoàn bị lỗ.

Theo VnMedia