Bị gần 40 nhạc sĩ 'tấn công', Cục Nghệ thuật biểu diễn nói gì?

17/02/2012 14:09
Vietnamnet
Đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) vừa đưa ra ý kiến xung quanh việc có gần 40 nhạc sĩ "tố" Cục "tiếp tay" cho các bầu show quỵt tiền tác quyền, cấp phép cho các chương trình mà không đếm xỉa xem nhạc sĩ có đồng ý hay không

Tiếp tục cấp phép mà không cần tác quyền

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục NTBD nói rằng trong tất cả những quy định của pháp luật về vấn đề cấp phép biểu diễn ca múa nhạc thì trong thủ tục hồ sơ không cần phải chứng minh đóng bản quyền cho nên tất cả cơ quan quản lý cấp phép hiện nay vẫn đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

"Nếu chỉ quy định có bản quyền tác giả tác phẩm âm nhạc mới được cấp phép thì trái với quy định. Hiện tại cá nhân tôi vẫn chưa nhận bất cứ thông tin nào từ việc các nhạc sĩ phản ứng bị mất quá nhiều tiền như quý báo đề cập cả" - ông Phó Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đình Thắng cho biết.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục NTBD
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục NTBD
Cũng theo ông Đình Thắng, Cục NTBD là cơ quan quản lý cấp phép tổ chức cho các chương trình nghệ thuật biểu diễn trong đó có rất nhiều lĩnh vực liên quan như: tác giả, biên đạo, ánh sáng, âm thanh, nhạc sĩ, đạo diễn... và việc bảo vệ quyền âm nhạc chỉ nằm một trong số đó mà thôi. Đây là thảo luận dân sự giữa những nhà tổ chức với các tác giả.

Ông Đình Thắng tiết lộ, trong nghị định mới mà Cục NTBD đã trình chính phủ và chính phủ đã xem xét, trong đó việc cấp phép các hoạt động biểu diễn nghệ thuật không phải chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ tác quyền. "Vấn đề này đã được bản thảo rất nhiều. Chúng tôi muốn giảm tải mọi thủ tục phiền hà cho việc tổ chức" - ông Thắng nói.

Vụ " Ru tình" là giọt nước tràn ly?

Có thể nói việc công ty Mediamax và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang cố tình để tổ chức đêm nhạc "Ru tình" tại Hà Nội vào hai ngày 7 và 8-3, bất chấp sự phản đối quyết liệt của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là giọt nước làm tràn ly khiến các nhạc sĩ phải hội tụ lại (sáng 16/2) để bày tỏ những bức xúc.

Theo luật sư Khắc Chiến, nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu rõ ràng của luật và nghị định dưới luật nhưng điều quan trọng là các cơ quan thẩm quyền cấp phép biểu diễn đã "đóng dấu đỏ" trước khi có thỏa thuận bản quyền giữa tác giả và nhà tổ chức chương trình.

Luật sư Thanh Thủy - đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) chỉ ra rằng cuộc chiến "tranh giành" nhạc Trịnh là hồi chuông cảnh tỉnh việc cần phải có trách nhiệm hơn với chính tác phẩm của mình của các tác giả và người được ủy quyền tác giả.

Các nhạc sĩ trong buổi gặp mặt sáng 16/2
 Các nhạc sĩ trong buổi gặp mặt sáng 16/2

Luật sư nói: "Khi ủy quyền khai thác quyền tác giả âm nhạc đối với nhạc phẩm Trịnh Công Sơn, cụ thể hợp đồng ủy quyền ký kết vào tháng 9/2011 phía gia đình nhạc sĩ không thông báo đã bán độc quyền bản quyền nhạc Trịnh cho IB Group trong một khoảng thời gian nhất định nên khi đơn vị khác đến ký kết trả tiền bản quyền thì VCPMC vẫn ký".

Bởi theo luật sư Thanh Thủy nếu có sự thông báo cụ thể, rõ ràng thì sẽ không có chuyện VCPMC thu nhầm tiền bản quyền từ tác phẩm đã trả tiền bản quyền cho tác giả rồi. Và cũng không có chuyện tác giả ký kết riêng với các đơn vị tổ chức khi đã ủy quyền cho VCPMC.

Xung quanh diễn tiến vụ "tranh chấp" nhạc Trịnh, luật sư Khắc Toàn khẳng định việc Liên đoàn Xiếc VN vẫn tiếp tục tổ chức chương trình "Ru tình" mà không được sự đồng ý của gia đình tác giả thì là xâm phạm quyền tác giả và đứng trước việc bị khởi kiện. Đúng luật thì Liên đoàn Xiếc VN phải được sự đồng ý từ phía IB Group.

Vietnamnet