'Nhiều nhạc sĩ đã khuất mang theo ấm ức về bản quyền'

20/02/2012 12:27
Hoàng Lâm
(GDVN) - Là một trong những nhạc sĩ gạo cội của Việt Nam, nhạc sĩ Huy Thục rất bức xúc lên tiếng yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho các tác giả tác phẩm âm nhạc.
- Thưa nhạc sĩ, nhạc sĩ đánh giá thế nào về tình hình thực hiện bản quyền tác giả âm nhạc hiện nay ở Việt Nam?
Nhạc sĩ Huy Thục: Nói về vấn đề bản quyền thì nó đã có từ rất lâu. Ngay từ những năm kháng chiến, nhạc sĩ sau khi viết tác phẩm thường chỉ mang tính chất “khoe” tác phẩm để hát cho nhau nghe, cũng như những người hát chuyên nghiệp không có ai nghĩ đến việc phải đi xin phép. Một loại hình khác đó là hát xẩm, xẩm chợ, tàu điện… để xin tiền, hầu hết đều không có ai thu tiền và đương nhiên không cần xin phép ai. Nhưng đó là trong quá khứ, với điều kiện lịch sử khi ấy.
Nhạc sĩ Huy Thục
Nhạc sĩ Huy Thục
Từ ngày thống nhất đất nước kinh tế mở ra, rất nhiều tốp đi hát đã hình thành, thêm nhiều đoàn ca hát chuyên nghiệp cũng như nghê sĩ tự do, từ đó phát sinh yêu cầu tất yếu là phải xin phép để biểu diễn. Thế nên mới sinh ra cơ quan Cục nghệ thuật biểu diễn để xét duyệt nội dung. 
Thế nhưng, hiện nay, hiện tượng nhiều ca sĩ hát tác phẩm của người khác mà không trả tiền vẫn diễn ra rất phổ biến. Tất cả cho đến nay, nhiều nhạc sĩ rất bức xúc vì nhiều đội biểu diễn được đóng dấu hẳn hoi của Cục nghệ thuật biểu diễn dù chưa xin phép và trả tiền bản quyền cho tác giả, và sau đó mang cái dấu đó về các Sở Văn hóa các tỉnh và được các Sở đó đồng ý.

Những “cai đầu dài” khi thu tiền về bắt đầu chia cho từng đối tượng như ca sĩ, người hát lót, người dọn dẹp… còn lại bao nhiêu anh tổ chức sẽ bỏ vào túi. Từ biểu diễn ở hội nghị nhỏ đến các chương trình lớn như các đại lễ kỷ niệm v.v… có thể chi đến hàng tỷ đồng cho cả chương trình nhưng ngạc nhiên là nhạc sĩ lại chẳng có xu nào dù cho là nhân vật quan trọng nhất. 
Với những tốp biểu diễn liên tỉnh khó quản lý như thế hiện nay, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) đã có không biết bao nhiêu công văn gửi nhiều cấp nhưng không có tác dụng vì, hiện nay nói đúng ra chưa hình thành hiểu biết và văn hóa tuân thủ pháp luật về bản quyền. Một đĩa VCD, DVD làm ra có thể mất hàng trăm triệu đồng, bán ra ở các cửa hàng băng đĩa giá vài chục ngàn nhưng chỉ ngay sau đó đã xuất hiện tràn lan đĩa lậu mà những kẻ sao chép không thấy xấu hổ. Hay như chuyện một tác phẩm nhạc sĩ Văn Cao viết cuối đời là bài Mùa xuân đầu tiên, bao nhiêu các tốp biểu diễn nhưng không biết gia đình của nhạc sĩ Văn Cao đã nhận được đồng tiền bản quyền nào chưa?

- Nhạc sĩ đã đăng ký ủy quyền cho VCPMC do nhạc sĩ Phó Đức Phương đứng đầu từ bao giờ?
Tôi là người mang tác phẩm của mình đầu tiên đến Trung tâm chỗ nhạc sĩ Phó Đức Phương từ thời Trung tâm còn ở 51 Trần Hưng Đạo. Mặc dù, ở thời điểm đó, tôi chưa biết có thu về được đồng nào không nhưng tôi rất tin tưởng nhạc sĩ Phó Đức Phương. Sau đó một thời gian, bản thân tôi đã thấy có hiệu quả khi nhận được những khoản tiền đầu tiên từ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. 
Ngoài tôi, đến nay, anh em nhạc sĩ thường lĩnh tiền bản quyền từ Trung tâm theo quý. Có người lĩnh được vào khoảng chục triệu. Số tiền đó không nhiều, nhưng ai cũng rất vui vì mình được tôn trọng.
- Hiện nay đã có nhiều nhạc sĩ tự nguyện ủy quyền tác giả âm nhạc cho Trung tâm chỗ nhạc sĩ Phó Đức Phương nhưng vẫn còn có rất nhiều nhạc sĩ “không hứng thú” với việc này và nhiều khi các tác phẩm của họ vẫn bị dùng lậu. Nhạc sĩ nghĩ thế nào về hiện tượng này?
Các nhạc sĩ hiện nay nói đúng ra chưa thành một cái nếp thực hiện bản quyền, quyền được hưởng sự sáng tạo của mình. Có nhạc sĩ quan tâm nhưng cũng có những nhạc sĩ không quan tâm. Trong đó có những nhạc sĩ lão làng vẫn không quan tâm. Cái này có gốc nguồn từ trước đến nay nên không thể sớm thay đổi được toàn diện.
- Hiện tại, các nhạc sĩ còn sống đang đi đòi tiền bản quyền. Vậy những người đã khuất liệu ai sẽ đòi cho họ thưa nhạc sĩ?
Dù Trung tâm đã có nhiều văn bản bênh vực cho các nhạc sĩ già, trẻ và cả những người đã chết hoặc đang có bệnh như nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, nhưng đến nay cái nhận lại vẫn chỉ là những ấm ức trong lòng. Còn những nhạc sĩ đã khuất như nhạc sĩ Văn Cao, Huy Du… và rất nhiều nhạc sĩ khác tôi nghĩ đều mang theo một nỗi buồn chung như thế.
Nhạc sĩ Huy Thục (bên phải) cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương trong buổi gặp mặt gần 40 nhạc sĩ lão thành hôm 16/2 vừa qua.
Nhạc sĩ Huy Thục (bên phải) cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương trong buổi gặp mặt gần 40 nhạc sĩ lão thành hôm 16/2 vừa qua.
Đó là cái bức xúc của những người còn sống và những người đã chết. Đất nước đã có rất nhiều đổi mới nhưng vẫn có những người sử dụng ngang nhiên tác phẩm âm nhạc của người khác mà không xin phép và trả tiền tác quyền!
- Thưa nhạc sĩ, vấn đề nhức nhối nhất của các nhạc sĩ trong chuyện bản quyền tác giả âm nhạc hiện nay là gì?
Hiện nay, các đoàn biểu diễn dùng tác phẩm lậu của các tác giả thoải mái và vẫn chưa có ai phải xin lỗi cả.

Nhưng cái nhức nhối nhất của các các nhạc sĩ già và trẻ hiện nay đó là từ nhạc gọi, máy bay, trên mạng đến các tốp biểu diễn xuyên Việt v.v… đi vào các làng xóm, bản làng xa xôi, mặc dù đã có đóng dấu duyệt của Cục nghệ thuật biểu diễn, nhưng chúng ta không khó nhận thấy rằng nhiều đoàn đang đem những mẫu nghệ thuật bị “lai căng”. Đem văn hóa ấy xuống các bản làng làm hư hỏng các cháu bé, hư hỏng những vùng đất đang thưởng thức nghệ thuật rất lành mạnh. 
- Vấn đề đĩa lậu cũng liên quan nhiều đến tác quyền của tác giả, nhạc sĩ nghĩ sao về vấn đề này?
Bây giờ đĩa lậu bán đầy rẫy ở cả nước, các đại lý, vỉa hè và bán rong, ai sẽ phạt đây? Đến 10 – 15 chỉ thị họ cũng không thực hiện. Cơ quan Bộ Văn hóa, cơ quan bản quyền hiện cũng bất lực với hiện tượng này. 
Chỉ cần 1 đêm thôi, máy móc của những kẻ làm đĩa lậu hiện đại hơn cả máy móc của các nhà xuất bản âm nhạc có thể sản sinh hàng loạt để tung ra thị trường. Một chương trình tốt chỉ cần vài ngày sau là được bán tràn lan ra thị trường. Ai sẽ xử lý các đối tượng này? 
Nếu tôi muốn biếu bạn bè có lẽ không cần phải đi lên tận Hồ Gươm Audio mà có thể ra ngay chợ, vì trên Hồ Gươm Audio bán 45.000 đồng một cái đĩa sinh viên không mua được vì nghèo quá, ngược lại họ cũng có thể ra ngay chợ mua với đầy đủ các bài hát y như cái đĩa 45.000 đồng rất dễ. 
- Nhạc sĩ đã từng bị các ca sĩ sử dụng tác phẩm mà không nhận được quyền tác quyền chưa?
Bao nhiêu người và những ai như vậy thì tôi không biết hết và cũng không muốn kể ra đây. Chỉ kể chuyện về trường hợp ca sĩ Tân Nhàn hát bài Trăng khuyết của tôi đã giành được giải nhất Sao Mai 2005. Nhàn có đến nhà cám ơn tôi và xin in cái đĩa đó nhưng mấy lần gặp, Tân Nhàn chỉ nói bân bịu và bầu bí nên nói thực đến giờ tôi cũng chưa được biếu một cái đĩa. Tôi cho rằng Tân Nhàn đến thăm đã là quá tốt rồi. Tân Nhàn là một trong những ca sĩ trẻ đầu tiên biểu diễn tác phẩm của các nhạc sĩ thành công trong đó có tôi mà biết đến đây cám ơn tác giả, thế là quí rồi. 
Đó là Tân Nhàn có văn hóa trong biểu diễn. Tân Nhàn là một trong những ca sĩ trẻ có văn hóa, tri thức và biết ơn các nhạc sĩ thì phải giữ được điều đó, vì hiện nay đang mất đi văn hóa trong các nghệ sĩ già và trẻ đó là phải biết ơn các nhà sáng tạo. Hãy biết ơn đã, chứ chưa cần biết việc trả tiền cho các tác giả là bao nhiêu vì đã có luật và % do nhà nước qui định.
Nhạc sĩ Huy Thục và vợ
Nhạc sĩ Huy Thục và vợ
- Các chương trình biểu diễn ở các thành phố lớn còn có thể kiểm soát được nhưng với những đoàn biểu diễn đi liên tỉnh thì rất khó. Với trường hợp này theo nhạc sĩ nên xử lý thế nào?
Các đoàn biểu diễn tự do, các tốp đi biểu diễn ở khắp nơi thì không ai quản lý vì nó đã thành một cái nếp từ xưa. Từ hội hát xẩm cũng không nộp tiền tác phẩm bao giờ. Tôi có thể lấy ví dụ thêm như việc Lễ hội đền Hùng Bộ Văn hóa từng đặt tôi và 2 nhạc sĩ nữa viết nhạc rước kỷ niệm. Chúng tôi đã phải phân nhau viết. Bộ cũng đã trả mỗi nhạc sĩ 10 triệu. 
Nhưng hằng năm, diễn ra biểu diễn, nhiều đoàn họ vẫn lấy nhạc đó rải rác vào các cuộc đồng diễn khác rất khó kiểm soát. Anh biên đạo vẫn lấy nhạc không lời để ghép vào nhiều chương trình khác. Trong khi đó quần chúng không hề biết tác phẩm là của ai.
- Nhạc sĩ tham gia đi đòi quyền lợi cùng gần 40 nhạc sĩ khác, việc làm này có ảnh hưởng gì đến công việc của nhạc sĩ hiện tại không?
Nói thực đây là lần đầu tiên, tôi cùng 37 nhạc sĩ đến chỗ nhạc sĩ Phó Đức Phương làm đơn đòi quyền lợi. Tôi ký bằng bút dạ to và rõ nét thì chỉ 2 ngày sau tôi nhận được một cuộc điện thoại của một người quen có nội dung: "Chú Thục ơi chú viết bài "Ngọn lửa Bác Hồ trao" rất hay, cháu chuẩn bị thu cho chú nhưng cháu lại thấy chú ký vào biên bản phản đối việc không trả tiền bản quyền, cháu rất khó nghĩ nên buộc lòng cháu phải hoãn lại".
Lúc đó tôi đã nói với người đó: "Chỉ vì một chữ ký của chú mà cháu có quyền hoãn lại nhưng cháu phải nhớ khi Bác còn sống cũng hỏi tiền nhuận bút của Bác đâu, vấn đề bản quyền đã được Bác thực hiện làm gương từ thời Bác còn sống. Còn bây giờ chữ ký của các chú chỉ là làm sau theo gương Bác. Cháu phải nhớ việc làm đó là không nên. Gần 40 nhạc sĩ đòi quyền sáng tạo của người ta, nhưng các cơ quan có trách nhiệm không bảo vệ thì họ phải cùng lên tiếng".

- Các ca sĩ thì đang giàu lên nhanh chóng còn đời sống của các nhạc sĩ sáng tác thì dường như vẫn vậy, đây là một nghịch lý mà các nhạc sĩ phải xử lý thế nào?
Các nhạc sĩ ai nhận tiền ở Trung tâm bảo vệ bản quyền của nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng phải nộp thuế VAT cả. Nhưng các ca sĩ có thể thu về tiền tỉ còn đến khai với cơ quan thuế là rất ít. Để giải quyết vấn đề này có lẽ phải tập trung vào giáo dục văn hóa trong biểu diễn mà thôi. Không nhận thức ra thì một hạt muối họ cũng không chi.
Nói tóm lại bây giờ nhà nước với các cơ quan chức năng quản lý về văn hóa cần phải siết chặt, làm cho tốt để giữ được bản quyền tác giả. Nếu không làm được nó sẽ kéo dài đến cả tương lai. Ngay cả các nhạc sĩ trẻ hiện nay đang sáng tạo nhiều cái mới. Họ muốn sáng tạo phải đầu tư nhiều hơn nhưng tác phẩm làm ra đòi được quyền lợi ít quá. 
Trong thời gian sắp tới sẽ là nhiều ngày kỷ niệm của dân tộc gắn với đó là các tác phẩm của anh em nhac sĩ chúng tôi. Nhưng tôi e rằng sẽ có rất nhiều tác phẩm của chúng tôi sử dụng công khai nhưng chưa chắc chúng tôi đã nhận được một xu nào!
- Xin cám ơn nhạc sĩ!
Hoàng Lâm